Người Việt chuộng mua hàng online tất tần tật mọi thứ - ĐỘC LẬP

Mua sắm trực tuyến qua điện thoại thông minh tại Việt Nam tăng kỷ lục. Với 12,7 tỉ lượt truy cập vào các ứng dụng mua sắm, tăng 43%, Việt Nam xếp thứ 3 các quốc gia trong khu vực về tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử.

Trải qua 2 đợt bùng phát của dịch Covid-19, nhu cầu và hành vi mua sắm của người tiêu dùng tại Việt Nam đã có sự thay đổi rõ rệt. Một báo cáo mới đây của iPrice và App Annie cho thấy trong đợt cao điểm dịch, giao dịch mua bán qua online tăng mạnh. Việt Nam đang xếp sau Philippines và Thái Lan về tốc độ tăng trưởng và vào tốp 3 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia và Thái Lan về tổng lượng truy cập các ứng dụng (app) mua sắm trực tuyến, chiếm gần 20% thị phần toàn khu vực.

Trước đó, số liệu từ Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng cho biết trong 6 tháng đầu năm, đã có 200 triệu giao dịch thanh toán qua internet với giá trị khoảng 12,9 triệu tỉ đồng, tăng 36% giá trị so với cùng kỳ 2019; Số lượng giao dịch qua điện thoại di động lên tới 472 triệu giao dịch, bằng 178% so với năm ngoái với giá trị khoảng 4,9 triệu tỉ đồng, tăng 77%.

Mua từ cuộn giấy vệ sinh...

Nhà ở chỉ cách tiệm trà sữa Toco Toco trên đường Âu Cơ đúng 200 m theo công cụ đo khoảng cách trên GrabFood, trời lại không mưa, nhưng chị Anh Thư (ngụ P.9, Q.Tân Bình, TP.HCM) vẫn đặt 3 ly trà sữa trân châu đường hổ tại tiệm này qua GrabFood giao về nhà với phí giao 15.000 đồng. Chị Thư giải thích ngắn gọn: “Đặt qua app có khuyến mãi mà mua trực tiếp thì không, nên thôi, ngồi nhà hưởng thụ vậy”.

Việt Đức (26 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) tự nhận mình là “tín đồ” của các ứng dụng mua sắm, giao hàng trực tuyến. Từ Huế vào TP.HCM học đại học sau đó ở lại đi làm luôn, Đức thuê trọ ở một mình, vì thế, hầu hết mọi bữa ăn anh chàng này đều đặt trên mạng thông qua các ứng dụng như Beamin, GrabFood… Không chỉ thế, đa số vật dụng, đồ dùng cá nhân trong nhà, anh cũng đều tìm nguồn chính hãng và đặt hàng trên các app mua sắm trực tuyến. Cà phê “tám chuyện” sau đợt giãn cách xã hội đầu tiên phòng chống dịch, Đức khoe với chúng tôi rằng “trình” mua đồ trực tuyến của anh đã tăng thêm 1 level mới.

“Giờ là trọn gói từ A đến Z trong nhà, gi gỉ thứ gì tớ cũng mua qua mạng hết. Quan điểm mùa dịch là hạn chế tối đa ra đường và tiếp xúc với mọi người. Đến cuộn giấy vệ sinh hay cái bàn chải đánh răng tớ cũng đặt qua app. Hôm trước, điện thoại hỏng, tớ lên máy tính đặt mua điện thoại mới, thanh toán trực tuyến, chờ khoảng 2 giờ là giao tới tận cửa phòng trọ, rất nhanh và tiện”, Đức vừa kể, vừa đưa chiếc điện thoại hiệu Samsung có giá gần 8 triệu đồng lên, vẻ mặt hào hứng.

Không chỉ có người Việt tham gia mua hàng online trong nước, ngay cả người Việt ở nước ngoài cũng bị thuyết phục bởi sân chơi thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam. Nguyên Trân là Việt kiều Hà Lan, sống và làm việc tại xứ sở hoa tulip hơn 20 năm qua. Đợt cách ly toàn xã hội dịch Covid-19, muốn mua sắm vài thứ cho người mẹ đang sống một mình tại TP.HCM, Trân đã thử liên lạc đặt mua gạo, thực phẩm đông lạnh và một số loại rau quả qua siêu thị LotteMart và thanh toán qua thẻ visa ngân hàng nước ngoài. Trân nhận xét: “Mua bán online tại Việt Nam phát triển nhanh, “nguy hiểm” hơn cả châu Âu. Quá tiện khi các hệ thống siêu thị VinMart, Co.opMart, BigC, LotteMart, Aeon… đều có bán giao hàng tại nhà cho đơn hàng tối thiểu 200.000 đồng và đều chấp nhận thanh toán thẻ ngân hàng ngoại. Điều này thật tuyệt vời và đúng nghĩa TMĐT giúp xóa nhòa mọi khoảng cách biên giới”.

... Đến viên kim cương

Ngoài đồ ăn, quần áo, đồ gia dụng, điện tử..., nhiều mặt hàng xa xỉ như nữ trang, kim cương giờ cũng trở thành món đồ được các “tín đồ shopping” tin tưởng lựa chọn qua mạng. Chị Nga Thanh, chủ shop chuyên order “hàng hiệu” từ châu Âu cho biết dù mùa dịch kinh tế khó khăn, thậm chí nhiều thương hiệu xa xỉ phẩm còn tăng giá nhưng số lượng đơn hàng của chị Thanh vẫn khá tốt. Giữa đợt dịch trước, chị Thanh bắt đầu giới thiệu sản phẩm mới là trang sức kim cương thiên nhiên.

Mặt hàng chủ yếu được rao bán trên trang Facebook cá nhân là nhẫn và vòng tay, dao động từ hơn 10 triệu đồng đến gần 100 triệu đồng/món, tùy số lượng đá quý gắn trên sản phẩm. Mỗi món đồ đều có đăng kèm hình ảnh chứng thư giám định từ nhà cung cấp. “Lúc đầu mình tìm được nguồn hàng nên tính bán thêm thử thôi chứ trang sức đắt tiền, bán qua mạng cũng không dễ. Không ngờ nhiều khách hỏi lắm, chủ yếu là khách quen, mua hàng nhà mình lâu rồi, biết uy tín nên tin tưởng. Khách giờ họ tinh lắm, mua qua mạng nhiều hơn nhưng nếu hàng giả, hàng kém chất lượng là bị “bóc phốt” ngay, đặc biệt là những món hàng đắt tiền. Vì thế nên tuy bán hàng online tràn lan trên mạng nhưng không phải shop nào cũng sống khỏe đâu, khách họ có mối hết đấy. Nếu xây dựng được thương thiệu uy tín thì bán gì cũng dễ”, chị Thanh cho biết.

Còn Lê Trân cho biết ngay trong đợt dịch, cô đã đặt mua bảng mừng thọ ông bà nội dát vàng trị giá 17 triệu đồng qua mạng tại một tiệm vàng trên đường Châu Văn Liêm (Q.6, TP.HCM), hàng giao rất ưng ý và chất lượng đúng như những gì dịch vụ giới thiệu.

Tất nhiên, không phải lúc nào mua sắm online cũng là số 1 và là lựa chọn tối ưu. Chị Hoàng Hà (ngụ Q.7, TP.HCM) cho rằng, chính thói quen cứ ngồi nhà xem các trang giảm giá và livestream để mua hàng mà chị đã bị “viêm màng túi” trầm trọng ngay trong mùa dịch. Chị Hà kể, một chiếc túi hiệu Katespade giá 11 triệu, giảm còn 7 triệu vừa bấm nút mua xong lại thấy chiếc khác, màu nude ưng ý giá chỉ 5,5 triệu sau khi giảm đến 75%.

“Trong tháng 4, tháng ở nhà, mua sắm online hàng hiệu giảm giá của mình đã ngốn hết gần 25 triệu đồng với 3 món là túi xách, giày và nước hoa. Những mặt hàng thật ra không quá cần thiết, nhưng khi ở nhà, thấy giá giảm sâu quá, lại tiếc, lại mua, không hề nghĩ cả thế giới đang điên đảo vì dịch, phải tiết kiệm”, chị Hoàng Hà phân trần.

Đừng để mua quần nhận nùi giẻ

Thực tế đã có không ít trường hợp mua nữ trang là “vàng non” trị giá 3 - 10 triệu đồng/sản phẩm nhưng người mua lại bị phải “đòn” lừa. Chị Thanh Dung (Q.Tân Bình) cho hay qua một trang V.H livestream trên mạng, chị thấy người mua ồ ạt khen nữ trang tại đây bán uy tín, nhập từ Dubai về, mua chiếc nhẫn vàng có gắn đá đỏ hợp mạng hỏa của chị với giá 6,5 triệu đồng. Chuyển tiền trước khi nhận hàng và được bảo đảm hàng giả trả lại không mất phí. Tuy nhiên, khi nhận hàng, chị phát hiện sản phẩm thiết kế không tinh xảo, kiểu hàng chợ, chị liên lạc để trả lại nhưng… Facebook kia đã chặn, không trả lời tin.

Tương tự, chị Phương, nhân viên văn phòng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TP.HCM) cũng cho biết đặt 2 quần jeans Hồng Kông ống rộng qua sàn Shopee, tiền trả chuyển khoản trước, nhận hàng là 2 quần “bên hông chợ Tân Bình”, hai loại khác nhau, cùng size nhưng chiếc rộng thùng thình, chiếc còn lại quá chật không mặc được. Chị Phương lắc đầu ngao ngán: “Quá sợ hàng online! 2 chiếc quần trị giá 1,2 triệu đồng mà như…nùi giẻ, không thể tin được”. Còn chị Hồng Ngọc (Q.11, TP.HCM) mua nồi chưng yến trị giá 1,1 triệu đồng qua Sendo nhưng hàng bị vỡ, liên lạc trả hàng đến nay vẫn không nhận được sự hỗ trợ của chính sàn thương mại.

Chuyên gia Robert Trần, Tổng giám đốc Tập đoàn RBNC - phụ trách thị trường Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương, nhận xét TMĐT đang khiến thị trường tiêu thụ rôm rả hơn ngay trong mùa dịch. Tuy nhiên, kinh nghiệm từ bản thân, ông Robert Trần nói thẳng: “Ngay cá nhân tôi liên lạc đến các sàn Sendo không bao giờ có người trả lời. Còn Lazada trả lời luôn là không có trách nhiệm trong việc giao hàng trễ hay chất lượng sản phẩm”.

“Người Việt chuộng mua hàng qua sàn TMĐT là tốt, nhưng thật lòng rất oải với cách làm việc thiếu chuyên nghiệp của các sàn tại Việt Nam. Để bảo vệ người tiêu dùng, Amazon thường chọn cách trả lại tiền cho người mua nếu có khiếu kiện, sau đó xử lý nhà cung cấp sau. Việt Nam hầu hết các sàn chưa làm được điều này”, ông Robert Trần nói.

Với sự gia tăng mua sắm online của người Việt, tôi nghĩ các sàn nên chấn chỉnh và thay đổi tư duy phục vụ người tiêu dùng, nếu không, thời gian để bị tẩy chay khi không uy tín cũng rất nhanh. Đặc biệt khi thấy thị trường béo bở, nhà TMĐT ngoại xâm nhập vào Việt Nam nhiều hơn.

Chuyên gia Robert Trần

Theo thanhnien