Chiến tranh tàn khốc diễn ra đã 360 ngày và khiến 2,4 triệu người dân Gaza phải chịu đựng một thảm kịch nhân đạo chưa từng thấy. Trong đó, trẻ em ở vùng lãnh thổ bị bao vây là những người dễ bị tổn thương nhất. Jonathan Crickx - một viên chức của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) và là phát ngôn viên của cơ quan Liên hiệp quốc phụ trách các vùng lãnh thổ Palestine vừa trải qua 1 tuần ở Gaza - cho biết: ông vẫn còn bị ám ảnh bởi những gì diễn ra ở đây, ngay cả khi Israel đang chuyển trọng tâm quân sự sang Lebanon. Trong đó, hình ảnh những đứa trẻ đói khát, còi cọc, mệt mỏi và ngơ ngác giữa cuộc đời đầy đau thương, giữa cuộc chiến tranh đổ nát là ám ảnh nhất.

“Ở đó, bạn sẽ thấy những đứa trẻ không được phép có cuộc sống của những đứa trẻ bình thường, không được học hành, không được vui chơi, không một nụ cười. Khuôn mặt của những đứa trẻ này… thật buồn” - Crickx nói.

leftcenterrightdel
 Giọt nước mắt của những đứa trẻ sau cuộc không kích của Israel vào một trường học - nơi những người Palestine đang tạm trú ở Falluja, phía bắc Dải Gaza vào ngày 26/9/2024 - Nguồn ảnh: AFP

Hầu hết trẻ em ở vùng lãnh thổ Palestine bị chiến tranh tàn phá đều đang phải đấu tranh để tồn tại mỗi ngày. Crickx cho biết, thật đau lòng khi thấy trẻ em - một số em chỉ mới 5-6 tuổi - cố gắng tìm kiếm thức ăn cho gia đình. “Chúng đi bộ quanh những đống rác khổng lồ và cố gắng lấy bất cứ thứ gì chúng có thể. Mỗi ngày, hầu hết trẻ em mang theo những can nhựa màu vàng bẩn thỉu dung tích tới 25 lít đặt trên những chiếc xe lăn bị hỏng, cố gắng lê từng bước nặng nhọc đi lấy nước để uống. Chúng bị ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng vì bạo lực, các vụ đánh bom và tình trạng bất ổn suốt 1 năm qua nhưng hằng ngày vẫn phải tìm cách giúp đỡ gia đình. Chúng không còn được đến trường nữa”.

Cậu bé Ahmad (10 tuổi) sống cùng gia đình trong một trại tị nạn ở phía nam Gaza. Khi chứng kiến cái chết không toàn thây với những mảnh thi thể nằm rải rác do trúng bom của người chú, Ahmad gần như rơi vào hoảng loạn. Cái chết, máu đổ, thi thể nằm trước mắt đã ám ảnh tâm trí đứa trẻ. Nhiều đứa trẻ khác cũng phải chứng kiến các thảm kịch như vậy.

Crickx cho biết, nhiều trẻ em ở Gaza đã mất người thân, nhưng đau khổ nhất là mất đi cha hoặc mẹ, thậm chí là cả 2 hoặc là cả gia đình. Theo dữ liệu của Liên hiệp quốc, đến nay đã có hơn 13.000 trẻ em tử vong vì bom đạn, 19.000 trẻ em không có người đi kèm hoặc đã bị tách khỏi cha mẹ và hàng trăm ngàn trẻ em đang sống trong đói khát, đốt mặt với tương lai bất định. “Trên hết, không có trường học nào hoạt động trên khắp Gaza. 85% trường học đã bị phá hủy trong cuộc giao tranh. Điều thực sự đáng chú ý là trẻ em ở Gaza muốn được đến trường, muốn chơi với bạn bè, muốn gặp giáo viên của mình… bởi giáo dục, học tập mang lại hy vọng” - ông Crickx nói.

Bên cạnh đói khát, chiến tranh, trẻ em ở dải Gaza còn đang đối mặt với “kẻ thù” mới - đó là sự lây lan của các căn bệnh vốn có thể phòng ngừa được và các rủi ro sức khỏe khác do chiến tranh gây ra. “Với mật độ dân số rất cao, điều kiện vệ sinh cực kỳ tồi tệ, nhiệt độ cao, quá ít người được tiếp cận nhà vệ sinh, đây chính là “công thức hoàn hảo” và khủng khiếp cho sự xuất hiện của các căn bệnh. Nhiều trẻ em bị bệnh và cần được điều trị, nhưng hầu hết các bệnh viện trên khắp Gaza đều không hoạt động. Tình hình này thực sự khiến trẻ em không được điều trị và cái chết một lần nữa treo lơ lửng trước mặt các em và gia đình” - Crickx nói.

Theo phụ nữ TPHCM