"Gần đây, nhiều thực khách băn khoăn kim chi mà quán tôi sử dụng được sản xuất ở đâu. Họ hầu như không động đũa đến món này sau khi nghe tôi nói chúng có xuất xứ từ Trung Quốc", Kim Ji-sook, chủ tiệm cơm văn phòng ở Seoul (Hàn Quốc), chia sẻ với Korea Times.

Cô cho biết người tiêu dùng xứ củ sâm ngày càng quan tâm đến nguồn gốc món kim chi mình ăn hàng ngày.

Người Hàn ngày càng quan tâm tới nguồn gốc món kim chi thường thấy ở các nhà hàng sau đoạn video sơ chế cải bắp mất vệ sinh ở cơ sở sản xuất kim chi tại Trung Quốc. Ảnh: Asian Recipes At Home.


Điều này bắt nguồn từ tháng 3 vừa qua, khi video ghi lại cảnh một người đàn ông cởi trần, sơ chế cải bắp trong bể nước đục ngầu tại một nhà máy sản xuất kim chi ở Trung Quốc được lan truyền trên mạng xã hội Hàn Quốc.


Sợ sẽ vô tình tiêu thụ kim chi không đảm bảo vệ sinh, nhiều người Hàn dần quan tâm hơn về nguồn gốc món ăn, quyết tẩy chay kim chi đến từ xứ tỷ dân.

Tuy nhiên, trào lưu này khiến không ít nhà hàng, quán ăn như tiệm cơm cô Kim gặp khó khăn khi lượng kim chi thừa ngày càng nhiều, dẫn đến tình trạng lãng phí thực phẩm.

Chọn kim chi Trung Quốc vì "giá rẻ"


Theo Korea Times, mỗi năm, Hàn Quốc nhập khẩu gần 300.000 tấn kim chi từ xứ tỷ dân. Đa số được đưa đến các nhà hàng do có giá thành rẻ bằng 1/3 sản phẩm sản xuất tại Hàn, giúp chủ kinh doanh tiết kiệm chi phí khi buôn bán giữa Covid-19.

Lee Ha-yeon, Chủ tịch Hiệp hội Kim chi Hàn Quốc (KAK), nói rằng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho các nhà hàng, quán ăn khi sử dụng kim chi xuất xứ Trung Quốc.

Bà nói việc cung cấp kim chi như món ăn kèm miễn phí (banchan) là lý do khiến các chủ kinh doanh phải nhập hàng giá rẻ từ xứ tỷ dân.

Tại đa số nhà hàng Hàn Quốc, thực khách có thể gọi kim chi miễn phí, không giới hạn định lượng. Để tiết kiệm chi phí, chủ quán ăn thường sử dụng sản phẩm có xuất xứ Trung Quốc. Ảnh: ABC.


"Phần lớn hàng quán luôn cho khách hàng dùng kim chi miễn phí, không giới hạn định lượng. Chừng nào cung cách phục vụ này còn diễn ra, các nhà hàng vẫn phải sử dụng kim chi giá rẻ xuất xứ Trung Quốc".

Vì thế, KAK đề ra biện pháp nhằm đảm bảo thực khách được ăn kim chi chuẩn Hàn, chế biến tại chỗ với các nguyên liệu tươi, sạch. Họ sẽ cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn cho các quán ăn phục vụ thành phẩm có chất lượng tốt, nguồn gốc từ địa phương.

Qua chiến dịch này, các thành viên hiệp hội mong rằng có thể thúc đẩy lượng tiêu thụ kim chi Hàn Quốc, giúp các nhà cung cấp địa phương có bước đột phá kinh doanh.

"Tôi nghĩ người tiêu dùng cần hiểu rằng kim chi không miễn phí. Họ phải trả tiền nếu muốn ăn kim chi sạch, ngon và an toàn", bà Lee nói với Korea Times.

Bà cho biết tới nay, KAK nhận được khoảng 5.000 đơn đăng ký từ các nhà hàng trên khắp cả nước, đặc biệt ở tỉnh Nam Jeolla.

"Các quán ăn ở địa phương này rất muốn tham gia chương trình vì biết rằng chiến dịch sẽ tạo điều kiện phát triển cho nông dân địa phương, nhà cung cấp kim chi và người tiêu dùng".

Bà Lee hy vọng chiến dịch này sẽ khuyến khích thực khách lựa chọn quán ăn có chứng nhận "kim chi sản xuất ở địa phương", từ đó thôi thúc các nhà hàng khác tham gia.

Kim chi thành nguồn cơn tranh cãi


Nhiều người bày tỏ ủng hộ với sáng kiến do KAK đề xuất, nhưng cũng có không ít ý kiến trái chiều.

Chồng cô Kim, một đầu bếp làm việc ở nhà hàng, cho biết chiến dịch này không ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các tiệm ăn không có giấy chứng nhận từ KAK.

"Kim chi chỉ là một trong các món ăn kèm được phục vụ ở hầu hết quán ăn Hàn Quốc, không phải món duy nhất. Thực khách chọn nhà hàng dựa trên sở thích ăn uống. Vì thế, giấy chứng nhận không khiến các quán ăn đông khách hơn", anh nói.

 "Tiên nữ đồng quê" Lý Tử Thất từng bị dân mạng Hàn Quốc chỉ trích gay gắt vì gọi món đồ chua này là đặc sản Trung Quốc.


Những tranh cãi liên quan tới kim chi giữa Hàn Quốc và Trung Quốc nhiều lần nổ ra trong thời gian gần đây.

Đầu tháng 12/2020, tờ Global Times của Trung Quốc đưa tin về việc món đồ chua của nước này được chứng nhận ISO và nói rằng ISO “là tiêu chuẩn quốc tế cho ngành sản xuất kim chi mà Trung Quốc dẫn đầu”.

Tại Trung Quốc, món này được gọi là Pao cai, làm từ bắp cải, thân cây mù tạt, đậu dài, ớt, cà rốt và gừng.

Việc tờ báo này nhắc đến từ “kim chi” đã khiến người Hàn Quốc cho rằng Trung Quốc đang cố gắng biến kim chi thành của mình, gây ra làn sóng phản ứng gay gắt, theo Guardian cho biết.

Cuối tháng 11/2020, blogger nổi tiếng xứ Trung Lý Tử Thất sử dụng hashtag #ChineseCuisine và #ChineseFood (tạm dịch: Đặc sản Trung Quốc và Ẩm thực Trung Quốc) khi đăng video muối củ cải.

Điều này khiến Lý Tử Thất phải hứng chịu làn sóng chỉ trích từ cư dân mạng Hàn Quốc.

Theo Zing