Baz (26 tuổi) trở thành người vô gia cư vào đầu năm nay. Cha của anh đã qua đời vào năm ngoái sau khi bị nhiễm Covid-19.
Những tháng sau đó, mối quan hệ của Baz với mẹ anh trở nên tồi tệ. Và cuối cùng, anh buộc phải rời khỏi nhà.
Ban đầu, Baz thuê phòng khách sạn và ngủ nhờ nhà bạn. Nhưng anh nhanh chóng mất việc, ví tiền cũng cạn dần. Rồi đến một ngày, Baz thức cả đêm, đi lang thang và chợp mắt trên những chiếc ghế dài.
Lều của người vô gia cư ở Anh. Ảnh: Alex Sturrock.
Những người trẻ bỏ nhà đi bụi
Trong những năm qua, số lượng người vô gia cư trên toàn nước Anh có xu hướng giảm. Tuy nhiên, tỷ lệ người trẻ từ 18 đến 25 tuổi sống lang thang trên đường phố lại đang gia tăng.
Đường dây trợ giúp do tổ chức từ thiện dành cho thanh niên vô gia cư Centrepoint điều hành nhận được rất nhiều cuộc gọi trong mùa dịch.
Paul Brocklehurst, người quản lý đường dây trợ giúp, cho biết: "Tình trạng vô gia cư của thanh niên vẫn là một vấn đề nan giải trên toàn quốc. Chúng tôi nhận được lời cầu cứu từ mọi miền đất nước, không chỉ là các thành phố, mà còn ở những vùng nông thôn, thị trấn nhỏ".
Điều đáng nói, gần 60% người trẻ tuổi gọi đến đường dây trợ giúp của Centrepoint trong năm ngoái cho biết họ trở thành người vô gia cư vì mối quan hệ gia đình đổ vỡ.
Brocklehurst nói rằng những lời cầu cứu này cho thấy đại dịch và cuộc sống phong tỏa đã tạo nên "môi trường nồi áp suất" trong từng gia đình. Những căng thẳng, tranh chấp, bất đồng quan điểm với các bậc phụ huynh đang đẩy nhiều người trẻ ra đường.
Số lượng người vô gia cư trẻ tuổi ở Anh tăng cao trong mùa dịch. Ảnh: The Guardian.
Thiếu việc làm, nhà ở
Những người lao động trẻ tuổi cũng bị ảnh hưởng nặng nề khi đại dịch tấn công thị trường việc làm. Khoảng 2/3 số người mất việc làm thuộc nhóm tuổi 16-24, dữ liệu thống kê hồi tháng 3 cho thấy.
Lauren Page-Hammick, người quản lý thanh thiếu niên vô gia cư tại Homeless Link, nói: "Những người trẻ phải gánh chịu hậu quả. Họ nhiều khả năng phải làm những công việc được trả lương thấp hơn, kém an toàn hơn và nhà ở không đảm bảo. Trong khi đó, các giới hạn về độ tuổi thường hạn chế những phúc lợi mà họ có thể yêu cầu, nghĩa là họ không có nhiều sự lựa chọn khi tìm kiếm nơi ở".
Polly Neate, giám đốc điều hành của Shelter, cho biết: "Trong năm ngoái, nhiều người trẻ có nguy cơ vô gia cư cao hơn đã tìm đến các dịch vụ giúp đỡ của chúng tôi. Thật khủng khiếp khi chứng kiến ##những thiệt hại do gia đình tan vỡ, lạm dụng gia đình, mất việc làm và trục xuất bất hợp pháp trong đại dịch".
Theo bà Neate, để giải quyết tình trạng người trẻ vô gia cư, cách duy nhất là tạo ra những ngôi nhà xã hội có giá cả thực sự phải chăng.
Nhiều người trẻ bị thất nghiệp, không mua nổi nhà bị đẩy vào cảnh vô gia cư. Ảnh: Alex Sturrock.
Tháng 5, Andy Burnham, thị trưởng của Greater Manchester, đã đưa ra một chiến lược nhằm ngăn chặn, giải quyết tận gốc rễ tình trạng vô gia cư, bao gồm việc xây dựng 30.000 căn nhà mới.
Paul Dennett, người đứng đầu cơ quan quản lý nhà ở và tình trạng vô gia cư ở Greater Manchester, cho biết vào thời điểm đó: "Vô gia cư là hệ quả của một hệ thống không thành công. Để ngăn chặn tình trạng này, chúng ta phải tập trung giải quyết những vấn đề người vô gia cư đang đối mặt: giá nhà ở, lương cho người nghèo, tình trạng mất việc làm cũng như cải cách phúc lợi".
Baz chuyển đến chỗ trú ẩn được cung cấp bởi Stepping Stone Projects, một tổ chức từ thiện ở Greater Manchester hỗ trợ những người dễ bị tổn thương, vào tháng 6.
Thời gian gần đây, anh có vẻ đã lạc quan, bình tĩnh trở lại khi bắt đầu tìm kiếm một công việc mới và nhà ở lâu dài. Anh cũng hy vọng xây dựng lại mối quan hệ với mẹ của mình.
Baz nhận ra mình may mắn hơn một số người. Anh nhắc về một cô gái trẻ mà mình từng gặp khi ngủ trong công viên. "Tôi vẫn đi qua công viên và thường xuyên nhìn thấy cô ấy ở đó. Thật khắc nghiệt và khó khăn. Mọi người ngoài kia rất cần giúp đỡ".
Baz đi ngang qua cô gái nhiều lần, song không dám hỏi chuyện vì biết mình không thể giúp gì được. Nhưng suy nghĩ về những gì cô ấy đang phải trải qua cứ thế đè nặng tâm trí anh.
Theo Zing