Đức thiếu thợ sửa ống nước, Mỹ thiếu nhân viên bưu điện, Australia thiếu kỹ sư, trong khi Canada đang khan hiếm y tá.
Làn sóng nghỉ việc kể từ khi các nước nới lỏng hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.
Tại Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, trong tháng 8 có 887.000 vị trí việc làm còn trống, nhiều hơn khoảng 108.000 vị trí so với năm ngoái.
Trong khi đó, các thông báo tuyển dụng được dán khắp nơi trước các nhà hàng và cơ sở kinh doanh tại Mỹ, nơi có hơn 11 triệu vị trí việc làm còn trống vào cuối tháng 7, tức là có 2 vị trí việc làm trống cho mỗi người tìm việc.
Nhà kinh tế học Ariane Curtis tại công ty nghiên cứu Capital Economics cho biết số việc làm còn trống trên toàn thế giới hiện ở mức rất cao.
Các kết quả khảo sát cho thấy ở thời điểm này các công ty gặp không ít khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự. Tình trạng này xảy ra nhiều nhất ở các quốc gia Tây Âu và Bắc Mỹ, cũng như Đông Âu, Mỹ Latinh và Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố tháng 7 vừa qua, số vị trí việc làm còn trống cũng như tỷ lệ thất nghiệp ở Australia, Canada và Anh vào cuối năm 2021 đã tăng mạnh so với mức trước đại dịch COVID-19.
Tình trạng thiếu hụt lao động vẫn tiếp diễn ngay cả khi nền kinh tế thế giới bắt đầu tăng trưởng chậm lại kể từ sau cuộc xung đột Nga-Ukraine vào đầu năm nay. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó phải kể đến làn sóng nghỉ hưu sớm, trong khi nhiều người gặp khó khăn với các triệu chứng COVID kéo dài hoặc không hài lòng với điều kiện lao động và mức lương thấp.
Những yếu tố khác bao gồm số người nhập cư giảm mạnh do ảnh hưởng của các biện pháp phong tỏa phòng dịch COVID-19, nhiều người rời thành phố về quê...
Để giữ chân hoặc thu hút người lao động, các công ty đang đưa ra mức lương cao hơn hoặc chế độ đãi ngộ tốt hơn như cho phép lựa chọn làm việc tại nhà và có nhiều ngày nghỉ phép hơn. Một số quốc gia cũng bắt đầu nới lỏng chính sách nhập cư để thu hút nhiều lao động hơn.
Chính phủ Đức ngày 7/9 đã công bố kế hoạch cho phép công dân mang nhiều quốc tịch và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nước ngoài muốn nhập quốc tịch Đức./.
Ttheo TTXVN/Vietnam+