Nhật Bản chưa ủng hộ nữ giới giữ lại họ sau kết hôn
Cập nhật lúc 18:05, Chủ nhật, 28/02/2021 (GMT+7)
Bộ trưởng Quyền lợi phụ nữ và bình đẳng giới của Nhật, Tamayo Marukawa, là một trong khoảng 50 nghị sĩ Nhật bảo thủ có quan điểm không ủng hộ việc thay đổi một điều luật của Nhật, cho phép phụ nữ Nhật vẫn mang họ của mình sau khi kết hôn.
Bà Tamayo Marukawa
Hiện, Nhật là một trong số ít các nước phát triển trên thế giới có quy định người đã kết hôn không được lấy họ khác với họ của người hôn phối. Quy định này nằm trong bộ luật dân sự Nhật được ban hành từ năm 1896. Theo đó, các cặp vợ chồng có thể dùng chung họ của nhau. Tuy nhiên, trên thực tế 96% phụ nữ Nhật lấy họ của chồng sau khi kết hôn.
Trong những năm gần đây, điều luật nói trên đã chịu nhiều áp lực từ dư luận xã hội. Năm 2015, một nhóm các nhà hoạt động vì quyền lợi của phụ nữ khi bị toà án tối cao Nhật bác bỏ yêu cầu hủy bỏ điều luật nói trên vì cho rằng quy định này không vi phạm hiến pháp Nhật. Những nhà hoạt động nữ nói trên đã đưa ra lý do rằng việc phải lấy họ của chồng sau kết hôn khiến cho phụ nữ bị suy sụp về cảm xúc và gặp nhiều bất tiện.
Marukawa gần đây được bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng Quyền lợi phụ nữ và bình đẳng giới Nhật, thay cho người tiền nhiệm của bà là Seiko Hasimoto, người vừa được bổ nhiệm vào vị trí Trưởng ban tổ chức Thế vận hội Olympic Tokyo 2020. Marukawa cho biết chuyện bà phản đối việc cho phép các cặp vợ chồng sử dụng tên họ khác với tên họ của người hôn phối không ảnh hưởng gì đến cam kết của bà trong đấu tranh cho quyền lợi của nữ giới.
Theo các chính trị gia và các nhà bình luận bảo thủ của Nhật, việc cho phép các cặp vợ chồng sử dụng các họ khác với họ của người hôn phối sẽ có thể làm ảnh hưởng đến văn hóa truyền thống của gia đình nước này. Họ cho rằng, điều luật nói trên phản ảnh quan niệm truyền thống của nước Nhật, theo đó hôn nhân là sự liên kết giữa các gia tộc chứ không phải giữa các cá nhân.
Điều luật này được ban hành vào thời Minh Trị (1868-1912). Vào thời đó, sau kết hôn, người phụ nữ Nhật thường chấp nhận việc rời gia đình mình để trở thành một thành viên chính thức của gia đình chồng.
Cũng như nhiều phụ nữ Nhật khác, Marukawa, đã kết hôn với Taku Otsual – một nghị sĩ thuộc đảng LDP, hiện đang tiếp tục sử dụng họ của mình trong công việc và họ của chồng trong các văn bản chính thức có giá trị pháp lý. “Với vai trò của mình, tôi sẽ tạo ra một môi trường để công chúng có thể bàn sâu hơn về vấn đề này”, Marukawa trả lời một câu hỏi của một nghị sĩ khác thuộc đảng đối lập.
Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga, cũng đã đem đến hy vọng cho những nhà vận động vì quyền lợi của phụ nữ khi ông cho biết vào cuối năm ngoái rằng mình ủng hộ một hệ thống luật cho phép các cặp vợ chồng sử dụng song song họ của cả hai bên. Tuy nhiên, chính phủ của ông cũng chưa cam kết thay đổi điều luật nói trên khi thông qua chính sách thúc đẩy sự bình đẳng về giới vào tháng 12/2020.
Theo một cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 10 năm ngoái, 70,6% người Nhật cho biết không có ý kiến gì nếu các cặp đã kết hôn sử dụng họ khác với họ của người hôn phối và chỉ có 14,4% ủng hộ điều luật hiện hành.
Theo phunuonline