Hàng ngàn nông dân tập trung gần Tòa nhà Chính phủ vào ngày 21/3/2021 để yêu cầu Ngân hàng Nông nghiệp giảm lãi suất - Ảnh: Bangkok Post
Jamras Kongchai, một nông dân ở Kamphaeng Phet (miền Bắc Thái Lan), hiện đang xoay xở để trả khoản nợ 500.000 bạt (khoảng 370 triệu đồng) vì số tiền mà bà có được từ các vụ thu hoạch không đủ để trang trải khoản nợ này. Thêm vào đó, sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã làm cho một công ty xây dựng nhỏ, nơi bà làm việc để kiếm thêm khoản thu nhập khiêm tốn khoảng 10 USD/ngày, đã phải đóng cửa.
“Tôi đang ngập trong nợ nần và chưa biết phải làm gì tiếp theo”, bà mẹ đơn thân 51 tuổi có hai con, cho biết. Cuối tháng 3 vừa qua, bà đã tham gia biểu tình ở Bangkok cùng một nhóm những nông dân trồng lúa đang mắc nợ, yêu cầu chính phủ hỗ trợ giảm bớt gánh nặng nợ nần.
Từ năm 2013, Jamras chỉ trả được một phần tiền lãi của khoản nợ nói trên còn gốc thì không có khả năng hoàn trả. Chỉ riêng trong năm nay, bà phải trả 40.000 bạt tiền lãi, nhưng cũng không có đủ tiền để làm việc này. “Tôi hy vọng nhận được giúp đỡ từ một nguồn nào đó”, Jamras chia sẻ.
Theo giới quan sát, các cuộc biểu tình của những nông dân đang ngập trong nợ nần như Jampras đang tạo thêm áp lực lên chính phủ Thái Lan, vốn đang phải đương đầu với nhiều cuộc biểu tình đòi dân chủ và cố gắng vực dậy nền kinh tế bị tác động mạnh bởi đại dịch COVID-19.
Các hộ gia đình Thái Lan hiện đang là đối tượng mắc nợ ngân hàng nhiều nhất ở châu Á, với một “núi nợ” lên tới 14 ngàn tỷ bạt, tương đương 89,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tính đến cuối tháng 12, tăng mạnh so với mức 78,1% trong năm 2017, và đang ở mức cao nhất kể từ năm 2003. Nợ nần chồng chất cũng có nguy cơ tạo ra sự bất ổn tài chính và hạn chế tiêu dùng ở nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này, làm kéo dài quá trình phục hồi sau cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra. Năm ngoái, nền kinh tế Thái Lan đã tụt dốc sâu nhất trong vòng 20 năm trở lại đây khi xuất khẩu giảm mạnh và du lịch, một trong những lĩnh vực tạo ra nguồn thu chính cho nước này, đã lao đao vì vắng bóng du khách nước ngoài.
Hồi tháng 3/2021, Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BOT) cho biết đợt bùng phát dịch COVID-19 mới đã tạo thêm áp lực cho một số doanh nghiệp và hộ gia đình, khiến cho ngân hàng này phải cắt giảm mức tăng trưởng GDP dự kiến trong năm nay xuống 3% từ mức 3,2%, đồng thời đưa ra nhận định rằng nền kinh tế nước này sẽ khó có thể trở lại mức độ tăng trưởng của thời trước khi xảy ra đại dịch cho đến giữa năm 2022.
“Ngay cả trước khi dịch COVID-19 bùng phát, Thái Lan đã là quốc gia có tỷ lệ nợ trên GDP thuộc hàng cao nhất trong số các thị trường mới nổi và yếu tố này đã tác động mạnh đến đến GDP và chi tiêu hộ gia đình của nước này”, Yunyong Thaicharoen, một nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thương mại Siam cho biết và đưa ra nhận định tỷ lệ nợ trên GDP của Thái Lan có thể chạm “đỉnh” ở mức 90-91% GDP trong quý đầu năm nay.
Chính phủ Thái Lan đã cam kết đưa ra gói cứu trợ 1.000 tỷ bạt để giảm bớt tác động của dịch COVID-19, nhưng một số người cho rằng chương trình này đang được triển khai khá chậm. Tính đến nay, khoảng 4,7 triệu công nhân Thái Lan có nguy cơ bị tác động mạnh bởi sự bùng phát của dịch COVID-19, trong đó 1,2 triệu công nhân có thể bị thất nghiệp hoặc có việc làm không ổn định, theo số liệu của BOT vào tháng 1/2021.
Ngay cả khi nền kinh tế đã hồi phục và thị trường lao động đã được cải thiện thì Thái Lan cũng cần phải mất nhiều thời gian để giải quyết các khoản nợ chồng chất của người dân. “Chúng tôi sẽ có thể kiếm được nhiều hơn nhưng phần lớn số tiền đó sẽ phải được dùng để trả nợ và không còn bao nhiêu để chi tiêu. Chúng tôi sẽ phải tiếp tục vay nợ và không bao giờ thoát ra khỏi cái vòng lẩn quẩn này”, Aree Onkloi, 22 tuổi, một công nhân ở tỉnh Phitsanulok đang nợ gần 1 triệu bạt, than thở.
Theo phunuonline