Đầu tháng 3/2020, triển lãm ôtô quy mô hàng đầu thế giới tại Geneva bị hủy bỏ. Sau đó, khi Covid-19 lan rộng toàn cầu, hàng loạt triển lãm khác tại Detroit, Los Angeles, New York, Paris và São Paulo cũng không được tổ chức.

Vì vậy, sau thời gian dài tạm lắng, triển lãm ôtô lớn đầu tiên kể từ khi đại dịch xuất hiện đã khai mạc cuối tuần trước tại Bắc Kinh, tạo cơ hội cho các nhà sản xuất giới thiệu những mẫu xe mới và những ý tưởng lớn cho tương lai.

Dưới ánh đèn rực rỡ, các CEO và những người yêu thích xe hơi đã được chiêm ngưỡng những sản phẩm mới từ cả phương Tây (như Ford hay Volkswagen) lẫn các đối thủ Trung Quốc. Những chiếc SUV, sedan và các loại ôtô khác đang nhắm đến người tiêu dùng Trung Quốc, những người đã vượt qua Covid-19 và đang khao khát chi tiêu.

                     Khách hàng xem xe tại triển lãm ô tô Bắc Kinh hôm 25/9. Ảnh: AP

Các nhà sản xuất ôtô đang săn đuổi những người như Ben Cao. Cao - một nhà tư vấn 33 tuổi ở Thượng Hải và vợ đã mua một chiếc sedan Porsche Panamera màu xanh đậm vào tháng 5 để thay chiếc Range Rover Sport. Sau đó, anh mua thêm chiếc Porsche Cayenne màu xám nhạt vào tháng 7 để thay cho chiếc Audi TT Roadster. Khi các rạp chiếu phim mở cửa trở lại vào mùa hè, gia đình Cao cũng đi xem các bộ phim nổi tiếng như "Tenet" và "Eight Hundred".

Vài hôm trước, khi đi mua nhẫn mới cho vợ tại cửa hàng trang sức cao cấp, Cao nhận ra nhiều người cũng có nhu cầu tương tự. "Một vài mẫu trang sức cực kỳ đắt tiền đã hết hàng", anh nói.

Trung Quốc đã tăng trưởng âm trong quý I/2020. Đây là quý đầu tiên suy giảm trong kỷ nguyên hiện đại. Nhưng sau đó, nước này đã tăng trưởng trở lại. Các nhà máy lại cung cấp hàng hóa cho thế giới. Chính phủ mạnh tay cho vay các dự án hạ tầng lớn. GDP quý III của Trung Quốc được kỳ vọng tăng tốc, dù phần còn lại của thế giới vẫn ì ạch.

Sự phục hồi trong chi tiêu bắt đầu từ những người giàu có và lan dần sang các gia đình trung lưu. Dù vậy, nhiều người lao động thu nhập thấp vẫn đang gặp khó khăn. Doanh số bán lẻ tháng trước tăng 0,5% so với cùng kỳ 2019, mức tăng đầu tiên trong năm nay. Xibei, một chuỗi nhà hàng tầm trung trên toàn quốc hầu như không có khách hồi đầu năm, thì nay ghi nhận doanh thu từ ngày 18 đến 24/9 tăng 4,5% so với cùng giai đoạn đó năm ngoái.

Người giàu Trung Quốc đã sẵn sàng mua sắm. Các nhà hàng, khách sạn và sân bay đông đúc trở lại. Các khách sạn ở Bắc Kinh đã tăng gần gấp đôi giá phòng so với đợt giảm giá hồi đại dịch mà vẫn kín chỗ. Và dù các chuyến bay quốc tế vẫn bị đình chỉ, các sân bay lớn ở Quảng Châu và Trùng Khánh đã có lượng khách nội địa gần bằng năm ngoái.

Hoạt động chi tiêu của những khách hàng như anh Cao đã nâng cao doanh số cho các nhà sản xuất ôtô hạng sang như Porsche. Hãng thậm chí còn đưa những chiếc Porsche Taycan điện từ Đức để bán. "Cuộc sống vẫn tiếp diễn mà không có bất kỳ tác động lớn nào từ đại dịch", William Li - nhà sáng lập kiêm CEO hãng xe điện NIO (Trung Quốc) bình luận.

Nghi vấn về khi nào tầng lớp trung lưu chi tiêu lại cũng đã được giải đáp. Hồi tháng 4, khi doanh số bán xe cỡ lớn và xe sang phục hồi nhanh chóng, doanh số bán xe nhỏ vẫn yếu trong suốt mùa xuân và mùa hè dù các hãng giảm giá mạnh.

Tuy nhiên, giờ đây, doanh số phân khúc này đã gần như bắt kịp tốc độ của năm ngoái. Hồi đầu năm, lo ngại về việc lây nhiễm virus trên các phương tiện giao thông công cộng đã kéo doanh số xe hơi lên. Nhưng ngay cả những tuần gần đây, khi tâm lý e sợ giảm dần, doanh số vẫn tăng mạnh. "Các mẫu xe rẻ hơn cũng đang phục hồi", Yale Zhang, CEO Automotive Foresight, một công ty tư vấn ở Thượng Hải, cho biết.

Edward Cai, một nhà tư vấn 26 tuổi ở Bắc Kinh, từng chi tiêu rất ít hồi đầu năm. Nhưng giờ, anh lại đang đi xem phim. Cách đây một tháng, anh thậm chí còn đi du lịch đến cực nam Trung Quốc. "Phần lớn chi tiêu của tôi đã bị giữ lại trong thời gian đại dịch", anh nói, "nhưng giờ tôi đã được tiêu xài lại".

Tuy nhiên, không phải tất cả người Trung Quốc đều có khả năng chi tiêu như nhau. Nhiều người lao động có thu nhập thấp và những sinh viên mới tốt nghiệp đại học vẫn chưa tìm được việc làm sau dịch. Một số thì đang phải làm việc với mức lương thấp hơn. Các doanh nghiệp và người tiêu dùng ở một số thành phố vẫn gặp khó.

"Các vùng giàu nhất đang hoạt động tốt hơn, đặc biệt là các khu vực xuất khẩu dọc theo bờ biển. Trong khi đó, phần còn lại của đất nước bị tụt lại", Derek Scissors, Kinh tế trưởng của China Beige Book, cho biết.

Trung Quốc cũng có mức bất bình đẳng thu nhập thuộc hàng cao nhất thế giới, sánh ngang với các nước như Brazil. Do đó, các gia đình giàu có đóng một vai trò không cân xứng trong nền kinh tế Trung Quốc.

Nghiên cứu về người tiêu dùng của các công ty đa quốc gia cho thấy những gia đình này đang tham gia vào hoạt động mà họ gọi là "mua sắm bù" sau khi đại dịch. "Bạn phát hiện ra rằng cuộc sống có thể kết thúc bất ngờ, vì vậy bạn muốn tự thưởng cho mình", Jens Puttfarcken, CEO Porsche tại Trung Quốc, nói.

                   Một công nhân chuẩn làm việc ngày 24/9, để chuẩn bị cho triển lãm ôtô Bắc Kinh. Ảnh: AP.

Triển lãm ôtô Bắc Kinh, được tổ chức hàng năm xen kẽ với triển lãm tô Thượng Hải, là lăng kính khá tốt trong những năm qua để chỉ ra những điểm mạnh và điểm yếu của nền kinh tế Trung Quốc. Sự kiện ngày càng bị chi phối nhiều hơn bởi các thương hiệu cao cấp (phù hợp với thị hiếu của người Trung Quốc) và các nhà sản xuất nội địa có tham vọng toàn cầu.

Triển lãm cũng đã giới thiệu sự chuyển đổi của Trung Quốc từ một nước tụt hậu về công nghệ trở thành thị trường ôtô điện lớn nhất thế giới. Ford tung phiên bản Trung Quốc của Mustang chạy điện mới tại sự kiện. NIO công bố nâng cấp phần mềm tự lái trên xe ôtô điện cho phép chúng tự vào và ra đường cao tốc.

Polestar, một liên doanh của Volvo Cars và Zhejiang Geely, công bố kế hoạch sản xuất hàng loạt ôtô điện vào năm tới tại Thành Đô. Thomas Ingenlath, CEO Polestar, cho biết công ty đang xây dựng một nhà máy hoàn toàn mới chỉ dùng năng lượng tái tạo.

Ông Ingenlath là một trong số ít các CEO đã bay đến Trung Quốc để tham dự triển lãm. Vừa được ra khỏi khách sạn sau 2 tuần cách ly khi nhập cảnh, ông ngạc nhiên về sự khác biệt trong cuộc sống hàng ngày giữa Trung Quốc và Châu Âu vì thành công của nước này trong việc ngăn chặn đại dịch.

"Ở châu Âu, bạn sẽ tránh bắt tay, dù đó là quê hương của cái bắt tay. Tôi ngạc nhiên khi thấy nó không phải là một vấn đề ở đây", ông nói, "Mọi người đã bớt lo lắng hơn".

Tất nhiên, kinh tế Trung Quốc vẫn dễ bị tổn thương. Khả năng tái dịch vẫn có thể xảy ra, đặc biệt là vì virus bị ngăn chặn quá nhanh nên rất ít người có cơ hội tạo miễn dịch. Trung Quốc đã đối phó với nguy cơ này bằng cách duy trì một số biện pháp phòng ngừa, ngay cả khi những biện pháp khác, như đeo khẩu trang, đã trở nên ít phổ biến hơn, đặc biệt là ở ngoài trời.

Trung Quốc cũng đang chuẩn bị một chiến dịch rộng rãi vào mùa thu này để thực hiện tiêm phòng cúm, nhằm giảm thiểu số người đến khám tại các phòng khám và bệnh viện trong mùa đông, với các triệu chứng có thể bị nhầm với Covid-19.

Một nỗi sợ khác nằm ở hệ thống tài chính. Các ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc đã làm tràn ngập nền kinh tế bằng các khoản vay khổng lồ với lãi suất thấp, làm tăng thêm nỗi lo lâu dài về nợ xấu. Cổ phiếu và trái phiếu của China Evergrande Group, một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất của nước này, đã giảm mạnh vào tuần trước do lo ngại về cách thức quản lý các khoản nợ hơn 120 tỷ USD.

Mối lo thứ ba nằm ở sức khỏe của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhóm này thường thiếu các quan hệ cần thiết để có được các khoản vay từ hệ thống ngân hàng do nhà nước lãnh đạo.

Ngoài ra, các quy tắc giãn cách xã hội kéo dài có nghĩa là các ngành dịch vụ không phục hồi tốt như sản xuất. Doanh thu phòng vé tại các rạp chiếu phim Trung Quốc đã giảm 57% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm trước, bởi các quy tắc giãn cách làm giảm công suất rạp.

Nhưng những lo lắng này dường như rất xa vời tại triển lãm ôtô. Liu Xiaozhi, cựu kỹ sư ôtô hiện nằm trong hội đồng quản trị của một hãng xe nói rằng thành công của đất nước trong việc chống lại Covid-19 đã giúp mọi người tiếp tục tiêu tiền thoải mái. "Trung Quốc đã thực sự trở lại như xưa", bà nói.

Theo vnexpress