Người dân tại Madrid, Tây Ban Nha - REUTERS

“Người dân không thể cảm thấy an toàn chỉ vì họ đã tiêm 2 liều vắc xin. Họ vẫn cần tự bảo vệ mình”, tiến sĩ Mariangela Simao, trợ lý tổng giám đốc WHO nói trong cuộc họp báo mới đây về việc đeo khẩu trang.

Theo bà Simao, chỉ tiêm vắc xin không giúp ngăn chặn lây lan trong cộng đồng và người dân cần tiếp tục đeo khẩu trang thường xuyên, tạo không gian thông thoáng cho nơi ở, rửa tay sạch sẽ, giữ khoảng cách và tránh tụ tập đông người.

Khuyến cáo của quan chức WHO được đưa ra sau khi một số nước dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang và giãn cách khi tỷ lệ tiêm chủng tăng cao và số ca nhiễm, tử vong giảm xuống.

Các quan chức WHO kêu gọi người đã tiêm vắc xin góp vai trò trong việc chống dịch vì phần lớn dân số thế giới vẫn chưa được tiêm và các biến chủng có khả năng lây lan mạnh đang hoành hành tại nhiều nước.

Người qua đường tại Tokyo, Nhật Bản đeo khẩu trang - REUTERS

Dữ liệu đáng ngạc nhiên là nhiều nước hứng chịu đợt bùng phát dịch mới gần đầy đều là những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao như Bahrain, Uruguay, Maldives, Seychelles. Xu hướng này được cho là liên quan một phần đến việc nới lỏng quy định giãn cách quá nhanh.

Tại Israel, một điểm bùng phát do biến chủng Delta mới xuất hiện gần đây và nhà chức trách xác định có một nửa số bệnh nhân là người đã tiêm đủ liều vắc xin Pfizer/BioNTech. Vụ việc khiến chính quyền tái ban hành quy định đeo khẩu trang trong nhà và các biện pháp khác.

Hiệp hội Y học Indonesia cho biết có ít nhất 20 bác sĩ tại nước này đã tử vong vì Covid-19 ngay cả khi đã tiêm đủ liều vắc xin của Sinovac (Trung Quốc), trong đó có 10 ca trong tháng 6.

Theo thanhnien