Thân nhân của những người bệnh chết vì COVID-19 ở Ý nói họ không nghĩ là cuộc khủng hoảng dịch bệnh đã được xử lý đúng đắn - Ảnh: AFP
Theo Hãng tin AFP, hôm nay (10-6), 50 thân nhân của những người chết vì virus corona đã nộp đơn kiện lên văn phòng công tố viên tại thành phố Bergamo ở miền bắc nước Ý, nơi bị ảnh hưởng dịch nặng nhất.
Đây là vụ kiện tập thể đầu tiên liên quan tới dịch bệnh COVID-19 tại Ý, quốc gia đã có hơn 34.000 người chết vì COVID-19.
Bệnh viện quên báo người nhà đã chết
"Chúng tôi không muốn trả thù, chúng tôi muốn công lý", anh Stefano Fusco, 31 tuổi, người lập ra một nhóm trên mạng xã hội Facebook để kết nối với những người cùng chung hoàn cảnh, nói với Hãng tin AFP.
Ông của anh Fusco chết vì COVID-19 trong một nhà dưỡng lão hồi tháng 3.
Các công tố viên ở Bergamo đang tiến hành cuộc điều tra trên quy mô rộng về cuộc khủng hoảng dịch bệnh.
Các gia đình địa phương cáo buộc nhà chức trách đã chậm trễ trong việc thiết lập vùng cảnh báo nguy cơ cao (vùng đỏ) của dịch bệnh, cũng như nhiều năm cắt giảm ngân sách chăm sóc y tế trên toàn vùng Lombardy ở miền bắc nước Ý.
Chị Cristina Longhini, một dược sĩ 39 tuổi đã mất người cha là ông Claudio, 65 tuổi trong đợt dịch vừa qua.
Theo chị Cristina Longhini, dù bệnh nặng nhưng phòng cấp cứu thoạt đầu không cho ông Claudio nhập viện trừ khi ông khó thở. Đến khi ông phải nhập viện ở Bergamo thì phòng chăm sóc tích cực không còn giường nữa.
Chị Cristina Longhini cho biết bệnh viện đã yêu cầu gia đình phải tự tìm giường chăm sóc tích cực ở nơi khác, và dù đã cố hết sức họ cũng không thể tìm được.
"Họ còn quên không gọi chúng tôi để thông báo là ông ấy đã chết", chị chia sẻ với Hãng tin AFP.
"Tôi tới để nhận diện thi thể cha và gần như không thể nhận ra được ông ấy nữa. Miệng ông vẫn mở, hai mắt lồi ra với những vệt máu chảy ra từ mắt", chị Cristina Longhini kể.
"Họ đưa tôi đồ tư trang của ông, chúng được đựng trong chiếc túi rác, trong đó có cả quần áo dính máu", chị nói tiếp.
Trong khi mọi nghĩa trang ở địa phương đều đã quá tải, quan tài của cha chị Longhini được chất lên xe cùng vài chục chiếc khác. Gia đình chỉ biết người nhà được mang đi đâu khi nhận tấm hóa đơn cho việc hỏa táng ông ở một nơi cách nhà khoảng 200km.
Chị Longhini nói chị nộp đơn kiện vì "chúng tôi không nghĩ cuộc khủng hoảng đã được xử lý đúng đắn, không ai chịu trách nhiệm, cũng không ai xin lỗi".
Các nhân viên thuộc cơ quan chức năng Ý chuyển quan tài một người chết vì COVID-19 lên xe chở đi ở Bergamo, Ý ngày 31-3-2020 - Ảnh: BLOOMBERG NEWS
"Chúng tôi thấy mình bị bỏ rơi"
Trong khi ở những nước khác các đơn kiện sẽ nêu rõ nguyên đơn là những thực thể cụ thể, ví như các công dân khởi kiện chính phủ, tuy nhiên các đơn kiện ở Ý này lại kiện "những người không biết".
"Chúng tôi đang nộp đơn để xem luật pháp có bị vi phạm hay không và sau đó sẽ đánh giá các bước tiếp theo", anh Fusco nói. Anh cho biết hiện có 150 đơn kiện khác đang được chuẩn bị.
Trang Fanpage có tiêu đề "Sự thật và công lý cho các nạn nhân COVID-19" (Truth and Justice for COVID-19 victims) hiện có hơn 55.000 thành viên.
Anh Diego Federici, 35 tuổi, đã mất cả cha lẫn mẹ vì virus corona chỉ trong 4 ngày.
"Chúng tôi không muốn bồi thường. Không tiền nào có thể làm cha mẹ tôi sống lại. Chúng tôi muốn làm sao để những người có trách nhiệm phải trả giá và để chuyện này không bao giờ còn tái diễn nữa", anh nói.
Laura Cappella, 57 tuổi, nghẹn ngào khi kể lại tình cảnh cha bà chết trong cô độc sau khi các bác sĩ quá tải thậm chí còn không thể chụp CT cho ông.
"Tôi đã không được nói lời vĩnh biệt - bà nói - Chúng tôi bị bỏ rơi, và giờ vẫn còn cảm thấy bị bỏ rơi".
Truyền thông Ý cho biết trong ngày 10-6, các công tố viên sẽ chất vấn Thủ tướng Ý Giuseppe Conte và 2 bộ trưởng của ông là Bộ trưởng Y tế Roberto Speranza và Bộ trưởng Nội vụ Luciana Lamorgese về cách thức chính phủ đã xử lý dịch bệnh COVID-19.
Theo Hãng tin AFP, các nguồn tin cho biết thủ tướng và 2 bộ trưởng Ý sẽ được yêu cầu giải trình về việc chính quyền đã không gắn nhãn các khu vực điểm nóng của dịch bệnh (vùng đỏ) khiến cho virus lây lan rộng.
Theo tuoitre