Hôm 14/12, Anh công bố phát hiện chủng nCoV mới mang tên "VUI – 202012/01", có hơn 20 đột biến so với phiên bản gốc và được cho là có khả năng lây nhiễm cao hơn 70%. Kể từ lần đầu tiên được phát hiện vào tháng 9, đến tháng 11, khoảng 1/4 số ca nhiễm mới ở London là do chủng mới này và đến giữa tháng 12, con số này tăng lên gần 2/3.
"Tôi và người thân dè chừng với chủng nCoV lần này hơn", chị Sharon Vũ, người đang sống cùng chồng và hai con ở thủ đô London, Anh, chia sẻ với VnExpress
Chị Sharon cho hay sau một năm "sống chung" với Covid-19, mọi người đã quen với việc phòng dịch và làm việc từ xa nên phần nào không còn quá lo lắng về nCoV nữa. Thi thoảng, chị và bạn bè vẫn hẹn hò nhau tụ tập.
"Tuy nhiên lần này, chúng tôi thực hiện rất nghiêm lệnh phong tỏa. Tôi thực sự thấy không an toàn nên tránh nơi đông người, thậm chí không đi ra ngoài đường. Chồng và con trai chạy bộ tập thể dục tôi cũng nhắc rất nhiều lần là tránh xa người đi đường, không được chạy gần họ".
Chủng nCoV biến thể được cho là nguyên nhân dẫn tới tình trạng quá tải chưa từng có hiện này trong hệ thống y tế Anh, khi số bệnh nhân Covid-19 nhập viện cao kỷ lục hơn 20.000 người.
Anh đang là vùng dịch lớn thứ 6 thế giới, với 41.385 ca nhiễm mới hôm 28/12, mức tăng cao nhất trong một ngày kể từ khi đại dịch bùng phát, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 2,3 triệu. Nước này cũng ghi nhận thêm 357 người tử vong, nâng tổng số người chết lên hơn 71.000.
Từ ngày 20/12, hàng triệu người tại London và hầu khắp vùng đông nam của Anh bị đặt dưới lệnh phong tỏa khẩn cấp khi Thủ tướng Boris Johnson cảnh báo dịch bệnh đang "vượt tầm kiểm soát". Người dân được yêu cầu ở nhà, mọi cuộc tụ họp với các cá nhân ngoài gia đình bị cấm. Các trung tâm thương mại, dịch vụ cá nhân và cửa hàng kinh doanh không thiết yếu đều phải đóng cửa.
Trong khi mọi người đổ xô đi mua đồ tích trữ cho thời gian ở nhà nghỉ lễ, chị Sharon không còn dám đi siêu thị vì sợ lây nhiễm.
"Mình hạn chế đi mua sắm vì trong nhà đã đầy đủ thực phẩm, hơn nữa việc mọi người xếp hàng dài cả km ở siêu thị là nguồn lây nhiễm nCoV chính", chị nói.
Giáng sinh vừa qua chị cũng không tổ chức tiệc và hay mời bạn bè tới chơi nhà nữa, dù đã trang hoàng nhà cửa đón lễ từ cuối tháng 11. Dù không khí ảm đạm hơn hẳn mọi năm, chị khẳng định sức khỏe của gia đình vẫn là ưu tiên trên hết.
Anh Trần Xuân Thái, người đã sinh sống 12 năm ở London, đặc biệt cẩn trọng với sức khỏe của hai con khi biết chủng nCoV mới có thể ảnh hưởng nhiều đến trẻ em hơn so với trước đây.
"Nhà tôi vẫn ra ngoài như bình thường nhưng đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên hơn. Trẻ con sẽ chỉ cho ra công viên chạy bộ và thể dục, không cho đến các nơi công cộng khác hay khu mua sắm", anh nói. "Dù mức độ nguy hiểm của chủng virus mới ngang ngửa chủng cũ nhưng tốt nhất là tránh được thì nên tránh".
Chuyên buôn bán hàng hóa xuất nhập khẩu, biến thể nCoV lần này còn ảnh hưởng đến việc kinh doanh của anh Thái, khi một loạt quốc gia đóng biên với Anh để lập "hàng rào" ngăn chặn dịch. Hơn 50 quốc gia đã cấm mọi chuyến bay hoặc siết chặt kiểm soát hành khách từ Anh nhằm hạn chế sự lây lan của biến chủng này.
Các chuyên gia chưa rõ chủng mới này đã lây lan đến mức nào nhưng các lệnh cấm đi lại có nguy cơ gây ra nhiều khó khăn hơn về kinh tế và tâm lý.
"Các chuyến hàng hóa cuối năm của tôi bị ứ đọng do Pháp đóng cửa biên giới Anh", anh Thái cho biết, nhắc đến lệnh cấm của Tổng thống Pháp Emanuel Macron hôm 20/12 khiến hàng nghìn xe tải không thể băng qua eo biển Manche để vào Anh. "Sau đó vài ngày, tài xế chở hàng của tôi đã được phép cho qua khi có kết quả xác nhận âm tính".
Với Lê Hà, sống ở thị trấn Woking, hạt Surrey, vùng Đông Nam nước Anh, cách thủ đô London khoảng 30 phút đi tàu, cuộc sống cũng bị ảnh hưởng rất nhiều vì đại dịch và các quyết định thay đổi nhanh chóng của chính phủ.
"Cứ một, hai tuần lại thay đổi, cứ đóng rồi mở liên tục, nên tôi không thể có một kế hoạch dài hạn cho cuộc sống hay công việc của mình được. Chỉ có thể chờ đợi thôi, mà tình hình thì không khả quan lắm", cô nói.
Mức cảnh báo tại hạt Surrey đã bị nâng lên cấp 4, cấp cao nhất hiện tại, sau khi xuất hiện chủng nCoV mới. Hà cho hay hầu hết mọi người phải ở nhà, trừ những ai không thể làm việc từ xa, và chỉ được phép ra ngoài mua nhu yếu phẩm như thực phẩm và thuốc men.
Các nhà hàng, quán cafe vẫn được mở cửa nhưng chỉ phục vụ khách mua đem về, mọi người phải đeo khẩu trang khi đi vào bất kỳ tòa nhà công cộng nào hoặc tham gia phương tiện giao thông công cộng. Ngoài ra, mọi người phải duy trì khoảng cách tối thiểu 2 m khi tiếp xúc với người khác.
Sự xuất hiện của chủng nCoV mới làm bản thân Hà cũng thấy lo lắng hơn, nhưng từ trước đến giờ cô vẫn luôn cảnh giác và thực hiện các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên.
"Điều khiến tôi cảm thấy buồn là đợt bùng phát mới rơi vào kỳ nghỉ lễ cuối năm nên không thể gặp gỡ người thân và bạn bè. Nhiều lúc thấy tôi thấy vô vọng vì hiểu rằng dịch không thể hết trong vài tháng tới", Hà nói.
Vợ chồng Lily Vũ, người gốc Việt sống ở thành phố Leeds, hạt Yorkshire, cách thủ đô London khoảng hơn 270 km về phía bắc, thậm chí đều bị nhiễm nCoV nhưng không biết có phải chủng mới hay không. Họ được thông báo dương tính trước khi London thông tin về chủng nCoV mới vài ngày, đồng thời kết quả xét nghiệm cũng không nêu rõ là chủng nào.
Hiện cả Lily và chồng đều đã hồi phục sau thời gian cách ly và điều trị tại nhà, nhưng sẽ cần thêm vài tuần để có thể hoàn toàn khỏe mạnh như trước.
"Sau khi mắc Covid-19, tôi cảm giác làm gì cũng nhanh mệt hơn, không còn dai sức như trước", cô nói. "Ngoài ra, cả tôi và chồng vẫn bị mất khứu giác. Bác sĩ bảo có thể mất vài tuần hoặc vài tháng mới lấy lại được".
Thành phố Leeds nơi cô sống ghi nhận số ca nhiễm nCoV tăng mạnh trong những ngày gần đây. Lily cho biết khu vực cô ở đang ở cấp 3 trong thang 4 cấp cảnh báo về tình hình Covid-19. Vì tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường nên các cấp cảnh báo có thể thay đổi nhanh chóng.
"Tuy nhiên, chủng nCoV mới chỉ khiến tôi và mọi người xung quanh lo lắng thêm đôi chút, bởi chúng tôi luôn áp dụng tất cả các biện pháp phòng ngừa được khuyến nghị", Lily nói. "Mọi người đã làm tất cả những gì có thể, như rửa tay, đeo khẩu trang, không gặp mặt và giữ khoảng cách".
Anh Thái có chung quan điểm với Lily rằng không cần quá lo lắng đến chủng nCoV mới, vì bản chất của virus là liên tục biến thể.
"Lúc này, tôi quan tâm đến vaccine hơn", anh nói.
Hôm 2/12, Anh trở thành nước đầu tiên trên thế giới phê duyệt vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech và đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng, đặt tên là "V-Day" (Ngày Vaccine), từ ngày 8/12. Các nhóm được ưu tiên tiêm vaccine gồm nhân viên chăm sóc và người già tại viện dưỡng lão, nhân viên y tế.
Chính phủ Anh hôm 29/12 cho biết cơ quan quản lý thuốc cũng đang xem xét dữ liệu cuối cùng từ thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn ba của vaccine AstraZeneca/Oxford. Khả năng vaccine AstraZeneca/Oxford sẽ được "bật đèn xanh" vào ngày 31/12 và bắt đầu triển khai tiêm chủng tại Anh vào tuần đầu tháng 1/2021.
Ông Pascal Soriot, giám đốc điều hành AstraZeneca, tin vaccine của hãng có khả năng chống lại biến chủng nCoV mới đang lây lan tại Anh, nhưng chưa chắc chắn và sẽ kiểm chứng.
"Năm 2020 là một năm khó khăn với mọi người nói chung. Năm 2021 diễn biến theo chiều hướng thế nào là điều khó nói trước, nhưng ít nhất chúng ta cũng đã nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm. Tôi nghĩ mọi người nên tranh thủ những ngày cuối năm phong toả để nghỉ ngơi, lấy lại năng lượng và suy nghĩ tích cực về thời gian sắp tới", anh Thái nói.
Theo vnexpress