Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay.
Về phía Philippines, Ngoại trưởng Perfecto Yasay cho biết, nước này hoan nghênh phán quyết của PCA khi tuyên bố rằng Trung Quốc không có "các quyền lịch sử" ở Biển Hoa Nam (Biển Đông). Ông Yasay cũng hối thúc các bên "kiềm chế" sau phán quyết của PCA. Philippines tái khẳng định sự tôn trọng phán quyết mang tính cột mốc này như là một đóng góp quan trọng trong nỗ lực giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. Philippines nhắc lại cam kết nỗ lực theo đuổi giải pháp hòa bình và xử lý tranh chấp với tầm nhìn muốn thúc đẩy và củng cố hòa bình và ổn định trong khu vực. Còn ông Carlos Isagani Zarate, nghị sĩ đảng Bayan Muna cho rằng phán quyết của PCA sẽ tăng cường và củng cố vị thế của Philippines ở các cuộc đối thoại song phương trong tương lai với Trung Quốc, đặc biệt khi mà giờ đây yêu sách đường 9 đoạn đã bị tuyên bố là không có cơ sở pháp lý, lịch sử và đạo đức. Chiến thắng này mang đến cho nước này một lợi thế to lớn trên bàn đàm phán.

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida.

Ngay sau khi PCA tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong "đường lưỡi bò", Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida tuyên bố Nhật Bản ủng hộ mạnh mẽ tầm quan trọng của luật pháp quốc tế và việc sử dụng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hay cưỡng chế trong việc tìm kiếm giải quyết tranh chấp hàng hải. Phía Nhật Bản khẳng định kết quả của phiên tòa là phán quyết cuối cùng, có tính ràng buộc về luật pháp và các bên trong vụ kiện phải tuân thủ phán quyết này. Tokyo cũng cho biết quân đội nước này sẽ giám sát chặt chẽ hành động của Trung Quốc sau phán quyết. “Chúng tôi yêu cầu các bên phản ứng theo cách không gây căng thẳng. Chúng tôi sẽ theo dõi sát tình hình” - Bộ trưởng quốc phòng Gen Nakatani nói. Ông Gen nhấn mạnh, phán quyết của PCA sẽ mở ra một thời đại mới, những vấn đề quốc tế được giải quyết bằng luật pháp quốc tế.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk kêu gọi Trung Quốc tôn trọng hệ thống quốc tế trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang vướng vào những tranh chấp về chủ quyền biển đảo cũng như các hoạt động thương mại toàn cầu. Phát biểu tại Bắc Kinh nhân hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc lần thứ 18 tổ chức tại đây, ông Tusk kêu gọi Trung Quốc bảo vệ "trật tự quốc tế dựa trên quy định", cho rằng nhiệm vụ này "có lẽ là thách thức lớn nhất" đối với các nước.

Chiều 12/7, phán quyết của PCA khẳng định yêu sách của Trung Quốc về "các quyền lịch sử" đối với các vùng biển nằm trong "đường 9 đoạn" là trái với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS); Trung Quốc không có "tư cách lịch sử" đối với các vùng biển ở Biển Đông và không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về "các quyền lịch sử" đối với những nguồn tài nguyên trong "đường 9 đoạn". Theo PCA, không một đảo nào thuộc quần đảo Trường Sa tạo cho Trung Quốc quyền có vùng đặc quyền kinh tế. Trung Quốc không có quyền hạn đối với vùng đặc quyền kinh tế trong phạm vi 200 hải lý của bãi Mischief (Vành Khăn) hay bãi Thomas (Cỏ Mây). PCA cũng khẳng định thực thể Itu Aba (Ba Bình) thuộc quần đảo Trường Sa là "bãi đá", nên không có vùng đặc quyền kinh tế. PCA cho rằng Bắc Kinh đã làm tổn hại lâu dài và không thể bù đắp được hệ sinh thái san hô ở quần đảo Trường Sa. Phán quyết của PCA cũng nhấn mạnh Trung Quốc đã can thiệp vào các quyền đánh bắt truyền thống của Philippines tại bãi Scarborough (Hoàng Nham) trên Biển Đông. Theo PCA, những hành động của Trung Quốc đang làm trầm trọng thêm những tranh chấp với Philippines trong lúc đang các bên nỗ lực để giải quyết vấn đề.

    Ngự Bình (tổng hợp)