Huang (61 tuổi), đến từ tỉnh Giang Tây, vẫn đang đau đầu với vụ lừa đảo khiến bà cảm thấy kiệt quệ về tinh thần lẫn tài chính.
Mọi chuyện bắt đầu từ khi một người đàn ông trên ứng dụng Douyin có vẻ ngoài điển trai, giống diễn viên nổi tiếng kết nối với bà.
Chàng trai có vẻ ngoài trẻ trung, sáng sủa quay hàng loạt video ngắn, bày tỏ tình yêu của mình và gửi đến bà.
“Anh hiểu em đang phải chịu rất nhiều áp lực. Anh ở đây, sẵn sàng lắng nghe tất cả”, người thanh niên nói.
Qua các video mạo danh người nổi tiếng, kẻ lừa đảo dụ dỗ người già rằng họ được yêu thương, quan tâm.
"Trai đẹp" lừa chuyển tiền
Trong một video, chàng trai hát bài nhạc tình yêu với nhiều cử chỉ lãng mạn. Ở video khác, anh ta nhắn nhủ bà Huang nhấn “thích” và theo dõi mình trên ứng dụng.
Dù chưa từng gặp chàng trai này ở ngoài bao giờ, bà Huang thừa nhận không thể kiềm chế được tình cảm của mình. Trong nhiều tháng, bà nói chuyện qua tin nhắn, chuyển tiền vào tài khoản theo lời người này nhờ cậy.
Người phụ nữ thậm chí còn sẵn sàng ly hôn với chồng già để đi tìm kiếm, gặp mặt và kết hôn với chàng trai quen biết trên mạng.
Cuối cùng, toàn bộ sự việc là một trò lừa đảo. Tài khoản giả mạo, các đoạn video sử dụng hình ảnh nam diễn viên là do những kẻ dối trá cắt ghép. Những lời thổ lộ tình cảm, thừa nhận tình yêu cũng không hề có thật.
Vì trách nhiệm chính của nhiều người già nông thôn là ở nhà và chăm sóc gia đình, phần lớn thời gian rảnh rỗi họ dành để xem các video ngắn trên mạng.
Trong khi bà Huang không hề ý thức được chuyện mình bị lừa, những video lừa đảo vẫn tiếp tục xuất hiện vì thuật toán của ứng dụng dựa vào các clip tương tác trước đó.
Sau khi mánh khóe lừa tiền bị truyền thông Trung Quốc phanh phui, Huang vẫn không tin rằng mình bị lừa. Điều tra sâu hơn, hàng trăm phụ nữ trung niên và cao tuổi bị phát hiện là nạn nhân của các vụ lừa đảo tương tự.
Một nghiên cứu được thực hiện bởi cổng thông tin Trung Quốc NetEase cho thấy trong số những người dùng bình luận bên dưới các video giả mạo người nổi tiếng trên nền tảng Douyin, 30,5% là phụ nữ trong độ tuổi 40-50, 15% là phụ nữ trên 50 tuổi.
Thiếu thốn tình cảm
Trong phần bình luận, những người phụ nữ, số đông đến từ nông thôn, thổ lộ rằng họ cảm thấy được lắng nghe và thấu hiểu khi xem những clip đó.
"Bài hát của bạn chạm đến tận đáy lòng của tôi. Cả cuộc đời, tất cả những gì tôi phải làm là phục vụ chồng con và sau này là cháu chắt”, một phụ nữ lớn tuổi viết.
“Đối với phụ nữ ở nông thôn Trung Quốc, hôn nhân là nghĩa vụ. Họ không có nhiều lựa chọn về việc lấy ai và nuôi dạy con cái với mong muốn khi về già sẽ được chăm sóc”, Bei Wu, giáo sư về điều dưỡng tại Cao đẳng Rory Meyers thuộc Đại học New York (Mỹ), đánh giá.
Lợi dụng khoảng trống tinh thần trong lòng nhiều người già, những kẻ lừa đảo dễ dàng tung các mánh khóe lừa gạt.
“Nhưng với tư cách người bình thường, ai cũng có nhu cầu kết nối với xã hội. Đối với những phụ nữ đó, hôn nhân vốn không có nhiều tình yêu và để lại một khoảng trống lớn trong tinh thần”, cô nói thêm.
Sự thiếu thốn tình cảm trong thời gian dài khiến phụ nữ nông thôn trở thành nạn nhân thầm lặng của các vấn đề sức khỏe tâm thần. Theo Báo cáo năm 2018 về phát triển sức khỏe tâm thần quốc gia ở Trung Quốc, phụ nữ bị bỏ lại ở các vùng nông thôn dễ bị trầm cảm và lo lắng hơn so với nam giới.
Song song với đó, sự phát triển bùng nổ của truyền thông xã hội, đặc biệt là các ứng dụng chia sẻ video ngắn như Douyin và Kuaishou, đã khai thác nhu cầu kết nối tình cảm chưa được đáp ứng của phụ nữ ở nông thôn Trung Quốc.
Trách nhiệm chính của nhiều người là ở nhà và chăm sóc gia đình, nên phần lớn thời gian rảnh rỗi họ dành để xem các video ngắn trên điện thoại.
Không yêu cầu người dùng đọc, viết nhiều. Hoạt động dựa trên thuật toán, người lớn tuổi không cần tìm kiếm phức tạp, các nội dung tương tự cứ thế xuất hiện.
Đó là những lý do khiến thể loại video ngắn đang ngày càng phổ biến với lứa tuổi trung niên trở lên ở đất nước tỷ dân.
Người trẻ lũ lượt ra thành phố, người già ở nông thôn đối diện với cuộc sống cô đơn, thiếu tình cảm.
Không tin mình bị lừa
Tuy nhiên, việc thiếu hiểu biết về công nghệ, cộng với sự khao khát kết nối tình cảm đã biến phụ nữ lớn tuổi, có trình độ học vấn và thu nhập đều ở mức thấp trở thành mục tiêu dễ dàng của các trò lừa đảo trực tuyến.
Nhiều người trong số đó không thể xác định được thông tin sai lệch trên mạng xã hội. Trong khi đó, sự can thiệp của gia đình đôi khi lại gây ra cảm xúc tiêu cực.
Trong trường hợp của bà Huang, khi người nhà cố gắng thuyết phục bà không chuyển tiền vào tài khoản người lạ, những cuộc cãi vã kịch liệt xảy ra vì bà không tin mình bị lừa.
Bằng cách giả vờ có tình cảm, nói lời ngọt nhạt với những người đã góa chồng hoặc ly hôn, kẻ lừa đảo có thể dùng một loạt mánh khóe để khiến nạn nhân rơi vào bẫy.
Một lớp học dạy cách sử dụng Internet dành cho người già tại Côn Minh (Trung Quốc).
Vấn nạn này khiến các nền tảng mạng xã hội tại Trung Quốc phải thực hiện các biện pháp chống giả mạo, gian lận, lợi dụng lòng tin của người già để lừa tình và tiền.
Sau khi vụ việc của bà Huang bị phanh phui, Douyin thông báo rằng họ đã gỡ xuống hơn 5.000 tài khoản mạo danh người nổi tiếng. Tuy nhiên, con số này vẫn còn quá ít ỏi.
Tại nhiều thành phố trên khắp Trung Quốc, các cộng đồng, trung tâm chăm sóc cho người cao tuổi đã bắt đầu cung cấp chương trình đào tạo nâng cao khả năng sử dụng công nghệ.
Với sự giúp đỡ của sinh viên tình nguyện, người già phần nào nắm được các thao tác cơ bản. Nhưng người dân nông thôn ít có khả năng tiếp cận các chương trình đó hơn.
Khi lớp người trẻ tuổi di chuyển không ngừng đến các thành phố lớn, hội người cao tuổi ở vùng nông thôn không có ai để hướng dẫn khi tiếp cận thế giới kỹ thuật số phức tạp.
“Họ là những người cô đơn, nhiều người không có con cháu ở bên. Vì vậy, chúng ta cần khôi phục lại sự hỗ trợ của cộng đồng, nhất là với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng”, giáo sư Wu cho hay.
Theo Zing