Lực lượng an ninh Lebanon phải phun hơi cay để giải tán hàng chục người biểu tình chống chính phủ sau vụ nổ kinh hoàng hôm 4/8. Vụ nổ khiến ít nhất 150 người tử vong, 5.000 người bị thương và phá huỷ nhiều quận trong thành phố, ước tính thiệt hại lên 5 tỷ USD. Những người biểu tình coi vụ nổ này là giọt nước tràn ly cho sự yếu kém của chính phủ nước này.

Cuộc đụng độ xảy ra cuối ngày 6/8 trên con đường dẫn đến tòa nhà quốc hội, giữa đống đổ nát do vụ nổ ở trung tâm Beirut, Lebanon. Những người biểu tình đã phóng hoả, phá hoại các cửa hiệu và ném đá vào lực lượng an ninh, theo hãng thông tấn nhà nước NNA . Cảnh sát đáp trả đám đông bằng hơi cay, một số nhóm nhỏ bị thương.

Cảnh sát chống bạo động tiến về nhóm người biểu tình sau vụ nổ ở bến cảng Beirut ngày 4/8. Ảnh: AP.

 

Nhiều thi thể vẫn chôn vùi trong đống đổ nát ở cảng - nơi 2.750 tấn ammonium nitrate được cho là đã phát nổ lúc 18h ngày 4/8, trở thành vụ nổ lớn nhất lịch sử Beirut. Khi các tình nguyện viên bắt tay vào dọn dẹp đường phố, các toà nhà và bệnh viện bị hư hỏng, trên khắp Lebanon vẫn sôi sục sự phẫn nộ về nguyên nhân vụ nổ. Nhiều người và tổ chức kêu gọi điều tra độc lập về thảm hoạ này.

Vào ngày 6/8, đám đông giận giữ thúc giục Tổng thống Pháp Emmanuel Macron giúp thay đổi tình hình chính trị ở Lebanon khi ông đến thăm khu vực cảng và vùng phụ cận bị tàn phá bởi vụ nổ.

Tại đây, Macron nói với người biểu tình: "Tôi đảm bảo với các bạn điều này, cứu trợ sẽ không rơi vào tay những kẻ tham nhũng. Tôi sẽ đàm phán với các lực lượng chính trị và yêu cầu họ có hiệp ước mới. Tôi ở đây hôm nay để đề xuất một hiệp ước chính trị mới với họ".

Đoạn video cho thấy đám đông thúc giục Macron "giúp họ" và "làm điều gì đó". Ông nói: "Tôi cảm nhận được cảm xúc của các bạn, nỗi buồn, nỗi đau đớn. Đây là lý do tôi ở đây".

Một số ít nhà lãnh đạo của Lebanon đến thăm địa điểm xảy ra vụ nổ hay những khu vực bị ảnh hưởng. Một xe chở cựu thủ tướng Saad Hariri bị tấn công vào ngày 4/8 khi ông đi qua khu trung tâm Beirut. Các quan chức nước này bắt đầu đổ lỗi cho nhau vì để vật liệu nổ gần khu dân cư trong 6 năm. Số ammonium nitrate này được đưa xuống từ một tàu bị bỏ lại cập bến ở Beirut vào năm 2013.

Một số nhân viên cảng bị bắt khi chờ cuộc điều tra bắt đầu trong 4 ngày tới. Kết quả điều tra sẽ được báo cáo lên nội các, sau đó sẽ được đưa đến toà án.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến Lebanon ngày 6/8. Ảnh: AFP.

 

Hàng nghìn chữ ký kiến nghị vụ việc phải được quốc tế điều tra. Chính trị gia Walid Jumblatt nói rằng ông không tin chính phủ có khả năng tìm hiểu và tiết lộ được sự thật về vụ nổ. Ông nói: "Chúng tôi không hề tin tưởng những người đang điều hành đất nước hiện nay".

Trong khi đó, đại sứ của Lebanon ở Jordan, Tracy Chanoun, xin từ chức vào ngày 6/8. Bà cho biết trong một tuyên bố trên truyền hình: "Tôi tuyên bố từ chức đại sứ để phản đối sự cẩu thả, trộm cướp và dối trá của chính phủ. Thảm họa này là một hồi chuông cảnh tỉnh".

Bà là người thứ hai từ chức kể từ sau vụ nổ, người đầu tiên là chủ tịch quốc hội Marwan Hamadeh vào hôm 5/8.

Lực lượng cứu hộ nỗ lực giải cứu các nạn nhân vùi lấp dưới đống đổ nát. Ảnh: AP.

 

Người dân thủ đô giận dữ vì thảm họa có thể thấy trước và thường xuyên được cảnh báo. Trên một ban công đổ nát, có người đã treo lên một thòng lọng nhỏ với tấm biển ghi "đầu ai sẽ treo lên đây?’. Hashtag "Treo thòng lọng lên" đứng đầu danh sách phổ biến trên mạng xã hội nước này.

Theo Ione