Người Mỹ uống rượu nhiều hơn trong thời gian ở nhà tránh dịch. Ảnh: Verywell Mind.
Theo báo cáo của Nielsen, doanh số bán rượu ở xứ cờ hoa đã tăng 54% trong thời gian phong tỏa. 75% người Mỹ cho biết họ tiêu thụ đồ uống có cồn nhiều hơn khi ở nhà tránh dịch, NY Post đưa tin.
Trước đây, Andrea Carbone (51 tuổi, sống tại bang Florida, Mỹ) không phải là một người nghiện rượu. Từ khi đại dịch ập đến, bà không ngừng lo lắng về công việc, sức khỏe, sự an toàn của mình và con cái.
Trong khi nhiều người có thể làm việc tại nhà, Carbone vẫn phải đến văn phòng. Trên đường đi làm, bà bỗng dưng bật khóc vì chứng kiến khung cảnh vắng vẻ của thành phố.
"Nhiều con đường không có một bóng người. Nó giống như một thị trấn ma", Carbone mô tả.
Khi mức độ căng thẳng tăng lên, Carbone tìm đến rượu để giải sầu. Thông thường, bà chỉ uống một ly rượu vang đỏ trong bữa tối. Số lượng bắt đầu tăng dần vào tháng 5/2020.
“Tôi uống nhiều rượu ngay khi về nhà. Lúc ăn tối, ngồi xem TV cùng gia đình, tôi cũng phải uống thêm vài ly”, người phụ nữ 51 tuổi nói với New York Times.
Trường hợp của Carbone không phải là duy nhất trong mùa dịch. Nỗi sợ hãi, thất vọng và cách ly xã hội đã khiến mức độ bế tắc tăng vọt. Phụ nữ và các ông bố, bà mẹ có con nhỏ là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Lạm dụng bia rượu
Hiệp hội Tâm lý Mỹ nhận thấy 1/4 số người tìm đến bia rượu là để giải tỏa áp lực liên quan đến đại dịch. Tỷ lệ này tăng gấp đôi ở những người có con từ 5-7 tuổi.
Một nghiên cứu khác được công bố trên JAMA Network Open vào tháng 10/2020 cho thấy tần suất sử dụng đồ uống có cồn tăng 14% so với một năm trước đó. Trong đó, số ngày phụ nữ tiêu thụ rượu bia tăng 41%.
“Nhiều báo cáo đã chỉ ra rằng khoảng cách của các tác hại liên quan đến cồn giữa nam và nữ đang dần thu hẹp”, tạp chí BMJ viết.
Theo New York Times, những tổn thương tâm lý vì đại dịch đã khiến sức khỏe thể chất của mọi người giảm sút rõ rệt, bao gồm cả việc tăng cân quá mức và giấc ngủ bị gián đoạn.
Các nơi điều trị trên khắp nước Mỹ ghi nhận số người nhập viện vì viêm gan, xơ gan, suy gan và các bệnh lý khác liên quan đến rượu tăng đáng kể.
Driftwood Recovery, một trung tâm phục hồi sức khỏe tinh thần và cai nghiện ở bang Texas, đã nhận được rất nhiều yêu cầu điều trị trong thời gian gần đây.
Vanessa Kennedy, giám đốc tâm lý của Driftwood, cho biết danh sách chờ đã kéo dài tận 2 tháng. Nhiều khách hàng của cô là các bậc phụ huynh uống rượu mất kiểm soát vì phải vật lộn với công việc hàng ngày và trách nhiệm làm cha mẹ.
Nhiều cửa hàng rượu bán mang đi để phục vụ nhu cầu của khách hàng trong mùa dịch. Ảnh: NY Post.
Tại Mỹ, lạm dụng rượu bia là nguyên nhân gây ra 95.000 ca tử vong mỗi năm, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC).
Tương tự Mỹ, các nhà nghiên cứu ở Anh cũng nhận thấy số ca tử vong liên quan đến đồ uống có cồn tại xứ sở sương mù đã tăng 20% vào năm 2020, theo NY Post.
Việc phong tỏa diện rộng trong mùa dịch cũng khiến những người nghiện rượu khó tiếp cận sự trợ giúp từ đội ngũ y tế. Việc điều trị được chuyển sang hình thức trực tuyến để giúp bệnh nhân phần nào xoa dịu tâm trạng căng thẳng và tránh xa các cuộc tụ tập tại nhà.
Một số cửa hàng rượu và tiệm tạp hóa ở xứ cờ hoa vẫn được phép mở cửa để bán mang đi.
Theo zingnews