Theo Cơ quan y tế tại Gaza, hơn 38.000 người Palestine thiệt mạng kể từ khi xung đột Hamas - Israel bùng nổ vào ngày 7.10.2023. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây trên tạp chí Lancet chỉ ra rằng số người chết thực tế có thể cao hơn gần gấp 5 lần so với dữ liệu chính thức.

leftcenterrightdel
 Người Palestine kiểm tra thiệt hại sau khi lực lượng Israel rút khỏi khu phố Shejaiya, phía đông TP.Gaza ngày 10.7.2024

Số người thiệt mạng cao hơn vì số liệu chính thức chưa tính đến hàng nghìn người chết bị chôn vùi dưới đống đổ nát và những người chết gián tiếp do cơ sở hạ tầng y tế, hệ thống phân phối thực phẩm và công trình công cộng khác bị phá hủy, theo nghiên cứu. Hiện nay, phần lớn cơ sở hạ tầng ở Gaza đều bị phá hủy cùng tình trạng thiếu lương thực, nước uống và nơi trú ẩn.

Ngoài những tác hại trực tiếp từ bạo lực, xung đột có những tác động gián tiếp đến sức khỏe và tình trạng bệnh tật của con người hậu chiến sự.

"Trong các cuộc xung đột gần đây, số người thiệt mạng gián tiếp cao gấp từ 3 - 15 lần số thiệt mạng trực tiếp", theo nghiên cứu.

Sau khi áp dụng phương pháp "ước tính thận trọng", tức cứ mỗi trường hợp thiệt mạng trực tiếp thì có 4 trường hợp chết gián tiếp, nghiên cứu cho rằng hoàn toàn có khả năng có tới 186.000 ca tử vong hoặc thậm chí nhiều hơn trong cuộc xung đột ở Gaza. Con số này tương đương gần 8% dân số 2,3 triệu người của Gaza trước xung đột.

Nghiên cứu cũng lưu ý rằng liên quan đến các thông tin cho rằng chính quyền Palestine đã ngụy tạo dữ kiện về số người chết, cả các cơ quan tình báo Israel, Liên Hiệp Quốc lẫn Tổ chức Y tế Thế giới đều đồng ý rằng các cáo buộc đó là "thiếu cơ sở".

Nghiên cứu khẳng định "việc ghi lại quy mô thiệt mạng thực sự là rất quan trọng để đảm bảo trách nhiệm giải trình và thừa nhận toàn bộ chi phí của cuộc xung đột. Đây cũng là một yêu cầu pháp lý".

Trước đó, trong phán quyết tạm thời vào tháng 1, Tòa án Công lý Quốc tế đã yêu cầu Israel phải áp dụng mọi biện pháp để đảm bảo tuân thủ "Công ước về vấn đề diệt chủng" trong cuộc xung đột ở Gaza.

Theo Thanh niên