Người Mỹ đang sinh sống ở Việt Nam bầu cử như thế nào?
Cập nhật lúc 11:34, Thứ hai, 02/11/2020 (GMT+7)
Nhiều người Mỹ đang sinh sống ở Việt Nam xác nhận thủ tục bầu cử qua thư với người sống bên ngoài nước Mỹ dù có khác so với thủ tục ở trong nước nhưng vẫn đơn giản và có thể thực hiện dễ dàng.
Điểm tiếp nhận phiếu bầu cử qua thư ở TP Denver, bang Colorado trong ảnh chụp ngày 22-10 - Ảnh: Reuters
Thủ tục bầu cử tổng thống tại mỗi tiểu bang ở Mỹ khác nhau ở một số nội dung cụ thể. Nhưng nguyên tắc chung là người đủ điều kiện đi bầu đăng ký địa chỉ ở bang nào sẽ nhận lá phiếu với bang đó.
Một số tiểu bang yêu cầu lá phiếu được in ra và bỏ vào bao thư dán kín, trong khi một số tiểu bang chấp nhận lá phiếu qua email. Lá phiếu có mã vạch riêng và bao thư đựng lá phiếu có thể được gửi qua bưu điện đến địa chỉ của cử tri hoặc gửi bằng email để cử tri tự in ra. Cũng có bang chấp nhận cho cử tri điền thông tin vào lá phiếu và gửi lại bằng đường email.
Thời hạn chấp nhận lá phiếu hợp lệ cũng khác nhau. Có bang chấp nhận các lá phiếu đến tổ bầu cử trong ngày 3-11, nhưng có bang công nhận lá phiếu đến trong vòng 1 tuần nếu bao thư được đóng dấu bưu điện ngày 3-11. Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội và Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM có hỗ trợ công dân bằng cách nhận lá phiếu bầu và chuyển về Mỹ.
Đa số người Mỹ ở Việt Nam nhờ đại sứ quán, lãnh sự quán Mỹ chuyển thư về nước và tin tưởng vào kênh này. Bằng công cụ theo dõi lá phiếu, nhiều người xác nhận lá phiếu của họ đã được công nhận tại Mỹ. Có rất nhiều trang web cũng như tình nguyện viên, tổ chức vận động bầu cử hướng dẫn người dân cách thức đăng ký bầu cử vắng mặt (qua thư) như các trường hợp là quân nhân Mỹ hoặc công dân Mỹ ở nước ngoài.
Anh Ben Betterby, nghệ sĩ hài độc thoại sống tại TP.HCM, dù không tiết lộ mình bầu cho ai nhưng cho biết anh đã hoàn thành trách nhiệm công dân từ sớm. "Tôi nghĩ mọi cuộc bầu cử đều quan trọng như nhau. Càng nhiều người đi bầu thì càng tốt cho nước Mỹ".
Ben cho biết nếu sống ở Mỹ thời gian này, quảng cáo chính trị sẽ bao vây cuộc sống của mọi người. "Chúng rất phiền phức nên tôi hài lòng vì mình đang sống ở Việt Nam. Cá nhân tôi không có nhu cầu xem quảng cáo chính trị vì chúng nhằm làm cử tri phấn khích hơn trong việc bầu cho người mình ủng hộ, nhưng nó cũng làm nhiều người khác chán ngán" - anh chia sẻ.
Ben tâm sự đây là kỳ bầu cử tổng thống ít vui vẻ nhất mình từng trải qua: "Tôi thấy mình ít tin tưởng hơn với các chính trị gia ở Mỹ và điều này làm cho tôi cảm thấy khá buồn".
Theo Ben, nước Mỹ đang bị chia rẽ hơn bao giờ hết. Sự chia rẽ này đang làm nhiều người trở nên im lặng hoặc thờ ơ. Người Mỹ đang tập trung vào sự khác biệt của nhau hơn là sự tương đồng, điều này góp phần tạo nên tâm lý giận dữ và lo lắng.
Theo tuoitre