Người nghèo ở Mỹ đội mưa xếp hàng chờ nhận thực phẩm hỗ trợ

 

Viện Chính sách di cư cho biết: 20% công nhân Mỹ trong các ngành dễ bị tổn thương phải nghỉ việc, trong đó người nhập cư chiếm đến 17%. Điều đáng buồn, họ là những người không có số an sinh xã hội nên không được hưởng lợi từ gói hỗ trợ trị giá 2,2 nghìn tỷ USD mà Quốc hội Mỹ phê duyệt để trợ giúp tài chính cho người dân trong đại dịch. Vì vậy, nhiều người nhập cư ở Mỹ khi mất việc do Covid-19 đang xoay xở với nhiều thứ khác để sống qua ngày. Họ phải cố gắng tìm kiếm các khoản tiền ít ỏi từ việc làm thuê thời vụ để lo cho gia đình, mặc dù đối mặt với nguy cơ cao nhiễm virus.

Trong số đó có cô Leymar Navas từng làm việc tại một nhà hàng sushi nhưng bị mất việc từ 3 tháng trước. Sau cuộc tìm kiếm trong tuyệt vọng, cô đã nhận công việc bán thời gian cho một công ty khử trùng làm vệ sinh ATM ngân hàng. Cô Leymar cho biết, dẫu khó khăn gì thì cô cũng cố gắng, miễn là kiếm được đồng tiền bát gạo trong thời điểm tăm tối này.

Thất nghiệp do dịch, một số người Mỹ buộc phải tìm mọi cách để kiếm tiền sống qua ngày, trong đó đi siêu thị hộ là một lựa chọn. Vợ chồng chị Yelitza Esteva, một nhà tạo mẫu tóc đến từ Venezuela, cũng đều mất việc nên phải đi ship hàng cho cửa hàng tạp hóa Instacart ở Mianma mỗi ngày 12 tiếng. Họ kiếm được trung bình 150 USD/ngày. Ngoài tiền thuê nhà, ăn uống và các loại hóa đơn, họ còn phải dành dụm tiền gửi về lo cho cuộc sống 7 thành viên gia đình ở Venezuela. Mỗi lần chạm vào cửa vào siêu thị, nhà hàng hoặc nhà có người ốm bên trong, những người như chị Yelitza lại đang đánh cược với chính sức khỏe mình. Chị Yelitza vừa thoa kem chống vi khuẩn vừa chia sẻ: "Tôi rất sợ khi phải làm việc trong môi trường dễ nhiễm bệnh. Tuy nhiên, vì sinh nhai mà cả hai vợ chồng tôi đều cố gắng!".

Còn bà Maribel Torres bị mất việc làm ngay khi dịch xảy ra. Trước đây, bà làm nghề dọn dẹp nhà cửa cho các hộ giàu nhưng giờ khó khăn ập đến với gia đình khi bà không có thu nhập. Với sự hỗ trợ từ tổ chức phi lợi nhuận La Colmena, bà nhận việc may khẩu trang thuê để có tiền trang trải cuộc sống đang vô cùng khó khăn của mình.

Theo một nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Pew, 49% người gốc Tây Ban Nha được khảo sát nói rằng bản thân họ hoặc cả hai vợ chồng họ mất việc vì sự bùng phát Covid-19 so với 29% người da trắng và 36% người da đen. Hiện có 8 triệu người gốc Tây Ban Nha trong tình trạng thất nghiệp.

Trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ chỉ là 3,6%. Các chuyên gia cảnh báo rằng tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ trong tháng 4 có thể lên tới 20%. Việc cắt giảm việc làm đã khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái (1929-1933). Một số nhà kinh tế ước tính tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ trong năm nay sẽ giảm gấp đôi so với cuộc khủng hoảng năm 2008. 26,4 triệu người đã nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp trong vòng 5 tuần qua ở Mỹ. Cứ 6 lao động Mỹ thì có 1 người mất việc - con số kỷ lục trong lịch sử.

Chạy ăn từng bữa

Tại Mỹ, dịch Covid-19 tràn đến như những cơn sóng thần. Tính đến nay, đã có hơn 52 nghìn người chết và hơn 925.000 ca nhiễm bệnh. Đại dịch khiến hàng triệu người Mỹ rơi vào cảnh nghèo đói.

6 người con của cô Summer Mossbarger cầu nguyện trước bữa ăn trưa xin được

 

Với 6 đứa trẻ trên xe, cô Summer Mossbarger là một trong những người đầu tiên xếp hàng lấy bữa trưa miễn phí bên ngoài trường tiểu học Alton ở Texas. Trên đường về, trong lúc 6 đứa trẻ đang ngấu nghiến bữa trưa một cách ngon lành, Mossbarger không ăn gì. Cô bỏ bữa sáng và bữa trưa, chỉ ăn miếng đầu tiên trong ngày vào 17h30. Tất cả những gì cô nạp vào cơ thể từ sáng tới tối chỉ là vài quả cherry. Tình hình tài chính nhà Mossbarger rất khó khăn. Cô là một cựu binh khuyết tật và không có việc làm. Chồng Mossbarger làm thợ mộc nhưng công việc gần đây vô cùng ế ẩm bởi nhiều khách hàng đã hủy đơn và các công trường xây dựng cũng ngừng làm việc. Hàng tháng, Mossbarger phải trả 1.000 USD tiền thuê nhà. Với tình hình hiện nay, đó là cả một gánh nặng. Covid-19 đã làm đảo lộn cuộc sống của những người nghèo ở Mỹ phải chạy ăn từng bữa như gia đình Mossbarger.

Cùng hoàn cảnh như cô Mossbarger, hàng trăm người xếp hàng cuối tuần để nhận lấy thực phẩm miễn phí tại một trong nhưng trung tâm phân phối ở City Harvest - một tổ chức từ thiện lớn có trụ sở tại New York. Trong số những người tới lấy thực phẩm phát miễn phí có cô Lina Alba (40 tuổi), mẹ đơn thân của 5 đứa con. Cách đây 2 tuần, cô Lina vẫn còn là nhân viên phục vụ tại 1 khách sạn ở Mahattan. Hai đứa con lớn của cô cũng đã bị mất việc làm. Phải mất 1 tuần, bà mẹ đơn thân mới hoàn thành việc đăng ký trợ cấp thất nghiệp vì dịch vụ công này đang trong tình trạng quá tải.

Cô Jhordana Ramirez (39 tuổi) cũng xếp hàng xin thực phẩm cho gia đình. Dẫu kiếm không được nhiều và đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh cao, cô vẫn đi chăm sóc người già, những người hoàn toàn không thể tự lo cho bản thân. Dịch Covid-19 đã gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng tới gia đình cô: Chồng cô và con gái lớn nhất rơi vào cảnh thất nghiệp. "Tôi cố gắng tiết kiệm càng nhiều càng tốt, đặc biệt là tiền thuê nhà, tiền điện, thực phẩm và các thứ khác", cô Ramirez chia sẻ.

Theo ông Eric Ripert, Phó chủ tịch tổ chức City Harvest, trước đây có khoảng 1,2 triệu người người nghèo tại New York cần trợ cấp thực phẩm. Bây giờ con số này tăng lên gấp 3 lần, khoảng 3 triệu người. Ngoài phân phối thực phẩm ở chợ, tổ chức này còn phát thực phẩm cho 400 nhà tạm trú của người vô gia cư. Thật sự tồi tệ khi có quá nhiều người đang ở trong hoàn cảnh khó khăn. Người nghèo càng nghèo hơn. Những người có công việc thu nhập thấp bây giờ cũng trở thành người nghèo. "Chúng tôi đã trải qua vụ khủng bố 11/9, cuộc đại suy thoái 2008-2009 và nhiều thứ khác nhưng chưa có khi nào cả nước chịu ảnh hưởng lớn như dịch bệnh Covid-19", ông Ripert nói.

Nhu Thụy (Theo AP, ABC News)