Những đứa trẻ đó thường bị đưa vào những chiếc xuồng bơm hơi chen chúc nhiều người hoặc những chiếc thuyền đánh cá bằng gỗ xập xệ, giữa thời tiết xấu.

Chiến tranh, xung đột, bạo lực và nghèo đói là những nguyên nhân chính khiến nhiều trẻ em bị cha mẹ đẩy đi, tìm cuộc sống ở vùng đất mới. Không có người thân đi cùng, nguy cơ bị bóc lột và lạm dụng rình rập chúng trên mỗi bước hành trình, nhất là với các bé gái và trẻ em từ châu Phi khu vực cận Sahara.

2 bố con người Tunisia di cư ngồi gần lều của Hội Chữ thập đỏ Ý tại trung tâm tiếp nhận trên đảo Lampedusa. Nhiều đứa trẻ khác phải di cư một mình, không may mắn có cha như em bé này - Nguồn ảnh: UNICEF
2 bố con người Tunisia di cư ngồi gần lều của Hội Chữ thập đỏ Ý tại trung tâm tiếp nhận trên đảo Lampedusa. Nhiều đứa trẻ khác phải di cư một mình, không may mắn có cha như em bé này - Nguồn ảnh: UNICEF


Theo báo cáo của UNICEF, chỉ tính từ tháng Sáu đến tháng Tám năm nay, ít nhất 990 người bao gồm cả trẻ em đã chết hoặc mất tích khi cố gắng vượt Địa Trung Hải, con số này gấp 3 lần so với cùng kỳ mùa hè năm ngoái. Nhiều vụ đắm tàu không có người sống sót và nhiều vụ không được ghi chép khiến con số thương vong thực sự có thể cao hơn nhiều.

 Những đứa trẻ sống sót sau chuyến hành trình đầu tiên được giữ tại các trung tâm được gọi là “điểm nóng” trước khi được chuyển đến các cơ sở tiếp nhận. Hơn 21.700 trẻ em không có người đi cùng trên khắp nước Ý hiện đang ở trong các cơ sở như vậy.

“Địa Trung Hải đã trở thành nghĩa trang cho trẻ em và tương lai của chúng” - Regina De Dominicis - Giám đốc khu vực của UNICEF tại châu Âu và Trung Á, điều phối viên đặc biệt về ứng phó với người tị nạn và người di cư ở châu Âu - cho biết. “Việc có một hành động thống nhất trên toàn châu Âu nhằm hỗ trợ trẻ em và các gia đình đang xin tị nạn cũng như tăng viện trợ quốc tế để hỗ trợ các quốc gia đang phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng là hết sức cần thiết nhằm giảm thiểu các trẻ em phải chịu đau khổ” - bà Regina De Dominicis nói thêm.

UNICEF kêu gọi các chính phủ có những giải pháp an toàn hơn để đảm bảo trẻ em không bị giữ trong các cơ sở khép kín; bảo vệ tốt hơn trẻ em di cư; phối hợp các hoạt động tìm kiếm cứu nạn và đảm bảo đưa nạn nhân đến nơi an toàn.

“Những đứa trẻ này cần biết rằng chúng không đơn độc. Các nhà lãnh đạo thế giới phải khẩn trương hành động để chứng minh giá trị không thể phủ nhận của tính mạng trẻ em, kiên quyết theo đuổi các giải pháp hiệu quả” - bà Verena Knaus - lãnh đạo toàn cầu của UNICEF về vấn đề di cư và lánh nạn - nói. 

Theo phụ nữ TPHCM