Greta Thunberg, nhà hoạt động môi trường người Thụy Điển

Đơn kiện được Greta Thunberg và 15 trẻ em khác trình lên Liên Hợp Quốc hôm 23/9, nêu tên 5 quốc gia là Đức, Pháp, Brazil, Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ với cáo buộc đã không hoàn thành trách nhiệm về môi trường theo Công ước về Quyền Trẻ em, một hiệp ước nhân quyền có tuổi đời 30 năm được nhiều quốc gia phê chuẩn nhất trong lịch sử.

Trong đơn, nhóm trẻ em đến từ 12 nước, trình bày chi tiết quyền của các em đã bị vi phạm như thế nào. Nhóm trẻ cho rằng các quốc gia trên đã không sử dụng các nguồn tài nguyên của mình để "ngăn chặn những hậu quả chết người và có thể lường trước" về cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay, hay hợp tác hiệu quả với các nước khác để giải quyết vấn đề này.

Các em cũng chỉ trích mỗi quốc gia vì những cam kết "không thỏa đáng" nhằm giảm thiểu khí nhà kính, cho rằng những khoản cắt giảm mà họ nhất trí thực hiện sẽ không thể ngăn được nhiệt độ toàn cầu tăng ít hơn 2 độ C, một mục tiêu được đề ra trong Thỏa thuận Khí hậu Paris. Các nhà khoa học cảnh báo việc trái đất nóng thêm 2 độ C sẽ tạo ra những đợt nắng nóng thường xuyên và nguy hiểm hơn, làm tăng mực nước biển và giảm năng suất trồng trọt trên thế giới. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc năm ngoái, với lượng xả thải khí nhà kính hiện nay của tất cả các quốc gia trên thế giới, nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ tăng thêm 3,2 độ C vào năm 2100.

Nhóm trẻ em cho hay cuộc sống của mình bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng khí hậu và tương lai của các em sẽ bị đe dọa khi những tác động này trở nên nghiêm trọng hơn. Các nhà hoạt động môi trường nhỏ tuổi không đòi hỏi bất kỳ khoản tiền bồi thường nào, thay vào đó đề nghị các nước trên ngay lập tức điều chỉnh các mục tiêu khí hậu của họ và hợp tác với các quốc gia khác để giải quyết cuộc khủng hoảng.

Đơn kiện nhằm vào 5 quốc gia trên vì chúng nằm trong số 44 nước đã chấp nhận quyền tài phán của Công ước Quyền Trẻ em để tiếp nhận đơn kiện. Họ cũng là 5 trong số những nước xả thải khí nhà kích lớn nhất thế giới trong lịch sử và hiện nay.

Mỹ, quốc gia từng tạo ra lượng khí nhà kính lớn nhất thế giới, không bị kiện vì không phê chuẩn những điều khoản cho phép trẻ em đệ đơn kiện trong công ước trên. Trung Quốc, quốc gia hiện thải ra lượng khí nhà kính nhiều hơn nước nào khác, cũng không ký vào phần này của công ước.

Thunberg (áo hồng, hàng sau) và nhóm trẻ em tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hành động Khí hậu tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York hôm 23/9. Ảnh: AFP

Đơn kiện được trình lên Liên Hợp Quốc ngay sau khi Thunberg có bài phát biểu chỉ trích mạnh mẽ các lãnh đạo thế giới tại Hội nghị Thượng đỉnh Hành động Khí hậu cùng ngày. Hội nghị diễn ra vào ngày đầu tiên của cuộc họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, nơi hàng chục nhà lãnh đạo công bố các kế hoạch cắt giảm lượng khí thải carbon ở quốc gia của mình.

"Các ngài đã đánh cắp ước mơ và tuổi thơ của chúng cháu bằng những ngôn từ sáo rỗng", cô bé 16 tuổi nói. "Tuy nhiên, cháu là một trong những người may mắn. Mọi người đang chịu đau khổ, mọi người đang chết".

Tại một cuộc họp báo ở bên kia đường đối diện hội nghị, Thunberg và những trẻ em khác tham gia đơn kiện đã bày tỏ sự thất vọng với sự chậm trễ của lãnh đạo thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Carl Smith, một thành viên của bộ tộc Yupiaq ở Alaska, cho biết sự nóng lên toàn cầu đang ảnh hưởng đến hoạt động săn bắn và đánh bắt cá của cộng đồng mình. Cậu bé đổ lỗi cho lòng tham của các nhà lãnh đạo.

"Cháu nghĩ họ hành động chậm chạp vì họ không muốn mất tiền", Smith nói. "Và cháu nghĩ rằng họ nên đến xem biến đổi khí hậu đang tác động thế nào đến những thành phố và ngôi làng nhỏ".


Theo vnexpress