leftcenterrightdel
 Tình trạng mất cân bằng giới tính đang diễn ra trầm trọng cả ở khu vực nông thôn và thành thị (ảnh minh họa)

Ngày 26/12, tại chương trình kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam do Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) tổ chức, ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế), cho hay công tác này đang đối mặt với nhiều thách thức mới. 

Theo đó, tuổi thọ trung bình ở Việt Nam tăng nhanh, đạt 73,6 tuổi vào năm 2021. Tuổi thọ trung bình ở nam giới là 71 và nữ giới là 76. Đây là con số cao hơn mức trung bình trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, số năm sống khỏe mạnh chỉ đạt 64 tuổi. Bộ Y tế nhận định chỉ số này chưa cao, chậm cải thiện.

Đáng lưu ý, ông Nguyễn Doãn Tú đánh giá, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng. Mức thông thường của tỉ số này là 104-106 bé trai/100 bé gái. Trong khi đó, năm 2022, tỉ số này ở nước ta là 113,7 (không đạt mục tiêu đề ra là 111,4). Thậm chí, một số địa phương có tỉ số này cao như Nghệ An (116,6), Sơn La (117)…

Việt Nam đang là quốc gia có tỉ số giới tính khi sinh cao thứ 3 ở khu vực châu Á, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Một báo cáo năm 2020 cho thấy 24 tỉnh/thành có tỉ số này dưới 109; 18 địa phương có tỉ số từ 109-112; 21 tỉnh còn lại có tỉ số trên 112.

Cũng theo Tổng cục Dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh theo hướng thừa nam thiếu nữ tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng và ngày càng lan rộng, cả thành thị và nông thôn. Bên cạnh đó, tâm lý ưa thích con trai và mong có con trai trong gia đình quy mô nhỏ; lạm dụng khoa học - công nghệ; thực thi các quy định pháp luật chưa nghiêm đã làm trầm trọng hơn tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Tổng cục Thống kê dự báo đến năm 2034, nếu tỉ số giới tính khi sinh của Việt Nam không giảm, nước ta sẽ “dư thừa” 1,5 triệu nam giới lứa tuổi 15-49. Đến năm 2059 con số này là 2,5 triệu. Tình trạng dư thừa nam giới sẽ gây ra nhiều hệ lụy về mặt kinh tế, xã hội, thậm chí an ninh chính trị. Dễ thấy nhất, nam giới khó kiếm được vợ, từ đó làm gia tăng nạn buôn người và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái…

Tại chương trình, chênh lệch mức sinh giữa các vùng cũng là một thách thức trong công tác dân số được các chuyên gia cảnh báo. Thống kê năm 2022, tổng tỉ suất sinh (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) là 2,01 con. Tuy nhiên, giữa các khu vực, con số này có sự khác biệt lớn. Cụ thể, tại nhiều tỉnh khu vực miền Nam như TPHCM, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu... mức sinh chưa đến 1,4 con/phụ nữ. Tại Hà Tĩnh, Nghệ An, mức sinh này lại cao gấp đôi. Trong nhóm 21 tỉnh/thành có mức sinh thấp, mức sinh chưa có xu hướng tăng, thậm chí một nửa số tỉnh còn tiếp tục giảm, số còn lại mức sinh có xu hướng chững lại. Nhiều tỉnh đang ở mức sinh cao đã giảm về mức sinh thay thế.

Theo phụ nữ TPHCM