Jane (34 tuổi, Cộng hòa Fiji) không bao giờ quên được trải nghiệm khi nhận kết quả dương tính với SARS-CoV-2 chỉ trước vài ngày dự sinh.

“Có một số biến chứng nhỏ trong ba tháng cuối thai kỳ của tôi. Vào ngày 18/7, tôi được đưa đến một bệnh viện ở thủ đô Suva để kiểm tra nhưng phải đợi bên ngoài cùng với những bà mẹ sắp sinh khác”, Jane nói.

Khi bác sĩ thông báo, tim Jane chùng xuống với cảm xúc khó tả. Cô phải hỏi lại nhiều lần để xác nhận không nghe nhầm.

“Lúc đó, tôi nghĩ đến các con và gia đình. Tôi bật khóc trong sự lo lắng và sợ hãi vì không biết nó sẽ ảnh hưởng thế nào đến họ”, bà mẹ nói thêm.

             Thủ đô Suva của Cộng hòa Fiji ban bố lệnh phong tỏa sau khi phát hiện ca lây nhiễm cộng đồng đầu tiên vào tháng 4/2021. Ảnh: WHO.


Fiji, đảo quốc nhỏ bé ở Thái Bình Dương, đã thành công ngăn chặn được Covid-19 trong năm đầu tiên của đại dịch. Thế nhưng, vào ngày 26/4, quốc gia này buộc phải ban bố lệnh phong tỏa thủ đô Suva 14 ngày sau khi phát hiện một tang lễ “siêu lây nhiễm”, theo The Guardian.

Kể từ đó, Fiji đã ghi nhận hơn 42.000 ca mắc và khoảng 400 trường hợp tử vong trên tổng dân số là 900.000 người.

Tháng trước, 2 phụ nữ mang thai và một đứa trẻ 11 tháng tuổi đã nằm trong số những người không qua khỏi vì căn bệnh này.

Những bà mẹ F0


Jane và 2 bà bầu khác cũng là F0 được đưa đến một phòng riêng trong bệnh viện để cách ly trong sự thờ ơ của nhân viên y tế.

“Tôi nhớ có ngày đã đói lã nhưng không một ai quan tâm. Chúng tôi bị bỏ lại trong đó một mình. Không ai muốn đến gần chúng tôi vì họ cũng muốn giữ an toàn cho bản thân”.

Không lâu sau, 2 sản phụ cùng phòng với Jane chuyển dạ nhưng chỉ có một nữ hộ sinh đến đỡ đẻ. Vì các cơn co thắt của Jane vẫn còn cách xa nhau nên cô đã hỗ trợ người này giúp họ sinh con.

Người phụ nữ 34 tuổi cũng hạ sinh bé thứ 3 trong tuần đó. Lúc này cô mới thấy nhẹ nhõm hơn phần nào khi xét nghiệm lại và nhận kết quả âm tính.

Ngay sau đó, cô được chuyển đến một hội trường cộng đồng ở Toorak (Suva). Đó là nơi dành cho những bà mẹ mắc Covid-19 vừa mới sinh.

                                                              Nhiều bà bầu phải tự chăm sóc bản thân và thai nhi trong bụng. Ảnh: Stuff.


Nhiều phụ nữ đã chuẩn bị sẵn đồ dùng thiết yếu trong khi một số khác không mang theo gì vì họ sống bên ngoài Suva. Họ bị mắc kẹt ở đây mà không có ai bên cạnh do lệnh phong tỏa thủ đô. Điều đó đồng nghĩa với việc những bà mẹ này đang thiếu nhu yếu phẩm cho em bé và bản thân.

“Dù có bất cứ điều gì xảy ra, chúng tôi đều chia sẻ với nhau. Những phụ nữ có 2-3 con cùng nhau giúp đỡ các bà mẹ mới sinh. Chúng tôi thực sự chỉ có nhau vì gia đình không thể vào bên trong để giúp”, Jane kể.

Bà mẹ 3 con cho biết những khoản quyên góp như sữa bột, bình bú, quần áo, sản phẩm vệ sinh và bữa ăn nấu tự nấu đã giúp xoa dịu nỗi khổ tâm của các sản phụ khi phải tự xoay xở một mình.

“Trong khoảng thời gian thử thách đó, chúng tôi chỉ có thể sống dựa vào nhau, không chỉ về thể chất mà cả về tinh thần. Chúng tôi an ủi những bà mẹ có con nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh. Một số người đã bật khóc đến khi ngủ và cầu nguyện cho những ngày tốt đẹp hơn ở phía trước”.

Hiện Jane đã được đoàn tụ với gia đình và tiêm mũi vaccine đầu tiên để được tiếp tục công việc của mình.

Giống như Jane, Grace Holmes Tui (26 tuổi) cũng trải qua những cảm giác tương tự. Cô đang mong chờ đứa con thứ hai chào đời vào tháng 10 trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng.

“Tất cả chúng tôi đều biết những rủi ro đang xảy ra với các bà mẹ mang thai và đó là một nỗi sợ hãi thực sự. Ai muốn đứa trẻ sinh ra khỏe mạnh và ‘vượt cạn’ an toàn. Sau khi đọc một số nghiên cứu trực tuyến, tôi đã quyết định tiêm vaccine để bảo vệ thai nhi và bản thân”, Tui nói.

                                    Grace Holmes Tui sinh con trong hoàn cảnh tự cách ly, không có người thân ở bên giúp đỡ. Ảnh: The Guardian.


Tháng trước, Fiji đã nhận được 150.080 liều vaccine Moderna từ Mỹ theo cơ chế COVAX. Nhiều phụ nữ mang thai được khuyến khích tiêm chủng để chống lại nguy cơ lây nhiễm và bệnh nặng.

Tiến sĩ Rachel Devi, người đứng đầu chiến dịch tiêm chủng của Fiji, cho biết sự nguy hiểm và rủi ro của Covid-19 là những lý do để bà bầu nên tiêm vaccine.

“Khi phụ nữ được tiêm ngừa, họ không chỉ tạo ra kháng thể cho chính mình. Họ cũng truyền nó cho thai nhi để chúng có được lớp bảo vệ đó”, bà Devi chia sẻ.

Theo Zing