Người tị nạn Ukraine cần thêm sự hỗ trợ từ quốc tế
Cập nhật lúc 18:25, Thứ hai, 14/03/2022 (GMT+7)
Các nước láng giềng của Ukraine cho biết số lượng người tị nạn từ quốc gia này có giảm nhẹ hôm 12/3. Dù vậy, chính phủ các nước và tình nguyện viên tại nhiều nơi vẫn đang chật vật lo cho khoảng 2,6 triệu người, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em đã chạy khỏi Ukraine trong vòng hơn hai tuần qua.
|
|
Một người mẹ Ukraine bồng con gái trong chỗ ở tạm thời dành cho người tị nạn ở Rzeszow, Ba Lan - Ảnh: REUTERS |
Làn sóng tị nạn lớn nhất thế kỷ
Tại nhà ga phía đông của thủ đô Warsaw (Ba Lan), nhiều người tị nạn Ukraine đang nghỉ ngơi sau một chặng đường dài. Một số người tranh thủ thời gian chờ tàu để nhận bữa ăn nóng ấm từ những tình nguyện viên mặc áo màu vàng. Những người khác nhận thẻ SIM miễn phí và thực hiện các cuộc gọi cho người thân còn ở quê nhà. Một số khác xếp thành từng nhóm nhỏ bao quanh bởi túi xách và vali tranh thủ nghỉ ngơi. Một góc phòng chờ của nhà ga được trang bị chăn và chiếu, gần đó, một màn hình ti vi lớn chiếu phim hoạt hình bằng tiếng Ukraine cho hàng chục trẻ em. Nhà ga được tận dụng làm điểm dừng chân tạm thời, nhưng ngày càng có nhiều lo ngại về việc nhiều người Ukraine tị nạn sẽ phải ở lại Warsaw vì họ không có nơi nào khác để đi. Rafal Trzaskowski - Thị trưởng Warsaw - cho biết khả năng tiếp nhận người tị nạn của thành phố đã “đạt giới hạn”, rất cần một hệ thống tái định cư quốc tế hỗ trợ.
Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho biết, khoảng 2,6 triệu người đã rời khỏi Ukraine trong vòng hai tuần qua và đó là cuộc di cư lớn nhất của người tị nạn ở châu Âu kể từ Thế chiến II. Một số người tị nạn chạy sang Slovakia, Hungary, Romania và Moldova, hơn một nửa trong số họ đã đến Ba Lan.
Wojciech Bakun - Thị trưởng Przemysl, thành phố 60.000 người của Ba Lan gần cửa khẩu Medyka - cho biết số lượng người tị nạn đến đây vào lúc đỉnh điểm là hơn 50.000 người. Ông cho biết thành phố cần sự hỗ trợ từ chính phủ và các mạnh thường quân để chuẩn bị chỗ ở cho 2.000-3.000 người ở Przemysl.
“Chúng tôi có các tòa nhà để làm nơi trú ẩn nhưng người tị nạn cũng cần công việc. Kế hoạch giúp họ ổn định cuộc sống đòi hỏi từ 2,3-4,5 triệu USD, vượt qua khả năng ngân sách thành phố. Do đó, tôi mong đợi sự giúp đỡ từ Liên minh châu Âu hoặc từ chính phủ”, ông Wojciech Bakun nói. Hôm 12/3, quốc hội Ba Lan đã thông qua đạo luật hợp pháp hóa việc lưu trú của người tị nạn tại đất nước này trong 18 tháng, cấp cho họ quyền tiếp cận thị trường lao động và các phúc lợi xã hội, cung cấp hỗ trợ tài chính cho cả người tị nạn và các gia đình tiếp nhận người tị nạn. Tuy nhiên, cần hơn cả đạo luật này là một hệ thống hỗ trợ chính thức để giúp di chuyển một số người tị nạn đến các quốc gia khác ở châu Âu.
Nhiều quốc gia rộng cửa chào đón
Một gia đình từ Kyiv gồm Veronika Zhushman (32 tuổi), con gái sáu tuổi, mẹ và em gái cô đã ngủ lại qua đêm trong phòng tập thể dục tại một trường trung học trong thành phố Warsaw. Veronika kể: “Tôi đã không ngủ ngon kể từ khi xung đột bắt đầu... Mỗi khi nghe tiếng chuông báo thức, tôi lại cảm thấy lo lắng”. Những người tị nạn thường nhắm đến các thành phố có cộng đồng người Ukraine lâu đời và có cơ hội tìm việc làm tốt hơn. Tại Warsaw - thành phố 1,8 triệu dân - người tị nạn hiện đã chiếm hơn 10% dân số. Trong khi ở thành phố Olsztyn - miền bắc Ba Lan, phía nam vùng Kaliningrad của Nga - một cư dân tại đây là Bozena Szymanowska cho biết những người tị nạn Ukraine không dám ở lại. Bozena giải thích: “Không ai muốn đến Olsztyn vì họ sợ ở gần biên giới Nga”.
Tại Cộng hòa Séc - quốc gia không giáp biên giới trực tiếp với Ukraine - ước tính cũng đang có khoảng 200.000 người tị nạn, nhiều người chọn thủ đô Praha làm điểm đến. Khi Praha không còn đủ chỗ ở, Chính phủ Séc đã kêu gọi công dân đón người tị nạn vào nhà riêng của mình và sẽ được chính phủ hỗ trợ tài chính.
Ở Đức, dòng người tị nạn tập trung tại thủ đô Berlin, cách biên giới Ba Lan khoảng một giờ đồng hồ và là điểm đến chính của các chuyến tàu và xe buýt từ Ba Lan. Đang có hơn 10.000 người từ Ukraine đến đây mỗi ngày và nhà chức trách đã cố gắng chuyển những người mới đến tới các địa phương khác.
Xa hơn bên kia đại dương, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris cam kết sẽ tiếp nhận nhiều người tị nạn Ukraine hơn. Theo dữ liệu của cơ quan quản lý di cư Mỹ, từ tháng 10/2021 đến tháng 1/2022, hơn 1.000 người Ukraine đã xin tị nạn ở các khu vực dọc theo biên giới phía nam. Trước đây, Mỹ đã tiếp nhận hàng ngàn người tị nạn Ukraine, nhưng không thể biết sẽ còn bao nhiều người sẽ tiếp tục tìm đến Mỹ do hậu quả của cuộc xung đột hiện tại.
Theo phunuonline