Năm 17 tuổi, Sam Elliott lần đầu dấn thân vào con đường cờ bạc khi đặt cược cho cầu thủ Gareth Bale. Suốt thời gian đại học, anh chi hàng trăm bảng Anh vào các trận cá cược thể thao trực tuyến.

"Khi ấy, cờ bạc là nguồn thu nhập duy nhất tôi có. Nếu thua, tôi buộc phải chơi tiếp để kiếm lại nhiều hơn", Sam nói với VICE.

gioi tre anh nghien co bac anh 1

Nhiều người trẻ tại Vương quốc Anh gặp các vấn đề liên quan tới cờ bạc. Ảnh:Medium.

Sam Elliott không phải người trẻ duy nhất ở Vương quốc Anh chật vật với chứng nghiện cờ bạc.

Nghiên cứu năm 2019 từ tổ chức Young Gamers & Gamblers Education Trust (YGAM) chỉ ra khoảng 264.000 sinh viên xứ sương mù tham gia các hoạt động cá cược, bài bạc.

Đáng nói, thanh niên 16-24 tuổi là nhóm đối tượng chiếm đa số, dù nhiều người chưa đủ trưởng thành để đánh bạc hợp pháp.

Đánh bạc vì thiếu tiền, áp lực

Thực tế, VICE cho biết đa số người tham gia khảo sát do trang tin này thực hiện đều cho rằng áp lực tinh thần và khó khăn tài chính là lý do khiến họ sa vào cờ bạc, cá cược.

Trả lời VICE, Lewis (25 tuổi) từng nghiện các trò đỏ đen khi còn đi học. Năm 16 tuổi, anh thắng được 64.000 bảng Anh nhờ đặt cược bằng tài khoản ngân hàng của cha.

Anh nói rằng cảm giác chiến thắng sau một trận cược khiến anh càng thêm chìm đắm, dẫn tới hậu quả khôn lường sau này.

Khi lên đại học, do nhớ nhà và chịu áp lực tâm lý lớn, Sam tiếp tục lao vào cờ bạc, thua 500-800 bảng Anh chỉ trong vài ngày. Anh phải dốc sạch số tiền thắng cược trước kia và khoản vay sinh viên vào trả nợ.

"Tôi không hợp với ngành học này. Tôi nhớ mình từng bật khóc giữa hội trường và cảm thấy mất phương hướng. Và rồi tôi tìm đến cờ bạc", Sam thú nhận.

gioi tre anh nghien co bac anh 2

Thanh thiếu niên tìm đến cờ bạc vì áp lực và thiếu chi phí trang trải việc học, theoVICE.

Sam bỏ học sau 3 tháng nhập trường. Dù vậy, chứng nghiện cờ bạc của anh vẫn tiếp diễn nhiều năm sau đó. Anh buộc phải chạy vạy khắp nơi, đăng ký 10 khoản vay ngắn hạn trong một tuần để trả nợ.

Tháng 4 năm ngoái, Lewis quyết định chấm dứt tình trạng này sau 9 năm sa đọa.

Bên cạnh áp lực tinh thần, tiền bạc là nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều người trẻ chìm dần vào thói cờ bạc.

Nghiên cứu năm 2019 do tổ chức Save The Student thực hiện cho thấy mức sinh hoạt hàng tháng của một sinh viên tại Vương quốc Anh là 795 bảng, trong khi chỉ được hỗ trợ 572 bảng/tháng từ hình thức vay nợ sinh viên.

Một khảo sát khác cho thấy tình trạng túng quẫn, thiếu tiền cũng đẩy 48% người trẻ xứ sương mù vào cảnh bỏ học hay bảo lưu kết quả.

Khảo sát do Liên minh Sinh viên Quốc gia thực hiện năm 2019 nhận định 30% sinh viên tìm đến cờ bạc để giải quyết vấn đề chi phí sinh hoạt. Tình trạng này càng thêm tồi tệ khi Covid-19 bùng phát.

"Học phí, sinh hoạt phí ngất ngưởng và khoản vay sinh viên ít khỏi khiến nhiều bạn trẻ phải gắng gượng sống qua ngày", Katie Tarrant, chuyên gia tại YGAM, nói.

Nhà trường thờ ơ

Bất chấp số lượng sinh viên nghiện cờ bạc ngày một gia tăng, phần lớn trường đại học tại xứ sương mù không có biện pháp tư vấn, hỗ trợ.

gioi tre anh nghien co bac anh 3

Thiếu sự hỗ trợ và tư vấn từ phía nhà trường, hàng nghìn sinh viên tại Vương quốc Anh

tiếp tục chật vật với chứng nghiện cờ bạc. Ảnh:Pinterest.

"Thanh thiếu niên được dạy về tác hại của rượu bia, ma túy và quan hệ tình dục không an toàn ở trường học. Tôi muốn các cơ sở giáo dục dành sự quan tâm tương tự với nạn cờ bạc", Lee Willows, Giám đốc điều hành YGAM, nói.

Thực tế, tại Anh, các quảng cáo về cá cược, cờ bạc xuất hiện khắp nơi: từ truyền hình, quần áo tài trợ, xổ số... Sự bình thường hóa này khiến tác hại do cờ bạc gây ra bị dư luận coi nhẹ.

Theo VICE, nếu tình trạng này tiếp diễn và không có giải pháp can thiệp từ chính phủ và nhà trường, hàng nghìn sinh viên tại Vương quốc Anh sẽ tiếp tục chật vật với chứng nghiện cờ bạc.

Đáng nói, tác động từ việc đắm chìm trong những trò đỏ đen không chỉ dừng lại sau khi thanh thiếu niên tốt nghiệp đại học. Khảo sát từ tổ chức GambleAware cho thấy người chơi cờ bạc có nguy cơ tự tử cao gấp 15 lần so với dân số nói chung.

Sau này, họ cũng gặp nhiều khó khăn trên chặng đường khắc phục hậu quả. Nhiều thanh niên nói rằng họ vướng vào món nợ khổng lồ; bị gia đình, bạn bè từ mặt và chịu tổn thất lớn về sức khỏe thể chất, tinh thần.