leftcenterrightdel
Đại sứ Hà Huy Thông thăm khách sạn Omni Parker House năm 1989. (Ảnh: NVCC) 

- Kể từ khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1995 đến nay, quan hệ song phương Việt – Mỹ đã có những bước tiến dài. Theo Đại sứ, quan hệ này được xây dựng từ đâu?

- Lịch sử như một dòng suối chảy liên tục. Mỗi giai đoạn lịch là sự tiếp nối của giai đoạn trước đó. Sau khi được tiếp cận những tài liệu đáng tin cậy cho đến nay, Đại sứ Mỹ Robert Hopkins Miller cho biết cuộc tiếp xúc giữa Công sứ Mỹ tại Pháp Thomas Jefferson (sau này là Tổng thống thứ 3 của Mỹ, 1801-1809) với Thái tư Nguyễn Phúc Cảnh ở Pháp tháng 7/1787 là tiếp xúc chính thức đầu tiên giữa Mỹ và Việt Nam.

Theo một số nhà nghiên cứu, lịch sử, nhà báo, nhà văn, bạn bè Mỹ như Stanley Karnow, David Elliot, Kevin Bowen, Lady Borton…, trong 30 năm (1911-1941) ở nước ngoài, Nguyễn Tất Thành đã ở thành phố Boston và New York năm 1912-1913, là một trong số những người Việt đầu tiên ở Mỹ đầu thế kỷ 20, cách đây đúng 110 năm. Người làm thợ làm bánh ở khách sạn Omni Parker House.

Ngày nay, tại phòng truyền thống của khách sạn Ommi Parker House vẫn treo nhiều hình ảnh về Bác thời trẻ, kèm theo dòng chữ: “Năm 1911-1912, nhà lãnh đạo tương lai của Việt Nam đã từng làm việc tại tiệm bánh Parker House” (1911-1912 Future Vietnamese Leader Works Parker House bakeshop).

Người đã nghiên cứu lịch sử và tìm hiểu về cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước của nhân dân Mỹ, đồng thời chứng kiến sự phát triển nhanh cũng như khu người nghèo, da màu, khu ổ chuột.

Theo các sử gia Mỹ Marvin E. Gettleman, Jane Franklin, Marylyn Young, H. Bruce Franklin…, ngày 18/6/1919, nhân dự Hội nghị Versey, Nguyễn Ái Quốc đã gửi thư cho Ngoại trưởng Mỹ làm Trưởng đoàn kêu gọi Mỹ dành quyền tự quyết cho người An Nam….

Ngay trong bản Tuyên ngôn Độc lập thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chủ tịch đã trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ ngày 4/7/1776. Sau đó chỉ hơn một tháng, ngày 17/10/1945 Hội Việt - Mỹ được thành lập, thể hiện mong muốn thúc đẩy quan hệ với Mỹ từ rất sớm. Đầu năm 1946, Hồ Chủ tịch gửi thư kêu gọi Tổng thống Mỹ H.Truman công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Chính Người đã đặt nền móng ban đầu cho quan hệ của Việt - Mỹ.

Ngay cả khi quan hệ hai nước xuống mức thấp nhất trong những năm 1960 của thế kỷ trước, Hồ Chủ tịch vẫn lạc quan, tin tưởng vào tương lai của quan hệ Việt - Mỹ. Điều này đặc biệt thể hiện khi ngày 12/1/1967, vào thời điểm cuộc chiến tranh đang diễn ra ác liệt, Hồ Chủ tịch tiếp hai “sứ giả" Mỹ là H.S. Hasmaurer và W.C. Bach thuộc Trung tâm nghiên cứu các thể chế dân chủ Hoa Kỳ (Center for the Study of American Institutions).

Câu chuyện về chuyến đi này sau đó được hai nhà văn được giải Pulitzer danh giá là Harry S. Ashmore và William C. Baggs tập hợp vào cuốn sách “Sứ mệnh tới Hà Nội” (Mission to Hanoi) ra mắt tháng 9/1968.

Theo hai "sứ giả", trong buổi tiếp, Hồ Chủ tịch đã ca ngợi nhân dân Mỹ thông minh, yêu hoà bình, lao động, nền tự do và dân chủ. Người cũng phê phán chiến tranh, kêu gọi chấm dứt ném bom để cuộc đàm phán hoà bình có thể bắt đầu.

Nhưng đồng thời, Hồ Chủ tịch cũng cho biết đã nói với nhân dân mình phải chuẩn bị đón ngày người Mỹ trở lại giúp tái thiết đất nước. Hồ Chủ tịch thậm chí nói hai "sứ giả" hãy tin Người khi nói sẽ rất hạnh phúc được đón Tổng thống Mỹ đến tòa Phủ Chủ tịch khi hòa bình.

Cuộc gặp đặc biệt này cách đây 56 năm cho thấy tuy trong lúc quan hệ hai nước đang trải qua chương buồn nhất, Hồ Chủ tịch vẫn có tầm nhìn xa, tin tưởng hoà bình sẽ đến và mong muốn đón Tổng thống Mỹ đến thăm.

Việc đón Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 10/9/2023 và nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ cũng chính là thực hiện mong muốn của Hồ Chủ tịch không chỉ từ 1967 như đã nói với hai "sứ giả" Mỹ, mà còn từ khi lập quốc năm 1945-1946.

- Ngày 10/9/2023 Tổng thống Mỹ Joe Biden lần đầu tiên đến thăm Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Việt Nam - Mỹ đã nâng quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Đại sứ cho biết quan hệ sẽ giúp gì cho người dân?

leftcenterrightdel
 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Hoa Kỳ tiến hành hội đàm, tại Trụ sở Trung ương Đảng. (Ảnh VGP/Nhật Bắc)

- Việt Nam (trong Hiến pháp 2013) và Mỹ đều xác định mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân và đang xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của mỗi nước.

Việc hai nước nâng quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện là một mốc lịch sử, đưa quan hệ song phương phát triển thực chất hơn, vì hoà bình, ổn định và phát triển bền vững.

Chính người dân hai nước sẽ tham gia trực tiếp và được thụ hưởng nhiều nhất từ quan hệ này như đã được thể hiện kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (năm 1995) và lập quan hệ Đối tác toàn diện (năm 2013), từ các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh, kinh tế, thương mại, văn hoá, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, văn hoá, xã hội, thể thao, du lịch…

Người dân sẽ tham gia và thụ hưởng trên nhiều mặt, mà trong phạm vi này có thể thấy mấy lĩnh vực.

Trước hết, quan hệ chính trị này đang được kỳ vọng sẽ mang tầm chiến lược, tạo thêm môi trường hoà bình, ổn định, dễ dự đoán, tin cậy và thuận lợi hơn cho quan hệ song phương phát triển phù hợp với mong muốn và lợi ích của nhân dân hai nước.

Thứ hai, quan hệ mới này đang được kỳ vọng sẽ mở ra thêm cơ hội cho phát triển kinh tế-xã hội ở hai nước.

Nếu thương mại hai chiều đã tăng từ chỉ 450 triệu USD (khi lập quan hệ ngoại giao năm 1995) lên gần 40 tỉ USD (khi lập quan hệ Đối tác toàn diện năm 2013) rồi lên khoảng 140 tỉ USD hiện nay, kỳ vọng sẽ phát triển nhanh hơn sắp tới. Trong khi Mỹ đầu tư hơn 10 tỉ USD ở Việt Nam thì lần tiên Việt Nam đã có dự án đầu tư hàng tỉ USD ở Mỹ là điều chưa ai dự đoán được 10 năm trước khi lập quan hệ Đối tác toàn diện.

Thứ ba, quan hệ nhân dân hai nước sẽ phát triển mạnh hơn. Số người du lịch giữa hai nước từ khoảng hàng chục nghìn mỗi năm từ những năm 1990 lên hiện khoảng vài trăm nghìn mỗi năm hiện nay.

Số sinh viên hai nước sang nhau học tăng từ vài trăm mỗi năm từ những năm 1990 lên vài chục nghìn mỗi năm hiện nay, được kỳ vọng sẽ tăng nhiều trong những năm tới.

Nếu cách đây 10 năm khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, không ai dự đoán được đội bóng đá nữ của hai nước sẽ gặp nhau tại Worldcup 2023 thì quan hệ trên các lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục, khoa học công nghệ, y tế, thể thao… được kỳ vọng có nhiều phát triển bất ngờ thú vị nữa.

Thứ tư, quan hệ mới này sẽ còn phát triển nhiều trên lĩnh vực cần hợp tác quốc tế nhiều hơn để đối phó với những thách thức phi truyền thống, xuyên quốc gia như buôn người, ma tuý, an ninh mạng…, đặc biệt là biến đổi khí hậu khi hai nước đang thực hiện Chương trình các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc 2030.

Chính người dân sẽ được hưởng nhiều nhất từ sự phát triển bền vững, môi trường xanh, sạch, giảm nghèo, bệnh tật... và có nhiều hơn cơ hội việc làm.

Mấy ví dụ trên cũng thể hiện chính lợi ích của nhân dân hai nước, là động lực thúc đẩy việc thực hiện quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Mỹ. Và cũng chính nhân dân hai nước sẽ được thụ hưởng trái ngọt của quan hệ này.

leftcenterrightdel
Đại sứ Hà Huy Thông. (Ảnh: VietNamNet) 

- Theo Đại sứ cần làm gì để đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn phát triển thực chất hơn?

- Việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đã đưa quan hệ Việt - Mỹ phát triển thực chất hơn.

Tôi không được biết nội dung cụ thể của Thỏa thuận lần này, nhưng hiểu quan hệ mới này tạo khuôn khổ hợp tác mới vừa có nội hàm theo chiều rộng và theo chiều sâu.

Trước hết, hai bên cần triển khai hiệu quả Thỏa thuận đạt được kỳ này. Quá trình triển khai diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế đang phát triển nhanh, phức tạp và khó dự đoán nên trong quá trình thực hiện hai bên sẽ hợp tác để cập nhật ứng phó linh hoạt.

- Trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Theo thoidai