Chị Kim Myung Hee, người thiết kế trang phục biểu diễn cho nhóm SNSD, chia sẻ với sinh viên sáng nay
Sáng nay, 11.10 chương trình What’s the stylist (Stylist là gì), đã diễn ra tại Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng , TP.HCM thu hút hàng trăm bạn trẻ là sinh viên, giảng viên quan tâm.
Nghề có triển vọng lớnTiến sĩ Kim Myung Hee, Giám đốc đại diện cho chuyên ngành stylist tại Trường CĐ Văn hóa công nghiệp Chungkang, cho biết chị đã hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực này. Ngoài tạo mẫu trang phục biểu diễn cho SNSD, Melody Day, Spy, AKMU, chị là chỉ định tạo mẫu cho những diễn viên nổi tiếng như Lee Bo Yeong, So In Sung, Kim Hye Soo….
Chị Kim Myung Hee cho hay, stylist là định hình phong cách cá nhân - thiết kế hình ảnh cho một người nào đó. Ngành nghề stylist ngày càng có triển vọng phát triển trong tương lai khi đối tượng cần tới stylist không chỉ là các ca sĩ, nhóm nhạc, mà còn là đội ngũ diễn viên truyền hình, diễn viên điện ảnh, MC truyền hình, các chính trị gia, thương hiệu độc quyền… Xu hướng hiện nay là những người nổi tiếng họ sẽ cần nhân viên vừa biết trang điểm, vừa biết định hình phong cách thời trang.
Mọi người thích thú khi được xem chiếc váy do chị Kim Myung Hee thiết kế cho nhóm nhạc nổi tiếng K-Pop SNSD
Theo chị Kim Myung Hee, công việc của một stylits quả thật không đơn giản, nó đòi hỏi sự học tập nghiêm túc, sự lao động chăm chỉ, tư duy nhiều chất xám. “Chúng ta nhìn thấy vài phút trên sân khấu rất long lanh của ban nhạc BTS chẳng hạn, nhưng hậu trường của nó là hàng chục vai ly với không biết bao nhiêu quần áo, giày dép, phụ kiện mà ekip stylist đã phải chuẩn bị kỹ càng trong thời gian dài và giúp cho người nghệ sĩ có thể chỉn chu, đẹp nhất, phong cách nhất khi xuất hiện”, chị nói.
Nhà sáng tạo thì không thể rụt rèCùng trao đổi với các bạn trẻ trong chương trình hôm nay còn có nhà thiết kế Sỹ Hoàng, giảng viên Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng, anh nhấn mạnh với các bạn về tầm quan trọng của việc sáng tạo phong cách thời trang, định hình phong cách cá nhân. Nhận thấy một số sinh viên không mạnh dạn giơ tay khi được hỏi, anh Sỹ Hoàng nhắc “Là nhà sáng tạo thì không thể rụt rè. Dù sáng tạo thời trang, nội thất hay bất cứ điều gì, các bạn cũng phải là người tiên phong, tạo ra xu thế, tạo ra những sản phẩm khiến cho người nhìn phải thèm khát, ao ước được sở hữu nó”.
Theo nhà thiết kế Sỹ Hoàng, nói về stylist thì có 2 phía, là nhà sáng tạo và nhà tiêu dùng - những khách hàng của nhà sáng tạo. Cảm nhận của cá nhân anh Sỹ Hoàng, Việt Nam chưa có diện mạo phong cách thời trang riêng, còn những nhà thiết kế thời trang có phong cách riêng thì không thể đếm hết trên đầu ngón tay: “Nếu bây giờ đưa ra nhiều sản phẩm của nhiều nhà thiết kế trước mặt, bảo rằng nhận ra từng cái của ai thì rất khó”. Khi nhà sáng tạo chưa có bản sắc riêng trong sản phẩm của mình, thì người tiêu dùng cũng khó để trở thành người có phong cách thời trang riêng biệt.
Nhà thiết kế, giảng viên ĐH, anh Sỹ Hoàng nói chuyện với sinh viên
Anh Sỹ Hoàng cũng chỉ ra, một điều nguy hiểm là hiện nay có hiện tượng nhiều nhà thiết kế sao chép, ăn cắp bản quyền từ các mẫu thiết kế nhiều chục năm trước hoặc của nước ngoài, sau đó tự nhận là sáng tạo của riêng mình.
“Tôi không phản đối việc tham khảo, nhưng phải dẫn nguồn rằng bạn tham khảo ở đâu, trích dẫn nguồn đầy đủ cho sản phẩm của bạn, chứ không phải nói là hoàn toàn của mình. Người sáng tạo nói chung phải chịu trách nhiệm cho sản phẩm của mình, phải khiêm tốn. Tôi luôn hy vọng các bạn trẻ ở đây sẽ đều là đồng nghiệp của tôi trong tương lai, các bạn sẽ cùng góp phần tạo nên diện mạo thời trang Việt Nam”, nhà thiết kế Sỹ Hoàng trao đổi.
Theo
Thanh Niên