leftcenterrightdel
 Người lao động nhập cư tại Anh - Ảnh: Sergio Azenha/Alamy

Một người nước ngoài làm nhân viên chăm sóc sức khỏe tại Vương quốc Anh cho biết cô đã bị người quản lý của mình cưỡng hiếp nhiều lần. Thế nhưng cô nhưng không dám báo cảnh sát vì sợ mất việc làm. Cô chia sẻ, nhiều người như cô thường gặp vấn đề này, song họ chọn cách nhẫn nhục, im lặng.

Theo báo cáo của Cục Báo chí Điều tra (TBIJ) và Tổ chức Tư vấn công dân Citizens Advice, vụ việc trên là một trong hơn 170 trường hợp về lạm dụng và bóc lột đang diễn ra khắp Vương quốc Anh.

Tại Anh, thị thực nhân viên y tế và chăm sóc sức khoẻ chỉ được cấp khi người nộp đơn có lời mời làm việc từ một công ty chuyên cung cấp lao động được phê duyệt. 

Dora-Olivia Vicol, giám đốc điều hành của Trung tâm Quyền lao động, cho biết điều này đặt người sử dụng lao động vào một “vị thế quyền lực đáng kinh ngạc”, bởi vì người lao động vẫn bị ràng buộc với người bảo trợ trong suốt thời hạn thị thực của họ.

Số liệu của chính phủ Anh cho thấy gần 106.000 thị thực đã được cấp cho nhân viên chăm sóc sức khỏe vào năm 2023 – gần gấp đôi số lượng được cấp vào năm 2022. Những người từ Ấn Độ, Nigeria, Zimbabwe, Ghana, Bangladesh và Pakistan đứng đầu danh sách những người đến Vương quốc Anh để làm công việc chăm sóc sức khỏe.

Vào đầu năm 2023, nhân viên tại Citizens Advice nhận thấy sự gia tăng các cuộc gọi từ những người có thị thực nhân viên y tế và chăm sóc sức khỏe.

Lo ngại trước xu hướng này, Citizens Advice đã thu thập thông tin để đánh giá quy mô của vấn đề. Tổng cộng, Citizens Advice đã thu thập bằng chứng từ 150 nhân viên, mặc dù số người thực sự bị ảnh hưởng có lẽ còn cao hơn nhiều.

Kayley Hignell, giám đốc chính sách của Citizens Advice, nói: “Có khả năng hàng ngàn người bị mắc kẹt trong một hệ thống khiến họ dễ bị lạm dụng và đe dọa, không có khả năng khiếu nại. Những người này là những chuyên gia lành nghề, những người đảm bảo các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của chúng ta hoạt động nhưng lại không được đảm bảo an toàn khi sự cố xảy ra”.

Citizens Advice cho biết họ bắt đầu nhận thấy các trường hợp bóc lột với số lượng lớn vào tháng 7/2023. “Bước đầu tiên để khắc phục điều này là thiết kế thị thực làm việc theo cách không ràng buộc ai đó với người sử dụng lao động. Chính phủ phải cung cấp cho người lao động nhập cư những lựa chọn tốt hơn để gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự đối xử tồi tệ. Đồng thời, đảm bảo những người sử dụng lao động tồi phải chịu trách nhiệm" - Hignell cho biết.

Theo phụ nữ TPHCM