Sáng 23/9, Su Min (56 tuổi) lái ôtô ra khỏi garage dưới hầm và nhìn bóng con gái khuất dần trong gương chiếu hậu. Chiếc xe chạy qua cổng, hòa với dòng xe cộ trên đường phố rồi đi vào cao tốc. Su lái xe ngày càng nhanh cho đến khi rời thành phố Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc).

Khoảnh khắc đó, Su không còn là một người mẹ, người vợ hay người bà nữa mà trở thành kẻ du hành.

Su Min chưa bao giờ nghĩ đời mình sẽ có lúc được tự do như thế này. Cuối cùng, người phụ nữ 56 tuổi đã đòi lại được chiếc xe Volkswagen Polo màu trắng mà bà mua bằng số tiền kiếm được khi làm việc tại siêu thị suốt 2 năm.

Su không còn sợ bị chồng giật chìa khóa hay ngồi càm ràm bên ghế phụ mỗi khi bà lái xe. Giờ đây, bà được tự do ăn món mình thích, không như cảnh ngày trước luôn phải phục vụ theo khẩu vị nhạt nhẽo của chồng. Bà khoan khoái cho thêm ớt vào nồi cho đến khi cay xè mũi.


                                                                             Su Min (56 tuổi) một mình đi du lịch khắp đất nước, trốn khỏi người chồng bạo lực cùng áp lực cuộc sống gia đình nặng nề.


Quay video ghi lại chuyến hành trình của mình và đăng lên các nền tảng video ngắn, Su nhanh chóng nhận được sự chú lớn trên mạng xã hội.

Nhiều phụ nữ đang bế tắc trong hôn nhân được truyền động lực từ sự dũng cảm của Su. Họ nhận ra hoàn cảnh của mình, khi phải lặng lẽ gánh vác trách nhiệm mà gia đình và xã hội đặt lên vai.

Kế hoạch "đào tẩu"


Trong phần lớn thời gian của cuộc hôn nhân của mình, Su luôn nhận nhịn. Khi còn là một thiếu nữ, bà âm thầm chịu đựng sự thờ ơ và bạo hành của chồng, để con gái được lớn lên trong một mái ấm không chia cắt.

Sau khi con gái tốt nghiệp đại học và tìm kiếm một người bạn đời, Su tiếp tục chôn chân trong cuộc hôn nhân bế tắc để con gái không thấy xấu hổ. Hai cháu ngoại ra đời, bà lại chịu trách nhiệm chăm sóc những đứa trẻ.

Một chiều thu năm ngoái, Su đã được truyền cảm hứng khi vô tình nhìn thấy bài đăng từ blog trên mạng, chia sẻ kinh nghiệm từ chuyến đi của người đó. Su nhìn thấy tia sáng hy vọng.

"Tôi cũng có thể làm thế", Su nghĩ. Bà lập tức kể với con gái mình nhưng cô chỉ nghĩ mẹ đang nói đùa. Cô con gái có 2 cậu con trai sinh đôi và cần bà giúp đỡ để chăm nom chúng. Nhưng lần này, Su dứt khoát: "Mẹ sẽ đi vào năm sau khi mấy đứa trẻ vào mẫu giáo".


                                                                                                                  Su âm thầm lên kế hoạch, mua sắm thiết bị cần thiết cho chuyến đi của mình.


Su đã âm thầm chuẩn bị cho chuyến đi của mình trong cả năm trời. Bề ngoài, bà vẫn thể hiện là người đảm đang, quán xuyến gia đình, nhưng thực ra đang bận rộn lên kế hoạch.

Lúc ở nhà chăm sóc các cháu, bà mày mò tìm hiểu trên mạng các hướng dẫn du lịch một mình. Và mỗi khi thấy thiết bị hữu ích, Su thêm vào giỏ hàng của mình. Bà chưa bao giờ mong ngóng mùa xuân đến như vậy.

Nhưng đầu năm nay, đại dịch Covid-19 xảy đến khiến mọi người đều bất ngờ. Các cháu không thể đến trường mẫu giáo và bà lại mắc kẹt ở nhà.

Tháng 9 năm nay, khi trường học mở cửa trở lại, Su vui mừng khi cuối cùng trách nhiệm của mình cũng kết thúc. Bà nhấp vào nút thanh toán và trả tiền cho tất cả món hàng trong giỏ cùng một lúc.

Khi các shipper liên tục giao hàng đến nhà, chồng Su bắt đầu bối rối. Nếu không có vợ bên cạnh, ông sợ không có ai chăm sóc cho mình, bởi con gái ông cũng bận chăm sóc cho các cháu.

"Chồng tôi biết nếu tôi đi, ông cũng sẽ phải dọn khỏi nhà con gái và chẳng có ai nấu cho ông ấy ăn cả", Su nói. Chồng bà đã cố gắng tìm cách để ngăn chặn bà lên đường, chủ yếu bằng lời nói để khiến bà nhụt chí.

"Thật đúng là lãng phí tiền bạc khi làm như thế này. Bà sẽ phát chán nhanh thôi", người chồng liên tục nói với Su. Ông thậm chí còn lén lấy chiếc thẻ cho phép thanh toán phí đường cao tốc ra khỏi xe.

Chiếc xe có đủ mọi thứ cần thiết cho chuyến đi. Trong thùng xe có thức ăn, bình gas di động, nước, nồi để nấu nướng. Ghế sau chất đầy những chiếc vali, trong đó đóng gói cả áo khoác len và quần dài vì bà quyết định sẽ không quay về nhà trước khi mùa đông kết thúc.

Bà mang theo cả tủ lạnh nhỏ, pin năng lượng mặt trời và bộ kết nối mạng Internet đã được trả trước phí 6 tháng.

Từ Trịnh Châu, bà lái xe về phía tây, trước tiên đến Tam Môn Hiệp, ##một thành phố dọc theo sông Hoàng Hà, rồi đến Tây An và ở lại đó một tuần.

Trên đường đi, bà có nhiều đêm ở các bãi đậu xe trống, các khu cắm trại tại nhà có động cơ miễn phí, hay những trạm dịch vụ dọc đường cao tốc. Lúc đầu, Su ngại ngần trước ánh mắt của người khác nên thường né tránh. Nhưng sau một thời gian, bà không còn cảm giác đó.

Trên đường từ Tây An đến Thành Đô, bà phải vượt qua dãy núi Tần. Con đường quanh co ở đỉnh núi cheo leo này khiến ngay cả những tay lái kinh nghiệm nhất cũng phải khiếp sợ. Bà phải đi liên tục 8-9 tiếng. Song khi đi trên cung đường hiểm trở, Su không sợ hãi hay cô đơn mà chỉ cảm thấy tự do.

Trong một tháng rời nhà, Su đã lái xe hơn 1.000 km, đổ xăng 5 lần và bị trừ 9 điểm trên bằng lái vì nhiều lỗi vi phạm không mong muốn, nhưng bà được cười nhiều hơn kể từ khi kết hôn.

Su tiết kiệm mọi chi phí có thể. Bà đổ đầy nước uống miễn phí tại các khu dịch vụ và tự nấu ăn. Tại một khu danh lam thắng cảnh, Su phát hiện một món quà lưu niệm mà bà khá thích nhưng cuối cùng đành đặt nó xuống.

Bà thậm chí tắm rửa theo cách rẻ nhất có thể: tìm kiếm các ưu đãi cho nhà tắm trên Dianping, một ứng dụng giống như Yelp, cho phép tắm với giá hơn 10 nhân dân tệ (1,5 USD).


                                                                                                                 Su Min nổi tiếng khi chia sẻ câu chuyện và hành trình của mình lên mạng xã hội.


Vợ chồng trong hai thế giới song song


Ởnhà, Su thường không nói ra suy nghĩ của mình, bởi vì niềm vui lớn nhất của chồng là bà nhận lỗi với mọi người về bất cứ điều gì, kể cả trong cách bà chăm sóc các cháu.

Bà học cách phán đoán từ những thay đổi trong biểu cảm của chồng. Trước khi mất bình tĩnh, ông mở mắt trừng trừng. Đôi mắt từng khiến trái tim Su rung động khi còn hẹn hò giờ lại khiến bà sợ hãi.

“Tôi sợ rằng ông ấy sẽ tấn công và đánh tôi”, Su nói. Khi chồng bà tức giận, ông đập vỡ đồ đạc và đánh người. Nhiều lần, ông ấy đã giơ nắm đấm và đánh vợ.

Để tránh bị đánh, Su học cách nói càng ít càng tốt khi có mặt chồng. “Sống với ông ấy rất căng thẳng và áp lực,” bà nói.

Su kể sau hơn 30 năm chung sống, bà biết chồng không ăn cay, mê câu cá và cũng thích ăn cá hơn. Bà biết rằng khi xem tivi, ông sẽ luôn chuyển qua lại giữa kênh thể thao và tin tức. Bà biết bệnh tim và huyết áp cao của chồng, biết cả việc ông đã giành được bao nhiêu danh hiệu khi chơi bóng bàn. Nhưng bà không bao giờ biết bên trong ông thực sự cảm thấy thế nào.

Hầu hết thời gian, vợ chồng bà dường như sống trong hai thế giới song song.

Trong những chuyến đi mua sắm lúc con gái còn nhỏ, bà nắm tay con và đi phía trước, trong khi chồng nán bước sau lưng họ. Khi con gái đến trường nội trú ở năm thứ 3 trung học, họ bắt đầu ngủ trong những phòng riêng biệt. Khi nghe chồng đóng cửa trên đường đi ra ngoài, bà biết cuối cùng cũng có quyền sử dụng ghế sofa và xem các chương trình mình yêu thích.

Sau đó, sau khi con gái lấy chồng và sinh con, hai người một lần nữa phải ở chung phòng. Không chần chừ, vợ chồng Su mua một chiếc giường tầng. Bà ngủ tầng trên, chồng ngủ dưới. Đêm, họ đeo tai nghe vào và chơi trên điện thoại di động riêng. Thậm chí có lúc Su còn muốn mua một tấm vách ngăn nhưng đành từ bỏ ý định này chỉ vì lo con rể thấy lạ.


Nhiều lúc, bà tự hỏi liệu có phải nguyên nhân mối quan hệ của họ trở nên chua chát như vậy là bởi bà chỉ sinh con gái. Những mẫu thuẫn của cả hai ngày càng gia tăng.

Năm 2019, Su được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm. Khi tình trạng tồi tệ nhất, bà thường xuyên khóc ở nhà và bắt đầu phải dùng thuốc.

Su nhận ra rằng sẽ không bao giờ nhận được câu trả lời cho những câu hỏi của mình. Bà đã từ bỏ việc tìm kiếm lý do và không còn ảo tưởng về chồng mình nữa.

Theo Zing