Chương trình SWoM hỗ trợ các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc về bình đẳng giới, cộng đồng bền vững và cuộc sống dưới nước. 

Sử dụng khoa học và công nghệ, họ đã đào tạo phụ nữ địa phương giám sát, đánh giá tác động của việc tẩy trắng san hô trên diện rộng đối với một số rạn san hô có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Kết hợp kiến thức bản địa và khoa học

Lớn lên trên đảo Papua New Guinea, Naomi Longa thường bơi giữa những rạn san hô xinh đẹp của vịnh Kimber, biển Bismarck và tự hỏi chúng được hình thành như thế nào. Là con út trong gia đình có 6 người con, Longa không tưởng tượng được rằng vài năm sau mình sẽ dẫn đầu một chương trình bảo vệ những loài san hô đó.

Naomi là giám đốc và điều phối viên của chương trình SwoM do Quỹ Coral Sea, có trụ sở tại Australia, phát động năm 2017. Naomi Longa cho biết: "SwoM là một nhóm phụ nữ đến từ Melanesia đam mê bảo tồn biển. Kể từ năm 2017, tổ chức phi chính phủ này đã hợp tác với các cộng đồng địa phương bảo tồn biển ở quần đảo Solomon và Papua New Guinea. Nhóm này hiện có hơn 40 thành viên với nhiệm vụ bảo vệ 43 khu vực biển". 

Tình yêu biển thuở nhỏ đã thôi thúc Naomi hoàn thành bằng cử nhân Khoa học Sinh học tại trường Đại học Papua New Guinea. Kể từ năm 2019, Naomi đã hỗ trợ đào tạo hơn 25 phụ nữ trong các chương trình SWoM ở vịnh Milne, Kimber và Munda, đồng thời thuyết trình về vai trò của phụ nữ bản địa trong bảo tồn biển tại các sự kiện quốc tế ở Port Moresby, Sydney và Perth.

Những người phụ nữ vì biển - Ảnh 1.

Naomi Longa, Giám đốc và điều phối viên của chương trình SwoM

Chương trình SWoM hỗ trợ các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (LHQ) về bình đẳng giới, cộng đồng bền vững và cuộc sống dưới nước. Chương trình SWoM đào tạo phụ nữ bản địa về lý thuyết bảo tồn, kỹ thuật lặn biển và điều tra sinh vật biển để họ có thể xác định các khu vực phù hợp với bảo vệ các rạn san hô ở các vòng cung của đảo Papua New Guinea (PNG), quần đảo Solomon. Khu vực này có các hệ sinh thái biển chất lượng cao và đa dạng sinh học đáng kể.

Evangelista Apelis, đồng Giám đốc tổ chức SwoM, cho biết: "Trong những cộng đồng mà chúng tôi nhắm đến, nguồn sinh kế duy nhất của họ là biển. Hơn 25% các loài sinh vật biển sống trong các rạn san hô và chúng bảo vệ bờ biển khỏi sóng, bão, lũ lụt. Tuy nhiên, trong 70 năm qua, một nửa số rạn san hô trên thế giới đã bị mất và 90% có khả năng biến mất vào năm 2050 do biến đổi khí hậu". Do đó, SwoM đào tạo phụ nữ địa phương các kỹ năng thiết yếu, bao gồm khoa học biển, lặn với ống thở và chụp ảnh dưới nước. Sau đó, họ giúp theo dõi và đánh giá tác động của việc tẩy trắng san hô trên diện rộng đối với một số rạn san hô có nguy cơ tuyệt chủng cao. Từ đó, cộng đồng địa phương có kiến thức để chia sẻ, kết hợp với khoa học để bảo vệ các rạn san hô. "Khi bạn đào tạo một phụ nữ, bạn đào tạo ra một xã hội. Chúng tôi tin tưởng rằng, phụ nữ có xu hướng chịu trách nhiệm cao hơn và làm việc có hiệu quả. Vì vậy, đó là cách tiếp cận mà chúng tôi thực hiện để thu hút sự tham gia của cộng đồng và nó cũng mang lại cho phụ nữ một nền tảng để thực hiện vai trò lãnh đạo của họ", bà Apelis nói.

Biến ước mơ thành hiện thực

Trong vài năm, SWoM đã thu hút sự chú ý toàn cầu từ mong muốn bảo vệ môi trường biển cho các thế hệ mai sau. Giải thưởng "Nhà vô địch của Trái đất" là danh hiệu cao nhất về môi trường của LHQ. Sự cống hiến và làm việc chăm chỉ của Naomi Longa cũng được ghi nhận tại "The Ocean Awards 2021" do tổ chức Blue Marine Foundation trao tặng, nơi cô giành chiến thắng ở hạng mục "Người hùng địa phương". Năm 2020, SWoM đã được nhận Giải thưởng Ocean Tribute tại Boot Düsseldorf. "Nhìn lại tuổi trẻ của mình, tôi chỉ là một cô gái Melanesia nhỏ bé có quãng thời gian sống ở biển. Nhìn thấy chính mình ngày hôm nay, giấc mơ của tôi đã trở thành hiện thực. Tôi rất vui và tự hào khi trở thành một phần của đội ngũ SwoM tuyệt vời, có chung niềm đam mê bảo tồn hệ sinh thái biển và trao quyền cho nhau", Naomi tâm sự.

Những người phụ nữ vì biển - Ảnh 2.

Các thành viên của chương trình SwoM

Naomi giải thích rằng, các rạn san hô là nguồn tài nguyên chính mà cộng đồng địa phương có thể dễ dàng tiếp cận. Phụ nữ bản địa đã kết hợp kiến thức dân gian đã tồn tại một nghìn năm với khoa học. Bằng cách đó, họ có thể hiểu rõ về cách tiếp cận và bảo tồn biển. Đánh bắt quá mức được coi là mối đe dọa đối với các cộng đồng ở vùng biển san hô. Khi dân số tăng lên, họ đánh bắt nhiều cá hơn và thu thập các nguồn lợi khác từ biển để nuôi sống gia đình nhưng thông thường, họ lấy nhiều hơn mức cần thiết. Vì thế, ngày càng có nhiều cộng đồng yêu cầu các cuộc hội thảo nâng cao nhận thức dành cho phụ nữ.

Mặt khác, biến đổi khí hậu cũng là một vấn đề lớn. Giống như tất cả các rạn san hô trên khắp thế giới, các rạn ở Tam giác san hô bị đe dọa nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu. Do đó, SWoM tập trung tăng cường năng lực hoạt động của phụ nữ trong tham gia giám sát rạn san hô hoặc thám hiểm khoa học. Khi được hỏi về di sản mà cô muốn để lại, Naomi cho biết, cô muốn xây dựng một mạng lưới phụ nữ trên khắp đất nước để giám sát các khu bảo tồn biển trong cộng đồng địa phương. 

Cô lưu ý: "Nếu chúng ta có mạng lưới này, chúng ta có thể giúp cộng đồng bảo tồn nguồn tài nguyên quan trọng nhất của chúng ta là các rạn san hô cho thế hệ tương lai. Tôi muốn thấy có nhiều phụ nữ đi đầu trong cộng đồng của họ để giáo dục và tiếp tục đào tạo thế hệ tiếp theo bảo vệ hệ sinh thái biển trong cộng đồng và quốc gia nói chung".

Nhu Thụy (Theo UN, Euro News, superyachtstories.com)