|
|
Nắng nóng gay gắt tại bang New South Wales, Australia. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
35 năm trước, nhà khoa học khí hậu của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) James Hansen đã đứng trước Quốc hội Mỹ và đưa ra một tuyên bố táo bạo: Con người đang gây ra sự gia tăng phát thải khí nhà kính và điều đó đang làm thay đổi khí hậu Trái Đất.
Một số người bày tỏ chế giễu, nhưng trong những thập kỷ sau đó, người ta đã thấy lời cảnh báo này có tính tiên tri như thế nào.
Hôm 2/11, Hansen và các nhà khoa học trên khắp thế giới đã công bố một nghiên cứu với một phát hiện nghiêm túc khác, mặc dù còn gây tranh cãi.
Theo kết quả nghiên cứu mới, biến đổi khí hậu sẽ đẩy nhiệt độ toàn cầu vào vùng khủng hoảng sớm hơn so với dự đoán trước đây, đồng thời cảnh báo Trái Đất đã đạt đến nhiệt độ trung bình cao hơn 1,5 độ C so với tiêu chuẩn tiền công nghiệp.
Dự đoán đáng báo động về việc tốc độ nóng lên của Trái Đất đang gia tăng, đã gây ra một số bất đồng trong cộng đồng các nhà khoa học về khí hậu.
Hansen, hiện là Giám đốc Viện Trái Đất tại Đại học Columbia, cho biết: “Trong vài tháng tới, Trái Đất sẽ đạt mức nhiệt độ trung bình 12 tháng ở mức trên 1,5 độ C.”
Kể từ thời kỳ tiền công nghiệp, Trái Đất đã ấm lên khoảng 1,2 độ C. Nhưng gần đây, nhiệt độ đã tăng vọt hơn thế.
Một số tháng mùa Hè năm 2023 đã ghi nhận nhiệt độ trung bình toàn cầu nóng hơn mức thông thường từ 1,5 đến 1,6 độ C trước thời điểm con người sử dụng rộng rãi nhiên liệu hóa thạch.
|
|
Lòng hồ Poyang tại thành phố Cửu Giang, tỉnh Giang Tây, miền Trung Trung Quốc bị khô hạn do nắng nóng. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Mặc dù ngưỡng 1,5 độ C không phải là điểm bùng phát dẫn đến sự diệt vong của Trái Đất nhưng Liên hợp quốc đã cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng và có khả năng không thể khắc phục được nếu vượt quá mức đó.
Nhiều loại cây trồng chủ lực sẽ không thể phát triển trong điều kiện nóng như vậy. Ngay cả những biện pháp bảo tồn nguồn nước tốt nhất cũng không thể chống lại tình trạng hạn hán.
Các nhà khoa học từ lâu đã không đồng ý về việc nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng chính xác bao nhiêu khi lượng carbon dioxide trong khí quyển tăng thêm.
Một nghiên cứu ban đầu vào năm 1979 ước tính rằng việc tăng gấp đôi lượng carbon dioxide trong không khí sẽ khiến nhiệt độ toàn cầu tăng từ 1,5 đến 4,5 độ C.
Gần đây, Hội đồng Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc tính toán Trái Đất có thể nóng thêm 3 độ C khi lượng CO2 tăng gấp đôi.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới đây, những đánh giá này có thể thấp hơn thực tế. Hansen và các đồng nghiệp của ông đã phân tích dữ liệu khí hậu và sự mất cân bằng năng lượng của Trái Đất để ước tính rằng lượng carbon dioxide tăng gấp đôi có thể dẫn đến Trái Đất nóng hơn 4,8 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Theo mức độ phát thải khí nhà kính hiện nay, họ dự đoán mức chuẩn 1,5 độ C sẽ bị vượt qua trong thập niên 2020 và mức độ nóng lên 2 độ C sẽ bị vượt qua trước năm 2050 - một tốc độ nhanh hơn nhiều so với dự đoán của các nhà khoa học khác.
Trong báo cáo khí hậu mang tính bước ngoặt gần đây nhất, Liên hợp quốc tuyên bố nhiệt độ toàn cầu sẽ đạt mốc 1,5 độ vào đầu những năm 2030.
Hansen và các đồng tác giả cho rằng tốc độ nóng lên nhanh chóng một phần là do việc giảm các hạt ô nhiễm trong khí quyển.Một số hạt ô nhiễm phản chiếu tia nắng Mặt Trời, giúp làm mát Trái Đất. Vì thế, khi các quốc gia làm sạch hệ thống năng lượng, việc cắt giảm ô nhiễm có thể tạo ra hiệu ứng nóng lên.
Kết quả nghiên cứu mới cho thấy việc cắt giảm ô nhiễm từ vận tải biển thậm chí có thể khiến Trái Đất hấp thụ nhiều bức xạ Mặt Trời hơn.
Nhóm nghiên cứu ước tính tốc độ nóng lên toàn cầu là 0,18 độ mỗi thập kỷ từ năm 1970 đến năm 2010, nhưng tốc độ này sẽ tăng lên ít nhất 0,27 độ mỗi thập kỷ trong vài thập kỷ tới.
|
|
Nhà khoa học Khí hậu James Hansen tham gia một cuộc tuần hành về môi trường ngày 29/3/2009 tại Coventry, Anh. (Ảnh: Getty Images) |
Hansen cho biết tại cuộc họp báo: “Giới hạn 2 độ C chỉ có thể được giải quyết với sự trợ giúp thông qua các hành động có chủ đích nhằm tác động đến sự cân bằng năng lượng của Trái Đất. Chúng ta sẽ cần làm mát Trái Đất để bảo vệ bờ biển, các thành phố ven biển và vùng đất thấp trên toàn thế giới, đồng thời giải quyết các vấn đề khác do hiện tượng nóng lên toàn cầu gây ra.”
Hansen và các đồng nghiệp kêu gọi tăng giá hoặc thuế đối với lượng khí thải carbon, trợ cấp cho năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân cũng như hợp tác toàn cầu về các mục tiêu khí hậu.
Họ cũng đề xuất nghiên cứu sâu hơn về quản lý bức xạ Mặt Trời (solar geoengineering), một kỹ thuật mang tính tham vọng có thể làm mát Trái Đất bằng cách bơm các hạt vào khí quyển để phản chiếu ánh sáng Mặt Trời.
Tuy vậy, không phải ai cũng đồng ý với nghiên cứu mới này. Michael Mann, Giáo sư Khoa học Trái Đất tại Đại học Pennsylvania, lập luận rằng hàm lượng nhiệt của đại dương đang tăng lên đều đặn, nhưng - trái ngược với Hansen và các đồng tác giả - không tăng bất thường.
Giáo sư Mann cũng trích dẫn dữ liệu cho thấy dường như không có sự thay đổi đột ngột về ô nhiễm không khí trong vài năm qua.
Các nhà nghiên cứu khác đánh giá việc giảm ô nhiễm từ hoạt động vận tải biển chỉ làm thay đổi nhiệt độ toàn cầu thêm 0,05 hoặc 0,06 độ C./.
Theo vietnamplus