Lạm phát tăng vọt càng nới rộng khoảng cách giới. Các tổ chức từ thiện cho biết, nhiều phụ nữ trên thế giới, đặc biệt ở khu vực châu Phi đã bỏ qua chăm sóc y tế với mình, dành dụm những đồng tiền còm cõi để nuôi gia đình.
|
Trên khắp thế giới, phụ nữ đang hy sinh sức khỏe của mình để dành tiền mua thực phẩm, trả các chi phí khác cho gia đình - ẢNH: REUTERS |
Gần sáu tháng trước, cơn đau ở ngực của Agnes Wachira đã bắt đầu nhưng bà mẹ ba con người Kenya lờ đi. Trong nhiều tháng qua, cơn đau đã phát triển thành một cơn đau thắt dai dẳng, khiến cô thường xuyên khó thở. Với lạm phát của Kenya đang ở mức cao nhất trong 5 năm là 8,5%, bà mẹ đơn thân 48 tuổi cho biết cô không đủ khả năng để chữa trị cho mình. Wachira kể mỗi tuần cô kiếm được khoảng 12,46 USD. “Tôi không có bảo hiểm y tế và không đủ tiền mua thuốc trong khi giá nhiên liệu cao, việc trả tiền đi xe để đến bệnh viện là quá tốn kém”, cô nói.
Theo ghi nhận từ Kenya, Lebanon đến Sri Lanka và Anh, chi phí sinh hoạt tăng cao đang làm gia tăng bất bình đẳng giới. Nhiều phụ nữ đã chọn bỏ qua sức khỏe của mình, ưu tiên để dành tiền chi trả những khoản cần thiết và cơ bản nhất cho gia đình. Wangari Kinoti - người đứng đầu tổ chức từ thiện quốc tế ActionAid - cho biết: “Những gì chúng tôi thấy đang xảy ra là phụ nữ bỏ qua các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu để mua thực phẩm”.
Các tổ chức từ thiện cho biết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt toàn cầu đã ảnh hưởng lớn đến phụ nữ, những người thường kiếm được thu nhập ít hơn nam giới và đảm nhận nhiều công việc chăm sóc gia đình nhưng không được trả lương. Theo Liên Hiệp Quốc, ở châu Phi, 58 triệu người có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo đói.
Tại Lebanon, giá lương thực tăng hơn 11 lần và hơn 80% dân số có mức sống xuống dưới mức nghèo khổ. Phụ nữ đang phải vật lộn để chi trả cho việc sinh sản và chăm sóc sức khỏe sản khoa tốn kém. Chẳng hạn, giá thuốc tránh thai đã tăng hơn 600% kể từ năm 2019.
Karine - một phiên dịch viên, 26 tuổi - cho biết cô không còn đủ khả năng mua thuốc điều trị hội chứng buồng trứng đa nang. Ngoài ra, chi phí cho việc uống thuốc tránh thai là 12% tiền lương hằng tháng của cô. “Điều này là quá nhiều đối với tôi vì tôi cần mua thức ăn cho con mình. Nếu tôi mua thuốc, có nghĩa là thức ăn cho con tôi sẽ ít hơn”, cô nói.
Ở Sri Lanka, lạm phát đã lên tới hơn 60%. Siththi Patima (49 tuổi) không còn đủ tiền để điều trị hội chứng Stevens-Johnson, một chứng rối loạn nghiêm trọng hiếm gặp gây ra mụn nước và bong tróc da, đã ảnh hưởng đến thị lực của cô. Bà mẹ hai con góa chồng không có bảo hiểm y tế, đã ngừng đến bệnh viện để điều trị cách đây gần một năm sau khi chi phí bắt đầu tăng vọt.
“Mắt tôi bắt đầu cải thiện trong quá trình điều trị. Nhưng cả hai con gái của tôi đều đang đi học. Chi phí đi lại và điều trị quá nhiều nên tôi đành bỏ cuộc. Hai mí mắt của tôi giờ đã dính chặt vào nhau, và không thể nhìn thấy gì”, bà nói.
Các nghiên cứu được thực hiện ở Anh - nơi lạm phát lên 9,9% - cho thấy phụ nữ cũng đang bị buộc phải đưa ra những lựa chọn khó khăn. Một cuộc khảo sát hồi tháng Sáu do tổ chức từ thiện Young Women’s Trust thực hiện cho thấy 30% bà mẹ trẻ thỉnh thoảng nhịn đói để con họ có thể ăn. Tỷ lệ này lên tới 58% ở các bà mẹ đơn thân.
Felister Gitonga - Trưởng nhóm công bằng giới và quyền phụ nữ tại Oxfam - cho biết: “Nhiều chính phủ đang áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng, điều này sẽ tác động đến nỗ lực cải thiện và mở rộng các dịch vụ phúc lợi xã hội như chăm sóc sức khỏe và giáo dục, vốn là cốt lõi của phẩm giá con người. Tất nhiên, nó sẽ tác động đến phụ nữ nhiều hơn và làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giới”.
Theo phụ nữ TPHCM