Trong cuộc phỏng vấn ngày 28/4, khi được hỏi về việc Brazil vượt qua mốc 5.000 ca tử vong, Tổng thống Brazil đáp: "Thì sao nào? Tôi xin lỗi. Bạn muốn tôi làm gì nào?". Ông còn đùa rằng dù tên đệm của mình là Messias hay Messiah (Chúa Jesus) thì ông cũng "chẳng tạo ra phép màu".
Câu trả lời của Tổng thống Jair Bolsonaro làm rộ lên sự tức giận. Nhiều thống đốc, nhà chính trị, chuyên gia y tế và các nhân vật nổi tiếng đều bày tỏ sự bực bội với sự thiếu cảm thông của người đứng đầu đất nước, thậm chí chỉ trích ông... vô cảm.
|
Tổng thống Brazil, Jair Bolsonaro, tại Cung điện Planalto ở Brasípa vào ngày 29/4. Ảnh:AFP. |
Wilson Witzel - Thống đốc bang Rio de Janeiro - gọi câu trả lời của Tổng thống Jair Bolsonaro là "không thể chấp nhận được". Khi bang của mình đang trên bờ vực khủng hoảng y tế, Witzel chỉ trích ông Bolsonara vì "mỉa mai về số người chết" thay vì "trở thành người lãnh đạo trong những khoảnh khắc như vậy". Ông viết trên Twitter ngày 29/4: "Làm việc của mình đi". Cùng ngày, Tổng thống đi huấn luyện tại một trường bắn.
Thống đốc Sao Paolo, Joao Doria, cũng ở tuyến đầu của cuộc chiến chống đại dịch khi có tới 2.500 người chết tại bang này, đã phản ứng gay gắt với phát ngôn của Jair Bolsonaro. "Ra khỏi vùng an toàn ở Brasilia đi", ông thúc giục Bolsonaro tới thăm các bệnh viện đang phải kêu gào vì số người chết và nhiễm bệnh.
Bolsonaro không lạ lùng gì với lùm xùm. Nhưng câu nói của ông khiến người dân tức giận vì Brazil đang phải đối mặt với một đợt dịch không kiểm soát được và còn cách đỉnh dịch vài tuần nữa. Cho đến nay, Brazil ghi nhận hơn 91.000 ca nhiễm nhưng các nhà khoa học cảnh báo con số thật sự có thể cao hơn 15 đến 20 lần. Số ca tử vong lên tới 6.300 - báo hiệu một kịch bản nghiệt ngã không khác Italy hay Mỹ.
Không giống nhiều nhà lãnh đạo khác, Tổng thống Brazil chưa từng tới một bệnh viện nào hay bày tỏ sự đồng cảm với các nạn nhân của đại dịch, các gia đình có người tử vong hay các nhân viên y tế đang chỉ trích vì thiếu máy thở hay giường bệnh.
Bolsonaro "bày tỏ rất ít sự nhạy cảm tới thảm kịch đang xảy ra với các gia đình bị ảnh hưởng bởi đại dịch", Lucio Renno - Giám đốc Viện Khoa học chính trị ở Đại học Brasilia - chia sẻ. Ông nói: "Phong cách của ông ta là cứng rắn, thay vì bày tỏ sự đoàn kết hay đồng cảm".
"Cách phản ứng đó gây sốc cho phần lớn người dân và củng cố ý nghĩ của phần lớn người giàu và người dân Brazil rằng ông ta không phù hợp để lãnh đạo", Renno cho biết.
Miriam Leitao, một cây viết mục Góc nhìn của tờ O Globo, viết vào ngày 30/4 rằng, với câu nói "Thì sao nào?" Bolsonaro đã "từ bỏ chức tổng thống". "Bất kỳ ai bày tỏ sự khinh thường như vậy đối với người dân của mình không thể làm tổng thống nữa", cô viết.
Bolsonaro từng đáp trả chỉ trích từ các thống đốc hay thị trưởng, những người được Tòa án tối cao ban cho quyền quyết định trong cuộc chiến chống đại dịch. Tổng thống nói: "Hỏi Joao Doria hay Bruno Covas (Thị trưởng thành phố Sao Paolo) lý do tại sao nhiều người vẫn tiếp tục tử vong ngay cả khi họ đã thực hiện nhiều biện pháp hạn chế như vậy? Họ là những người phải trả lời, mọi người không thể đổ lỗi cho tôi được".
Mặc dù vậy, buổi họp báo vào 1/5 đã đổ lỗi cho sự tăng vọt các ca nhiễm và tử vong lên đầu Bolsonaro khi trước đó ông này khuyến khích người dân ra đường đi làm trở lại để tránh sự sụp đổ kinh tế. Những người ủng hộ ông tràn ra đường để phản đối lệnh phong tỏa, thậm chí Bolsonaro cũng hòa vào đám người này.
Câu nói "Thì sao nào?" của Bolsonaro đã "nhấn mạnh rằng ông ít quan trọng thế nào trong tình hình hiện tại", theo nhà phân tích chính trị Andre Pereira Cesar. "Nếu tổng thống không áp dụng thiết quân luật chống lại virus, ông ta sẽ bị đánh giá nghiêm khắc - bởi lịch sử và người dân", nhà phân tích viết.
Theo Ione