Trò chuyện với phóng viên TG&VN khi vừa trở về nước sau chuyến công tác Hàn Quốc, Đại sứ Phạm Tiến Vân, hiện là Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Hàn Quốc, cho biết tính đến năm nay là đã tròn 55 năm ông bắt đầu cái duyên, sự nghiệp và cuộc đời của mình ở bán đảo Triều Tiên.

Năm 1967, ông Phạm Tiến Vân được cử đi du học tại Triều Tiên. Sau khi tốt nghiệp, ông được tuyển thẳng vào Bộ Ngoại giao và có ba nhiệm kỳ công tác tại Đại sứ quán Việt Nam tại Bình Nhưỡng và hai nhiệm kỳ công tác tại Seoul. Ở trong nước, ông làm việc ở Vụ Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao, chuyên trách khu vực bán đảo Triều Tiên.

Không chỉ gắn bó với bán đảo Triều Tiên về sự nghiệp, Đại sứ Phạm Tiến Vân cũng gặp người bạn đời của mình trong quá trình du học. Các con ông sinh ra, học tập, trưởng thành và làm công việc liên quan với nơi này.

“Vậy nên về mặt cá nhân, bán đảo Triều Tiên nói chung hay Hàn Quốc nói riêng như quê hương thứ hai của tôi. Nhiều khi tôi nghĩ đây là duyên số khiến mình gắn bó mật thiết với nơi này”, Đại sứ chia sẻ.

Sự phát triển thần kỳ

Nói về Hàn Quốc, Đại sứ Phạm Tiến Vân ấn tượng sâu sắc nhất về sự phát triển thần kỳ của đất nước này.

Theo ông, Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, chẳng hạn như từng bị tàn phá bởi chiến tranh và bắt đầu xây dựng lại đất nước trong hoàn cảnh rất khó khăn. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn, Hàn Quốc đã phát triển một cách kì diệu, trở thành một nước phát triển, hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hoá thần tốc và đến nay đã là nền kinh tế đứng thứ 10 thế giới.

Một ấn tượng sâu sắc khác của Đại sứ Phạm Tiến Vân về Hàn Quốc là sự thành công rực rỡ trong việc phát triển nền văn hóa dân tộc vừa mang màu sắc truyền thống vừa hiện đại, phù hợp với các xu hướng mới của thế giới. Từ phim ảnh, ca nhạc, thời trang, thể thao cho đến văn hóa ẩm thực của Hàn Quốc đều phát triển đồng đều và có sức lan toả mãnh liệt trên thế giới.

Theo ông, để đạt được điều đó, Hàn Quốc đã tìm ra đường đi đúng đắn ngay từ đầu, có những người bạn tốt hỗ trợ, những nhà lãnh đạo quyết tâm, quyết liệt phát triển đất nước và hơn hết là có những người dân rất cần cù, có ý chí và sức sáng tạo trong công việc. Đây cũng là động lực và nền tảng để Hàn Quốc phát triển kinh tế, quảng bá hình ảnh đất nước.

Ấn tượng với sự phát triển toàn diện, thịnh vượng của Hàn Quốc bao nhiêu thì Đại sứ Phạm Tiến Vân lại suy nghĩ, mơ ước về sự phát triển của đất nước mình bấy nhiêu.

Ông cho rằng Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm của Hàn Quốc để phát triển xứng tầm. Đó cũng chính là sự quan tâm và nỗi niềm đau đáu của ông trong thời gian công tác nhiệm kỳ ở đất nước của “kỳ tích sông Hàn”.

Do quan hệ của Việt Nam và Hàn Quốc phát triển rất nhanh và sôi động nên khối lượng, áp lực công việc lên các cán bộ ngoại giao là rất lớn. Mỗi năm, Đại sứ quán đón đến cả trăm đoàn khách. Bận bịu là thế nhưng khi được hỏi về điều ông nhớ nhất khi làm Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc thì sự bận bịu đó lại chính là câu trả lời của Đại sứ Phạm Tiến Vân.

Theo ông, chính sự phát triển năng động và không ngừng của quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc khiến ông thêm say mê, cuốn hút vào công việc. Những khoảnh khắc cảm xúc nhất của người làm ngoại giao như ông có lẽ là khi góp phần làm nên thành công cho các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao, vun đắp từng cột mốc mới vững chắc trong quan hệ hai nước.

Hồi tưởng quá khứ, Đại sứ Phạm Tiến Vân nói: “Thời gian làm Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc của tôi lúc nào cũng đầy ắp các công việc, sự kiện. Chính vì vậy, tôi cảm thấy bản thân mình cũng phần nào đóng góp vào sự phát triển trong quan hệ hai nước bằng khoảng thời gian ý nghĩa”.

Với vai trò Phó Chủ tịch thường trực, Đại sứ Phạm Tiến Vân tích cực tham gia các hoạt động của Hội hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc. (Ảnh: NVCC)
Với vai trò Phó Chủ tịch thường trực, Đại sứ Phạm Tiến Vân tích cực tham gia các hoạt động của Hội hữu nghị Việt Nam-Hàn Quốc. (Ảnh: NVCC)

Tình cảm yêu mến chân thành

Ngoài sự bận bịu, trong thời gian công tác ở Hàn Quốc, một điều khác mà Đại sứ Phạm Tiến Vân cảm nhận rất rõ là tình cảm yêu mến và chân thành của người Hàn Quốc dành cho đất nước và con người Việt Nam, dù đó là chính trị gia, nhà kinh tế, doanh nghiệp hay những người dân bình thường…

Chính vì vậy, đến khi nghỉ hưu ông vẫn mong muốn đóng góp vào tình hữu nghị tốt đẹp đó và tham gia Hội hữu nghị Việt Nam-Hàn Quốc với vai trò là Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội, nhằm thúc đẩy ngoại giao nhân dân, một trong ba trụ cột đối ngoại. Ông cho rằng, trong quá trình phát triển quan hệ song phương, muốn thúc đẩy quan hệ ngoại giao, chính trị, kinh tế, văn hóa… thì trước hết cần phải có sự thấu hiểu giữa nhân dân hai nước.

Theo Đại sứ Phạm Tiến Vân, một chặng đường dài 30 năm đã đưa quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc lên một dấu mốc khá cao là quan hệ Đối tác chiến lược và hai nước đang tiến tới một dấu mốc mới toàn diện, tương xứng hơn.

Đây là một dịp tốt để hai nước cùng nhìn lại kết quả đạt được trong thời gian qua trên mọi lĩnh vực, đồng thời xem lại các tồn tại cần giải quyết, các tiềm năng chưa được khai thác hiệu quả để tiếp tục lên kế hoạch, đặt mục tiêu cho 30 năm tới.

“Trong 30 năm qua, vai trò của Nhà nước trong quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc là yếu tố chủ đạo, nhưng tôi mong rằng trong tương lai, vai trò của doanh nghiệp và nhân dân sẽ lớn mạnh hơn nữa”, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Hàn Quốc bày tỏ kỳ vọng.

Với việc Hàn Quốc ở Đông Bắc Á, còn Việt Nam ở Đông Nam Á, ông đánh giá hai nước vẫn còn rất nhiều tiềm năng đóng góp vào sự hòa bình, ổn định khu vực và thế giới.

“Cho đến nay, Hàn Quốc và Việt Nam đã trở thành tấm gương về sự hợp tác hiệu quả của một nước phát triển và một nước đang phát triển. Với quy mô và thành tích đạt được trong quan hệ hai nước, đây là tấm gương cho nhiều nước nhìn vào học hỏi, không chỉ trong hợp tác song phương mà cả trong hợp tác đa phương tại Liên hợp quốc, APEC, WTO… hay giải quyết các vấn đề ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương”, Đại sứ Phạm Tiến Vân nói.

Ngày 22/12/1992, Việt Nam-Hàn Quốc chính thức ký Tuyên bố chung thiết lập quan hệ ngoại giao, nhân chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Lee Sang Ok đến Việt Nam và chính thức mở Đại sứ quán Hàn Quốc tại Hà Nội.

Tháng 3/1993, Việt Nam chính thức mở Đại sứ quán Việt Nam tại Seoul.

Tháng 8/2001, nhân chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch nước Trần Đức Lương, hai nước ra tuyên bố chung về “Quan hệ Đối tác toàn diện thế kỷ XXI”.

Tháng 10/2009, hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác hợp tác chiến lược nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak.

Theo baoquocte