Chủ quầy hàng thịt lợn trong một khu chợ ở Bắc Kinh. Ảnh: AFP.
"Trung Quốc đã vượt qua thời điểm tiêu thụ thịt lợn đỉnh điểm, vì năm ngoái, mức tiêu thụ thịt lợn theo bình quân đầu người ở Trung Quốc là 30 kg, ngang bằng với Hàn Quốc, cao hơn mức 23 kg của Mỹ, 22 kg của Australia và 16 kg ở Canada và Nhật Bản", Darin Friedrichs, chuyên gia phân tích tại một công ty ở Thượng Hải cho biết.
Nhà nghiên cứu thị trường Euromonitor cho biết, khoảng 41,4 triệu tấn thịt lợn năm ngoái được tiêu thụ bởi 1,4 tỷ người, cao hơn so với mức 41 triệu tấn năm 2017, nhưng thấp hơn so với mức đỉnh điểm là 42,5 triệu tấn năm 2014.
Trong khi, số liệu đưa ra bởi nhà cung cấp và giao hàng trực tuyến Meituan Dianping, một công ty có trụ sở tại Bắc Kinh cho thấy, xu hướng chi tiêu cho "các bữa ăn nhẹ" của khách hàng Trung Quốc năm ngoái tăng lên 158% so với năm 2017, số lượng các nhà cung cấp các món ăn dạng này cũng tăng 128%. "Bữa ăn nhẹ" được định nghĩa có hà lượng calo, mỡ thấp, nhưng nhiều chất xơ. Vì vậy, lựa chọn hàng đầu cho bữa ăn "nhẹ" là thịt gà, kế tiếp là thịt bò, rồi mới đến thịt lợn.
Ngoài ra, người tiêu dùng Trung Quốc, đặc biệt là người tiêu dùng tại các thành phố lớn ngày càng quan tâm hơn đến "các bữa ăn lành mạnh". Các công ty sản xuất thịt nguồn gốc từ thực vật cũng nhắm đến khai thác xu hướng tiêu dùng mới nổi này.
Tháng 4 năm nay, triển lãm Meat Fest ở Thượng Hải thu hút một số lượng lớn người tham dự, trong đó trưng bày và giới thiệu các thực phẩm cung cấp protein chiết xuất từ đậu nành hoặc đậu Hà Lan. Một công ty sinh học có trụ sở ở Chicago, Mỹ tuyên bố có thể cung cấp loại protein nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm thịt lợn ở Trung Quốc.
Tháng 4 năm nay, giá thịt lợn tại Trung Quốc tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, khi nước này hứng chịu dịch cúm lợn châu Phi. Các lãnh đạo ngành nông nghiệp Trung Quốc cảnh báo giá thịt lợn năm nay có thể tăng tới 70%. Giá thịt lợn cao khiến một số nhà hàng và gia đình chuyển sang dùng thịt gà, thịt bò hay thịt cừu, làm giá những loại thịt này tăng theo.
Bên cạnh đó, tình trạng các thương lái và lò mổ tăng mua để tích trữ thịt đợi mức giá cao hơn đã khiến cho nguồn cung thịt ngày càng khan hiếm. Do đó, việc người dân Trung Quốc buộc phải thay đổi thói quen nhằm thích nghi với hoàn cảnh.
Theo vnexpress