leftcenterrightdel

Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng yên bình sau gần 50 năm kết thúc chiến tranh. 

Trở lại Xiêng Khoảng sau gần 50 năm kết thúc chiến tranh, ngắm nhìn thị xã Phonsavan trong một diện mạo mới, những tòa nhà cao tầng, hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại khang trang. Bao quanh trung tâm tỉnh lỵ là Cánh đồng Chum, Di sản Văn hóa thế giới vừa được UNESCO công nhận. Nơi đây không khí trong lành và mát mẻ, địa hình đồi thấp với những bãi cỏ xanh ngắt, giống y những phong cảnh nổi tiếng ở trời Âu.

Nhưng ẩn chứa đằng sau vẻ đẹp thơ mộng ấy là những vết tích chiến tranh mà thời gian vẫn chưa thể xóa mờ. Người ta dễ dàng bắt gặp những hố bom từ nhỏ đến lớn, có nơi đã trở thành ao hồ, có nơi thành di tích. Chỉ tính riêng từ năm 1964 - 1973, đế quốc Mỹ đã tiến hành gần 600.000 vụ oanh tạc lên mảnh đất này, mỗi đầu người ở đây và vùng phụ cận phải hứng chịu 350kg bom.

Trong hoàn cảnh ác liệt đó, hàng vạn quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam đã lên đường sang hỗ trợ cách mạng Lào. Cùng với bộ đội Pathet Lào, nhiều người đã anh dũng hy sinh, riêng tại Cánh đồng Chum hơn 2.000 người mãi mãi nằm lại. Cộng với những chiến trường trọng điểm như Viêng Chăn, Xiêng Khoảng, Xaysomboun có tổng hơn 15.000 người ngã xuống vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng của đất nước bạn.

Chiến tranh đã qua đi nửa thế kỷ, dù công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được Đảng và nhân dân hai nước quan tâm, tiến hành khẩn trương nhưng đến nay do địa hình hiểm trở, hoàn cảnh chiến tranh ác liệt nên vẫn còn hơn 2.000 người vẫn chưa tìm thấy hài cốt.

leftcenterrightdel

leftcenterrightdel
Điện thờ tạm các Anh hùng Liệt sĩ Việt Nam - Lào tại Khu điện thờ các Anh hùng Liệt sĩ Việt Nam - Lào (huyện Pẹc, tỉnh Xiêng Khoảng)

Tỏ lòng tri ân

Với bối cảnh lịch sử và vị trí địa lý đặc biệt như vậy, ông Hà Văn Cảnh, Việt kiều, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tỉnh Xiêng Khoảng cho biết lý do khiến cộng đồng người Việt ở đây lập điện thờ: “Nơi đây là một chiến trường ác liệt, bộ đội Việt Nam hy sinh rất là nhiều, tại sao không có một ngôi chùa thờ anh linh các anh hùng liệt sĩ quân đội Việt Nam”.

leftcenterrightdel
Ông Hà Văn Cảnh, Việt kiều, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tỉnh Xiêng Khoảng. 

Biết được những câu chuyện và tâm ý đó, trong một lần sang Xiêng Khoảng, Đại đức Thích Nguyên Thọ, Trưởng ban Trị sự GHPGVN huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã khởi xướng ý tưởng xây dựng một khu điện thờ anh hùng liệt sĩ Việt Nam - Lào. Khi dừng chân tại Bản Nhuôn (huyện Pẹc, tỉnh Xiêng Khoảng), thầy Thọ phát hiện ra một khu đồi rộng có dáng một con sư tử, phía đồi bên kia có dáng một con voi phục, phong thủy rất phù hợp để xây dựng một công trình tâm linh.

leftcenterrightdel

Ông Bùi Trường Giang, Giám đốc Ngân hàng Liên doanh Lào - Việt (LaoVietBank),

Chi nhánh tỉnh Xiêng Khoảng. 

Tiếp nhận ý kiến trên, ông Cảnh cùng với ông Bùi Trường Giang, Giám đốc Ngân hàng Liên doanh Lào - Việt (LaoVietBank), Chi nhánh tỉnh Xiêng Khoảng làm hồ sơ, gặp gỡ lãnh đạo tỉnh và các sở, phòng, ban chuyên môn của nước bạn đề xuất. Ông Giang cảm thấy bản thân may mắn hơn những bạn cùng trang lứa, vì bố ông cũng là người lính nhưng trở về lành lặn sau khi kết thúc chiến tranh. Vì vậy, ông tự nhủ bản thân có trách nhiệm phải làm một điều gì đó để tri ân với những thế hệ đi trước. Không phụ cho những cố gắng đó, đến năm 2020, công trình đã được Bộ Nội vụ Lào phê duyệt, lãnh đạo tỉnh Xiêng Khoảng ký quyết định cấp khu đất rộng 10ha cho Hội Người Việt Nam tỉnh Xiêng Khoảng để tiến hành xây dựng.

Về phía Việt Nam, công trình được ông Nguyễn Đăng Hùng, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại tỉnh Luang Prabang tích cực ủng hộ. Đến ngày 24/3/2022, Khu Điện thờ đã chính thức được khởi công trong niềm vui sướng, hoan hỷ của cộng đồng người Việt cũng như nhân dân Lào. “Công trình sẽ có mục đích chính là nơi nương tựa tâm linh của các anh hùng liệt sĩ Việt Nam vẫn chưa tìm thấy hài cốt, trong đó bao gồm cả những liệt sĩ là người Lào”, ông Giang chia sẻ.

Khẳng định tình hữu nghị vĩ đại

Ngoài mục đích trên, với số lượng người Việt Nam đang sinh sống làm việc tại Xiêng Khoảng lên tới gần 1.000 người. Công trình còn là nơi tề tựu hương khói vào những ngày Rằm, mồng Một của những người Việt xa xứ có nhu cầu đi lễ chùa theo phong tục truyền thống ở quê nhà. Đây cũng còn là dịp để họ thắp hương tri ân, tưởng nhớ tới những anh hùng liệt sĩ Việt Nam - Lào đã anh dũng ngã xuống trên mảnh đất này.

Với ý nghĩa đó, trong thời gian xây dựng công trình, bà con người Việt đã tích cực ủng hộ. Người có tiền ủng hộ tiền, người không có tiền ủng hộ sức lực. Đường chưa có, họ bỏ công làm đường, làm cống. Nhà sinh hoạt cộng đồng trong Khu Điện thờ cũng không phải thuê thầy thợ, anh em bảo nhau mọi người làm một việc, đóng góp một thứ và tự xây dựng để tiết kiệm chi phí.

Mới đây, Đại đức Thích Nguyên Thọ đã phát tâm ủng hộ một nếp gỗ cho hạng mục Điện Trung. Số vật liệu này được công ty của một bà con vận chuyển từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sang Xiêng Khoảng, gấp rút xây dựng để hướng tới dịp Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022).

leftcenterrightdel
Xây dựng hạng mục Điện Trung, hướng tới dịp Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022). 

Cũng tại điện thờ này, ngày 24/7 vừa rồi, cộng đồng người Việt đã phối hợp với chính quyền tỉnh Xiêng Khoảng và Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Luang Prabang tổ chức Đại lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sỹ, đồng bào tử nạn Việt Nam - Lào. Tham dự có sự hiện diện của hơn 3.000 người, ngoài các tầng lớp nhân dân Lào còn có các cựu chiến binh là quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam từng chiến đấu tại Lào, cựu binh Lào cùng đông đảo cộng đồng người Việt đang làm ăn sinh sống tại tỉnh.

Bày tỏ cảm xúc khi tham gia buổi lễ và ý nghĩa của công trình, anh Nguyễn Kim Thời (37 tuổi, quê quán tại huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) không nén được xúc động: “Các bác đã để lại một dấu ấn không thể nào phai, xương máu các bác đã ở lại để giải phóng quê hương đất nước Lào. Chính vì vậy, công trình có ý nghĩa vô cùng quan trọng để các thế hệ sau của hai nước biết đến công lao của ấy, hiểu hơn về mối quan hệ hữu nghị đặc biệt hiếm có, qua đó gắn kết tình cảm hữu nghị giữa hai nước mãi mãi về sau”.

leftcenterrightdel
Chị Huỳnh Thị Tánh, người Việt sinh sống tại tỉnh Xiêng Khoảng. 

Còn đối với chị Huỳnh Thị Tánh, người đã có gần 20 năm gắn bó với việc buôn bán quần áo tại tỉnh Xiêng Khoảng: “Mọi người đều mong muốn có một khu điện thờ tại tỉnh Xiêng Khoảng, để khi thoảng người ta vẫn nhớ về quê hương, lên thắp hương khói cho những anh hùng liệt sĩ. Còn đối với những người phương xa đến đây, họ sẽ biết trên Bản Nhuôn có một khu điện thờ mới xây dựng, họ sẽ ghé qua thắp hương – cũng để nhớ về quê hương và tri ân các anh hùng liệt sĩ được thờ cúng tại đây”.

Ông Souphanh Kalachak, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Xiêng Khoảng, đánh giá cao về vai trò, vị trí của công trình: “Tôi đánh giá mối quan hệ Lào - Việt Nam là mối quan hệ đoàn kết đặc biệt hiếm có. Trong thời gian chiến tranh tại Lào, bộ đội Việt Nam đã sang kề vai sát cánh với bộ đội và nhân dân Lào chiến đấu chống kẻ thù chung đem lại hòa bình độc lập tự do. Trong những năm tháng chiến tranh đó, có rất nhiều cán bộ chuyên gia của Việt Nam đã hy sinh tại tỉnh Xiêng Khoảng, đặc biệt là ở cánh đồng Chum. Nhân dân Lào chúng tôi rất vô cùng biết ơn sự hy sinh của bộ đội Việt Nam. Cộng đồng người Việt Nam tại tỉnh Xiêng Khoảng xây dựng Khu điện thờ đó, cũng là trách nhiệm của chúng tôi. Chúng tôi sẽ góp phần cho công trình sớm hoàn thành”.

Trường Hùng