Theo ước tính của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), thế giới có hơn 370 triệu phụ nữ và trẻ em gái đang sống đã bị cưỡng hiếp hoặc tấn công tình dục trước khi họ 18 tuổi. Hậu quả của những người sống sót sau khi bị bạo lực tình dục là những chấn thương phải mang theo cho đến tuổi trưởng thành hoặc thậm chí cả đời. Theo UNICEF, nếu tính luôn hình thức bạo lực tình dục bằng trò đùa hoặc bình luận khiếm nhã, tiếp xúc với nội dung khiêu dâm… thì tỉ lệ này tăng lên đến 1/5 tổng số phụ nữ hiện đang sống.
|
Châu Phi cận Sahara có đến 79 triệu phụ nữ và trẻ em gái (22%) bị ảnh hưởng bởi bạo lực tình dục - Ảnh: Frank Dejongh (UNICEF) |
Không chỉ trẻ em gái và phụ nữ, cứ 11 trẻ em trai cũng có khoảng 1 bé trai bị cưỡng hiếp hoặc xâm hại tình dục trong thời thơ ấu. Giám đốc điều hành của UNICEF - bà Catherine Russell - cho biết: “Bạo lực tình dục đối với trẻ em là vết nhơ trên lương tâm, đạo đức của chúng ta. Nó gây ra chấn thương sâu sắc và lâu dài, thường là bởi một người mà trẻ em biết và tin tưởng, ở những nơi mà thường chúng nên cảm thấy an toàn”.
Trong báo cáo tổng hợp từ các cuộc khảo sát từ năm 2010-2022 tại 120 quốc gia và khu vực trên thế giới, UNICEF đã đưa ra những câu chuyện về các trường hợp cá nhân như em Analyn - 12 tuổi - người đã được giải cứu khỏi nhà của mình ở Philippines và được đưa đến một nơi trú ẩn của chính phủ. Ở tuổi lên 10, cô bé phải tham gia vào các buổi live stream về các hành vi tình dục trên mạng, sau khi bị một người hàng xóm tiếp cận và dụ dỗ bằng tiền.
Riêng em Xume - một cô bé chăn cừu 15 tuổi ở Ethiopia - đã bị cộng đồng xa lánh sau khi bị hãm hiếp. Xume cho biết: “Mọi người nói rằng đó là lỗi của tôi vì tôi là một người xấu. Đó là vì tôi đã bị hãm hiếp và không nói với bất kỳ ai vì xấu hổ và sợ hãi. Khi có thai, tôi bị cộng đồng xa lánh”.
Hầu hết bạo lực tình dục trẻ em xảy ra ở thanh thiếu niên, đặc biệt là ở độ tuổi từ 14-17. Những kẻ xâm hại có khả năng cao nhất là bạn bè hoặc bạn tình.
Bà Catherine Russell cho biết, trẻ em ở những nơi nghèo khó, sự bảo vệ của xã hội yếu kém hoặc là người tị nạn thuộc nhóm đặc biệt dễ bị tổn thương. Ở những khu vực đó, cứ 4 trẻ em gái thì có 1 em phải đối mặt với tình trạng cưỡng hiếp hoặc bị tấn công tình dục. “Chúng ta đang chứng kiến tình trạng bạo lực tình dục khủng khiếp ở các khu vực xung đột, nơi hiếp dâm và bạo lực giới thường được sử dụng làm vũ khí chiến tranh” - bà cho biết.
Báo cáo của UNICEF cho thấy, bạo lực tình dục đối với trẻ em xảy ra ở mọi khu vực trên thế giới. Tỉ lệ cao nhất là ở Châu Đại Dương, nơi 34% phụ nữ (tương đương 6 triệu người) là nạn nhân. Con số cao nhất là ở châu Phi cận Sahara, nơi 79 triệu phụ nữ và trẻ em gái bị ảnh hưởng.
Năm 2015, toàn cầu đã cam kết chấm dứt mọi hình thức bạo lực đối với trẻ em vào năm 2030, như một trong những mục tiêu phát triển bền vững. Nhưng UNICEF cho rằng, rất khó để nắm bắt hết được quy mô của tình trạng bạo lực tình dục đối với trẻ em vì sự kỳ thị, những khó khăn trong việc thu thập dữ liệu, nhất là đối với trẻ em trai. “Ngoài ra, sự bùng nổ về khả năng tiếp cận internet, sử dụng công nghệ kỹ thuật số và di động cũng tạo ra những hình thức lạm dụng và bóc lột tình dục mới - đó là nạn bóc lột và tấn công tình dục qua mạng. Đây cũng là một thách thức mới và vô cùng lớn” - bà Catherine Russell nói.
Theo phụ nữ TPHCM