Cộng đồng người bạch tạng ở Zimbabwe đang nỗ lực chống lại sự kỳ thị

Hiện ở Zimbabwe có khoảng 70.000 người mắc bệnh bạch tạng, trong khi quốc gia này có khoảng 15 triệu người. Họ luôn bị kỳ thị trong cuộc sống, khi ra đường họ bị la ó, huýt sáo hoặc bị chửi mắng. Người dân coi những người bạch tạng như một lời nguyền, trong khi một số người lại tin rằng ngủ với họ có thể chữa khỏi HIV.

Hiện ở Zimbabwe có khoảng 70.000 người mắc bệnh bạch tạng, trong khi quốc gia này có khoảng 15 triệu người

Đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Zimbabwe mới đây đã lên tiếng cảnh báo về một làn sóng ở quốc gia này có quan niệm rằng người bạch tạng chính là nguồn gốc gây ra dịch bệnh Covid-19. Bà Michelle Bachelet, Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc, cho biết: "Có nhiều báo cáo về những người mắc bệnh bạch tạng được gắn mác "corona" và "Covid-19" ở một số quốc gia, khiến cho họ trở thành vật tế thần của đại dịch và bị tẩy chay trong cộng đồng''.

Truyền hình Zimbabwe đã đưa tin về tình trạng những người mắc bệnh bạch tạng phải đi trốn chui trốn lủi trước sự kỳ thị của dư luận. Trong khi đó, các bình luận trên mạng xã hội cũng xác nhận những người châu Phi mắc bệnh bạch tạng đang bị nhắm mục tiêu nhiều hơn so với trước đây.

Cho đến nay, tại Zimbabwe, rất may là chưa có trường hợp người bạch tạng nào thiệt mạng vì sự kỳ thị. Nhưng ở một số quốc gia châu Phi khác như Malawi và Tanzania, nhiều người bạch tạng đã bị giết vì người ta tin rằng, một số bộ phận trên cơ thể người bạch tạng mang lại sự may mắn.

Hiện tại, cộng đồng người bạch tạng ở Zimbabwe đang nỗ lực chống lại sự kỳ thị. Chị Yvonne Gumbo, một người bị bạch tạng ở quốc gia miền Nam châu Phi này, chia sẻ, chị được các tổ chức phi chính phủ giúp đỡ rất nhiều trong cuộc sống. Bà mẹ một con này được bổ sung kiến thức khoa học, kỹ năng sống để có thể tự tin trước những lời châm chọc của những kẻ ác ý. Cuộc sống của Gumbo ít nhiều đã có sự thay đổi trong vòng 2 năm trở lại đây, bởi trước đó, chị luôn im lặng và sợ hãi trước thái độ thù địch của những người xung quanh. Bạn bè của Gumbo cũng ngạc nhiên về sự thay đổi này và chính sự tự tin của chị đã mang đến những điều tích cực hơn.

Ông Brenda Mudzimu, người đứng đầu MAT, một tổ chức phi chính phủ chuyên ủng hộ những người bạch tạng ở Zimbabwe, cho biết, ngay sau khi lệnh giãn cách xã hội ở Zimbabwe được dỡ bỏ, đơn vị này sẽ tổ chức các cuộc hội thảo nhằm định hướng nghề nghiệp cho cộng đồng người bạch tạng ở đây. MAT cũng liên tục tổ chức các chương trình hỗ trợ cho những người bạch tạng gặp khó khăn. Thậm chí, MAT còn lên kế hoạch tổ chức các cuộc thi hoa hậu và người đàn ông đẹp nhất trong cộng đồng người bạch tạng tại quốc gia này.

Hiện nay, ở Zimbabwe, rất nhiều người bạch tạng là bác sỹ, y tá đang hoạt động năng nổ trong cuộc chiến chống lại Covid-19. MAT liên tục vinh danh họ, coi họ là những tấm gương sáng và là nguồn cảm hứng cho tất cả mọi người. Trong khi đó, Hiệp hội cứu trợ người bạch tạng Albino đang vận động chính phủ Zimbabwe ban hành đạo luật cung cấp các loại kem dưỡng da miễn phí cho những người mắc bệnh bạch tạng.

Chị Joyce Mutenje, mẹ của 3 đứa trẻ bị bạch tạng, đang phải vật lộn với một cuộc sống vất vả ở khu vực biên giới. Trước đây, chị kiếm sống bằng việc dọn dẹp nhà cửa và giặt thuê cho các thương lái ở khu vực này. Nhưng khi đại dịch Covid-19 ập đến, việc kinh doanh và buôn bán ở biên giới bị dừng lại. Chị Mutenje rơi vào cảnh thất nghiệp, tiền để mua nhu yếu phẩm hằng ngày còn không có nữa là chuyện mua kem dưỡng da cho các con của mình.

Obey Machona, một sinh viên ngày truyền thông của trường Đại học Zimbabwe, cũng đang phải vất vả nuôi bản thân và người mẹ thất nghiệp bị bạch tạng của mình. Ngoài việc học tập, anh kiếm tiền bằng công việc chụp ảnh bán thời gian. Bây giờ, những hợp đồng biểu diễn đã cạn kiệt do Covid-19 và Machona bị ám ảnh bởi 2 nỗi lo: dạ dày trống rỗng và kem dưỡng da cho mẹ cũng không còn!

Chị Joyce Mutenje và 3 người con bị bạch tạng của mình

Bạch tạng là một thuật ngữ dùng chung cho các chứng bẩm sinh do rối loạn quá trình sinh tổng hợp ra sắc tố melanin, làm cho da, tóc và mắt của người bệnh có màu nhạt. Da của người bị bạch tạng dễ bị bỏng nắng, do đó dễ bị ung thư da. Ngoài ra, bạch tạng còn gây ra rối loạn thị giác, giảm thị lực và sợ ánh sáng.

Bạch tạng xuất hiện trong hầu hết các sắc dân trên toàn thế giới với tỷ lệ khoảng 1:20000, nhiều nhất là ở Châu Phi với hơn 1:10000. Màu da nhạt của người châu Á và châu Âu là bạch tạng loại 4 do đột biến sinh học trên gene OCA 4, màu tóc vàng và mắt xanh là bạch tạng do đột biến trên gene OCA 2 và vài gene khác.

N.A (Nguồn: Theo AP)