Dù làm chung một bệnh viện dã chiến, do tính chất công việc, thỉnh thoảng vợ chồng anh Trần Quốc Thanh và chị Huỳnh Thị Cẩm Châu mới được gặp nhau

Những ngày TP.HCM phát hiện chuỗi lây nhiễm COVID-19 tại chợ đầu mối Bình Điền (quận 8), bác sĩ Ngô Duy Đăng Khoa được cử đi giám sát công tác phòng chống dịch tại chợ đầu mối này. Ít lâu sau vợ anh, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc, cũng lên đường nhận nhiệm vụ tại BV dã chiến số 12.

Xa gia đình nhỏ, vì sự đoàn tụ lớn

Đó có lẽ là thời điểm khó khăn nhất của gia đình bác sĩ Đăng Khoa - Kim Cúc khi cả 2 anh chị đều phải xa gia đình đi chống dịch, ở nhà còn lại 2 con trai cùng mẹ già 83 tuổi bị bệnh tim giai đoạn cuối tự chăm sóc nhau.

"Lúc nhận lệnh điều động tôi rất lo lắng, nhưng mình là bác sĩ thời điểm này phải đi thôi. Thời gian rảnh, tôi tranh thủ gọi điện hướng dẫn các con tự chăm sóc bản thân và chăm sóc bà ngoại.

Riêng anh Khoa, từ ngày nhận nhiệm vụ, anh ấy thuê khách sạn ở và tự cách ly với gia đình. Thỉnh thoảng anh ghé nhà, đứng ngoài cổng nhìn con, dặn dò con đôi ba câu rồi đi vì sợ vào lây nhiễm cho người thân" - bác sĩ Cúc tâm sự.

Nhận lệnh điều động khẩn của Sở Y tế về việc tham gia công tác tại BV dã chiến số 1, điều dưỡng Huỳnh Minh Đạt vội vàng xếp quần áo cùng 12 y bác sĩ BV Da liễu lên đường nhận nhiệm vụ.

Cùng thời điểm đó, vợ anh - điều dưỡng Nguyễn Thị Hồng Phấn - cũng đang tất bật với công tác tiêm chủng vắc xin COVID-19 trong cộng đồng.

Những ngày dịch bệnh bùng phát, do tính chất công việc chống dịch không cố định thời gian, nguy cơ lây nhiễm cực kỳ cao, vợ chồng anh Đạt đành gửi con về quê để yên tâm chống dịch. Từ đó đến nay đã hơn 3 tháng, gia đình anh chỉ "sum vầy online" vào những buổi tối rảnh.

Công việc tại bệnh viện dã chiến nguy cơ lây nhiễm cao và không cố định thời gian. Có những lúc anh Đạt cùng đồng nghiệp phải cấp cứu bệnh nhân tới 2h sáng mới được nghỉ. Niềm vui lớn nhất của anh là bệnh nhân vượt qua cơn nguy kịch, được xuất viện trở về đoàn tụ cùng người thân.

Hạnh phúc khi được nhìn thấy nhau mỗi ngày

May mắn hơn nhiều cặp vợ chồng nhân viên y tế khác khi lên đường chống dịch phải chịu cảnh "chia ly", vợ một nơi, chồng 1 ngả, vợ chồng anh Trần Quốc Thanh và chị Huỳnh Thị Cẩm Châu may mắn hơn là được cùng làm việc ở bệnh viện dã chiến số 12, còn hai đứa con gửi cho ông bà nội.

Hằng ngày, anh Thanh phải "xù đầu" từ sáng đến đêm. Thang máy hư, cúp nước, hết oxy, lắp đặt trang thiết bị, vận chuyển đồ đạc... và nhiều công việc không tên khác. Chị Châu là điều dưỡng nên phụ trách công tác tiếp nhận, sàng lọc bệnh nên công việc thường kết thúc rất muộn, vì vậy dù làm cùng một nơi nhưng hai vợ chồng ít được gặp nhau.

"Làm cùng một nơi nhưng do giờ giấc làm việc khác nhau nên chúng tôi ít được gặp nhau. Tuy nhiên tôi thấy may mắn hơn nhiều người khác vì thỉnh thoảng còn được gặp nhau, được nhìn thấy nhau khỏe mạnh là hạnh phúc rồi" anh Thanh nói.

Hạnh phúc hơn, lạc quan hơn cả có lẻ vẫn là cặp vợ chồng anh Bùi Hiển Vinh và chị Đỗ Ngọc Thùy Trâm. Bởi dù làm việc ở 2 bệnh viện dã chiến, nhưng chỉ cách nhau 5-7 phút đi bộ nên mỗi khi rảnh, anh Hiển lại "vượt rào" qua thăm vợ.

Anh Vinh và chị Trâm là một trong những điển hình của việc xung phong vào tuyến đầu. Thời điểm Trung tâm cấp cứu 115 thiếu tài xế lái xe cứu thương chở F0 đến các bệnh viện dã chiến, anh Vinh hăng hái đăng ký nhận nhiệm vụ. Ít lâu sau, chị Trâm cũng đăng ký đi lo công tác hậu cần trong bệnh viện dã chiến số 12, hai đứa con được gửi qua nhà bà nội.

Theo tuoitre