Eloina Feliciano cầu xin mẹ đừng bán cô đi làm dâu nhà người khác ở tuổi 14 nhưng vô ích. Lời van xin của thiếu nữ không thể chống lại tập tục truyền thống lâu đời của cộng đồng người dân tộc Mixtec ở miền nam Mexico, theo AFP.

“Tôi không hề muốn bị bán đi. Chúng tôi không phải động vật. Chỉ động vật mới là món hàng đem đi trao đổi thôi”, Feliciano (23 tuổi), sống tại khu đô thị nghèo đói nhất nhì Mexico Metlatónoc, chia sẻ.


                                             Một cô gái nhỏ tuổi phải làm mẹ khi còn quá sớm. Ảnh: AFP.


Feliciano là một trong nhiều cô gái xuất thân từ cộng đồng Mixtec phải chịu đựng hủ tục lạc hậu trên. Nó đẩy họ vào cảnh bị bạo hành, lạm dụng, đồng thời khiến gia đình chú rể thêm nghèo đói, theo các nhà phân tích.

Chỉ riêng năm 2020, hơn 3.000 bé gái từ 9-17 tuổi đã sinh con ở vùng núi Guerrero, nơi có hàng chục cộng đồng dân tộc thiểu số Mexico.

Cuộc sống bất hạnh


Ngày nay, những hủ tục như vậy vẫn được thực hiện tại hàng chục cộng đồng ở vùng núi Guerrero. Thông thường, khoản thách cưới mà bố mẹ cô dâu yêu cầu gia đình chú rể dao động từ 2.000-18.000 USD, người dân địa phương cho biết.

“Các cô gái hoàn toàn dễ bị tổn thương, không có khả năng chống cự. Gia đình nhà chồng sẽ ép họ làm nô lệ, phải phục vụ mọi công việc trong gia đình và việc đồng áng. Đôi khi, ngay cả họ hàng nhà chồng cũng lạm dụng tình dục họ”, nhà nhân chủng học Abel Barrera, giám đốc Trung tâm Nhân quyền tại Núi Tlachinollan, nói với AFP.

“Do sự bấp bênh tài chính ngày càng tăng ở các cộng đồng này, nghi lễ truyền thống lâu đời về việc cho đi các thiếu nữ để đổi lấy của hồi môn từ kỳ kinh nguyệt đầu tiên của họ trở nên lệch lạc. Giờ đây, trẻ em gái chẳng khác nào hàng hóa”, ông nói thêm.

Người dân tộc thiểu số đại diện cho khoảng 10% trên tổng số 126 triệu người Mexico. Gần 70% trong số đó sống trong cảnh nghèo đói.

Hơn 94% trong số 19.000 cư dân tại khu dân cư nghèo đói Metlatónoc không có các dịch vụ công thiết yếu trong gia đình, chẳng hạn điện, nước, vệ sinh… Đồng thời, gần 59% gặp khó khăn trong việc tự kiếm ăn, theo Viện thống kê quốc gia INEGI.


                                            Dù sống cơ cực, bà Julio kiên quyết không "bán" các con đi. Ảnh: AFP.


Maurilia Julio, một nữ hộ sinh 61 tuổi, cũng bị bán đi khi còn nhỏ. Bà đảm bảo rằng những đứa con gái của mình tránh được số phận tương tự.

“Gia đình chồng khiến bạn phải đau khổ vì thực tế đơn giản là họ đã bỏ tiền mua bạn”, Julio, người sinh sống trong ngôi nhà nền đất được làm từ bùn và phân động vật, chia sẻ.

“Nhiều phụ nữ nói rằng: ‘Tôi sẽ bán con gái mình với giá 110.000 rồi 120.000 peso (5.500-6.000 USD) bởi tôi cần tiền’. Nghe vậy thật buồn làm sao, mấy đứa nhỏ cũng là con của họ kia mà”, Julio nói thêm.

Một người phụ nữ giấu tên do sợ bị hàng xóm trả thù cho biết sau khi bị bán, một số cô gái thậm chí phải chăm sóc cả bố chồng.

“Họ tuyên bố rằng gia đình cho chi tiền cho cô dâu rồi, nên họ yêu cầu làm gì cũng được”, người này cho biết. Là mẹ của hai cô con gái ở tuổi vị thành niên, cô sợ rằng chồng mình sẽ lặp lại truyền thống, đem bán các con đi.

“Khi chúng tôi muốn thay đổi hủ tục này, mọi người lại bảo rằng: ‘Đấy là con tôi, tôi làm gì cũng được và không ai có quyền can dự vào chuyện này’”, Victor Moreno, một người đàn ông địa phương 29 tuổi, chia sẻ.


Cristina Moreno (18 tuổi) bế ẵm con nhỏ tại nhà riêng ở làng Juquila Yuvinani (Metlatónoc, bang Guerrero, Mexico). Ảnh: AFP.


Monero, đến miền bắc Mexico làm công nhân để trả nợ, cũng kết hôn theo kiểu sắp đặt tương tự. Khác với nhiều gia đình, anh không ngược đãi vợ mình. Thậm chí, anh phản đối truyền thống này.

“Ở đây, chúng tôi là người nghèo. Ăn còn chả đủ nữa là bỏ tiền ra mua con dâu về cho con trai mình. Cuộc sống bình thường thôi cũng đã quá khó khăn rồi”, ông bố hai con cho biết.

Benito Mendoza, thành viên của tổ chức phi chính phủ Yo quiero, Yo puedo, đã tổ chức các hội thảo nâng cao nhận thức cho đến khi nhóm cạn quỹ vào tháng 2. Theo Mendoza, bố mẹ cô dâu yêu cầu khoản hồi môn lớn bởi “họ tin rằng họ phải lấy lại khoản tiền dưỡng dục con gái”.

Cho đến nay, chỉ khoảng 300 người trong khu vực đồng ý dừng thực hiện hủ tục này, theo một lãnh đạo cộng đồng.

“Hầu hết vẫn sẽ tiếp tục bán con đi mà thôi”, Feliciano nói.

Theo Zing