Hơn 253.000 người vô gia cư đang sống trong những khu nhà không an toàn hoặc ký túc xá chỗ ở tạm thời tại Anh, theo thống kê mới từ tổ chức từ thiện về nhà ở Shelter. Trung bình, cứ 200 cư dân sẽ có 1 người vô gia cư.
Đây là con số cao nhất trong 14 năm trở lại đây, mặc dù chưa tính cả những người ngủ lang ngoài đường. Điều đó có nghĩa rằng tổng số người vô gia cư ở Anh còn cao hơn rất nhiều.
|
Cứ 200 cư dân Anh có 1 người không nhà, không cửa, ngủ lang ngoài đường. Ảnh:AFP. |
Theo thống kê, hơn 2/3 số người vô gia cư sống tạm bợ ngay ở thủ đô London - một trong những thành phố giàu có nhất thế giới.
Trong đó, Newham, một quận ở phía đông London và Harringway, một quận ở phía bắc London, tập trung số người không nhà, không cửa cao nhất thành phố.
Xếp thứ ba là khu hoàng gia Kensington và Chelsea - quận tự quản giàu có nhất ở London, nơi có mức thu nhập trung bình cao nhất thủ đô với 64.800 bảng Anh/người (hơn 87.700 USD). Khoảng 5.500 người vô gia cư sống ở khu vực này, tức 30 cư dân sẽ có 1 người vô gia cư.
“Những con số thống kê này là một lời nhắc nhở gây sốc về thực trạng nhiều người dân London, trong đó có cả trẻ em, phải đối mặt với sự bấp bênh khi phải sống tại những chỗ trú tạm thời”, Tom Copley, Phó thị trưởng London về Phát triển Nhà ở và Khu dân cư, cho biết.
Ông nói thêm: “Đại dịch Covid-19 đã bộc lộ và mở rộng sự bất bình đẳng vốn tồn tại từ lâu tại thành phố. Các quận cũng chịu áp lực lớn hơn bao giờ hết đối với những cư dân bỗng trở thành không nhà, không cửa.
|
Covid-19 làm trầm trọng hơn khoảng cách giàu nghèo ở Vương quốc Anh. Ảnh:Spencer Platt. |
“Các bộ trưởng nên coi những số liệu thống kê này như một lời cảnh tỉnh vốn đã quá hạn từ lâu để thực hiện những thay đổi mang tính hệ thống. Từ đó, họ có thể ngăn chặn dòng người vô gia cư, đồng thời tạo điều kiện cho những người mắc kẹt trong chỗ ở tạm thời chuyển đến nhà định cư”.
Thực tế, các số liệu thống kê trên đã cung cấp cái nhìn sâu sắc về cách đại dịch Covid-19 làm gia tăng số người vô gia cư. Ngoài ra, nó thể hiện sự thất bại của chính phủ trong việc đưa ra các biện pháp bảo vệ đối tượng dễ bị tổn thương trong thời điểm này.
Hồi tháng 3, trong 2 tuần đầu tiên của đại dịch, khoảng 950.000 cư dân Anh đã đăng ký quyền lợi Tín dụng Phổ thông, khiến nhiều người khác rơi vào tình thế không an toàn về tài chính.
Các tổ chức từ thiện và các nghị sĩ đảng Lao động Anh cảnh báo rằng việc hỗ trợ tài chính không đầy đủ cho những người thuê nhà, tiếp tục đóng băng Trợ cấp Nhà ở Địa phương (LHA) và thất bại trong việc cấm trục xuất có thể dẫn đến một “cuộc khủng hoảng vô gia cư tự phát”.
“Hơn 250.000 người - một nửa trong số đó là trẻ em - vô gia cư và mắc kẹt trong những chỗ ở tạm thời. Chúng ta nên cảm thấy xấu hổ vì điều này. Việc loại virus corona chết người này bùng phát đã dạy cho chúng ta giá trị của một ngôi nhà an toàn là như thế nào”, Polly Neate, giám đốc điều hành của tổ chức Shelter, khẳng định.
|
Số liệu chưa thống kê những người vô gia cư sống ngoài đường phố. Ảnh:Independent UK. |
Các tổ chức từ thiện đang kêu gọi tăng cường hỗ trợ của chính phủ để tránh làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng vô gia cư ở Vương quốc Anh.
“Covid-19 và cách chúng ta đối phó với nó đã làm trầm trọng sự bất bình đẳng trong xã hội bằng cách cắt giảm thu nhập, tăng rủi ro đối với một số nhóm lao động, mà vốn không phải lỗi của họ”. Paul Noblet, người đứng đầu tổ chức từ thiện dành cho thanh thiếu niên vô gia cư Centrepoint, cho biết.
Anh nói thêm: “Trong bối cảnh tỷ lệ thanh niên thất nghiệp tới 15% và thiếu nhà ở giá rẻ, điều quan trọng nhất là chính phủ phải duy trì mức tăng Tín dụng Phổ thông thêm 20 bảng Anh/tuần và tiếp tục tạo thêm nhiều quyền lợi cho mọi người để trang trải sinh hoạt phí”.
“Nếu chính phủ rút hỗ trợ tài chính bổ sung thì họ sẽ chứng kiến sự tăng mạnh của các con số thống kê người vô gia cư cùng những hậu quả tàn khốc”, Noblet kết luận.
Theo Zing