Tokyo đang trong tình trạng khẩn cấp suốt hơn một tuần qua. Nhưng qua cửa sổ của một nhà hàng nhỏ ở Roppongi, khu phố đêm nổi tiếng ở trung tâm Tokyo, tôi có thể thấy nhiều người nhấp môi những cốc bia khổng lồ, trò chuyện trong khoảng cách dưới mức quy định về cách biệt cộng đồng. Một vài vị khách khác chờ đợi, khẩu trang kéo xuống dưới cằm, trong khi các đầu bếp phục vụ bánh viên bạch tuộc.
Nhưng không ai phá vỡ bất kỳ luật lệ nào, ngay cả khi tình trạng khẩn cấp cho phép các thống đốc có quyền yêu cầu người dân ở nhà và cửa hàng phải đóng cửa. Thống đốc Tokyo yêu cầu mọi người không đi ra ngoài buổi tối, nhưng các nhà hàng và quán bar vẫn có thể hoạt động đến 20h.
Tokyo là nơi người dân tuân thủ nghiêm luật lệ. Họ đợi đèn xanh rồi mới băng qua đường. Ở các ga tàu điện ngầm, họ đi thành một hàng lên thang máy. Đời sống về đêm ở Nhật ồn ào và tràn ngập rượu phục vụ những người muốn tìm kiếm một lối thoát sau những ngày làm việc theo văn hóa công sở cứng nhắc. Ngay cả khi có sự đe dọa của virus chết người, mọi người vẫn không thể từ bỏ các chốn ăn chơi này một cách dễ dàng.
"Social distancing" cũng có mặt trong văn hóa từ trước. Người Nhật cúi đầu thay vì bắt tay và việc ôm nhau rất hiếm. Trong khi phương Tây bận tranh luận liệu khẩu trang có cần thiết không, tại Nhật điều này là hiển nhiên trước giờ. Trước khi xuất hiện nCoV, đặc biệt trong đợt cúm mùa đông, những con tàu của Tokyo chật kín những khuôn mặt được khẩu trang che chắn. Điều đó một phần giải thích tại sao thành phố này được nhiều người nghĩ đến như một phép màu, rằng mọi người ở đây miễn dịch trong khi nhiều nơi khác trên thế giới thì không.
Ngay cả thành viên nội các cũng bỏ qua điều được yêu cầu. Quan chức này bị khai trừ khỏi Đảng sau khi thừa nhận đến thăm một quán bar người lớn ở khu phố đèn đỏ Kabukicho tại Tokyo sau khi tình trạng khẩn cấp được ban bố. Một số quan điểm đã ăn sâu vào văn hóa công sở ở đây - nơi các nhân viên sợ rằng họ sẽ bị cho là lười biếng nếu không có mặt tại cơ quan.
Vào hôm 17/4, ngày đầu tiên tình trạng khẩn cấp trên cả nước có hiệu lực, một dòng người có mặt tại một ga tàu điện ngầm rồi đi bộ đến các tòa nhà văn phòng. Vào giờ nghỉ trưa một ngày trước đó, các nhân viên văn phòng xếp hàng để mua bữa trưa ở một xe đồ ăn, tranh thủ trò chuyện khi tự thêm gia vị cho món ăn của mình.
Tokyo có thể bị chủ quan trong những tuần Nhật Bản kiểm soát được Covid-19, rằng tránh được lệnh phong tỏa mà không tàn phá nền kinh tế. Mặc dù trường học bị đóng cửa và nhiều sự kiện lớn bị hủy kể từ đầu tháng 3, cuộc sống ở thành phố này vẫn tiếp tục như bình thường đến đầu tháng 4. Sức ép người dân ở thành phố này bắt đầu giảm kể từ khi Tokyo tuyên bố tình trạng khẩn cấp, nhưng các nút giao cho người đi bộ vẫn đông nghịt và những đoàn tàu chật kín người trong giờ cao điểm. "Đỡ đông hơn" có lẽ là một cụm từ khá chính xác để miêu tả về Tokyo lúc này.
Hồi cuối tháng trước, gia đình tôi đi ăn tối tại một nhà hàng đông khách ở khu vực ven sông. Rồi tự hỏi liệu chúng tôi có quá liều lĩnh hay không?
Trong một buổi họp báo cuối tháng 3 để tuyên bố việc lùi Olympic mùa hè, một quyết định được đưa ra sau khi có rất nhiều sự can thiệp của quốc tế - các phóng viên chen chúc nhau trong một căn phòng không có thông khí. Sau khi tôi đăng bức hình này lên mạng xã hội, bạn bè hỏi liệu tôi có an toàn không. Gia đình chúng tôi cùng văn phòng của New York Times ở Tokyo sẽ tự thực hiện cách ly. Gia đình chúng tôi sẽ không tụ tập với người khác, và các nhân viên của tòa soạn lập tức làm việc tại nhà.
2 tuần sau, Thủ tướng Abe tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào ngày 7/4.
Kể từ đó, mọi người có vẻ tuân thủ lệnh ở nhà nghiêm túc hơn. Số người đi tàu điện ngầm hàng ngày ở Tokyo giảm khoảng 60% so với năm trước. Ít người đi bộ trên vỉa hè hơn. Một quán karaoke nổi tiếng bị đóng cửa. Ở một quán bar ở Roppongi treo tấm biển bên ngoài có nội dung cửa hàng chỉ nhận mua mang về và khuyên mọi người "hãy ở nhà".
Dù vậy, số lượng xét nghiệm ở Nhật thấp hơn các quốc gia khác rất nhiều. Nhật Bản ghi nhận 10.361 ca nhiễm và 161 trường hợp tử vong tính tới ngày 18/4. Một số bệnh viện ở Tokyo cảnh báo rằng hệ thống y tế của họ bên bờ vực sụp đổ khi không thể đối phó được với tình trạng quá tải các bệnh nhân.
Khi Tokyo đang cố "trở mình", có cảm giác người dân đang cố gắng tạo ra ngoại lệ với rất ít cơ hội. Chính phủ cho biết người dân nên giảm tiếp xúc con người xuống 80% để giảm các con số ca nhiễm hay tử vong. Mặc dù vậy vẫn có quá nhiều người cố chen chân vào 20% còn lại.
Tại nhà, chúng tôi liên tục nghe thấy tiếng loa phát các thông điệp như: "Hãy hạn chế ra ngoài". "Chúng tôi được dặn như vậy. Tôi tự hỏi liệu có ai nghe không", ký giả Motoko Rich viết.