Bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trong bối cảnh các hoạt động nghiên cứu khoa học đang tập trung vào việc chống lại sự lây lan của bệnh đậu mùa khỉ do số ca nhiễm virus này tăng lên tại các nước phương Tây giàu có, các nhà khoa học đã hối thúc cần đảm bảo rằng những quốc gia thu nhập thấp cũng được hưởng lợi từ thành quả nghiên cứu này.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hơn 550 ca mắc đậu mùa khỉ đã được ghi nhận tại ít nhất 30 quốc gia ngoài châu Phi, nơi virus lưu hành thường xuyên.
Các nhà khoa học đang bối rối trong việc tìm ra nguyên nhân khiến số ca nhiễm ca tăng nhanh, chủ yếu là tại châu Âu tính đến thời điểm này, khi phần lớn những ca nhiễm không liên quan đến việc đi tới châu Phi.
Kể từ lần đầu tiên phát hiện ca nhiễm virus đậu mùa khỉ ở người vào năm 1970, các nước châu Phi đã ghi nhận những đợt bùng phát lẻ tẻ.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Nigeria Ifedayo Adetifa cho biết bệnh đậu mùa khỉ vẫn lây lan tại quốc gia này kể từ năm 2017. Cho đến nay, Nigeria đã ghi nhận 600 ca nghi nhiễm và gần 250 ca nhiễm virus đậu mùa khỉ.
Trong những tuần qua, nhiều hãng dược phẩm sinh học cam kết sẽ bàn giao vaccine, thuốc điều trị và phát triển thêm các phương pháp chẩn đoán để ứng phó với virus đậu mùa khỉ đang lây lan tại nhiều khu vực phát triển.
Giám đốc về các mối đe dọa mới và an ninh y tế toàn cầu tại FIND - liên minh chẩn đoán toàn cầu, ông Daniel Bausch khẳng định đậu mùa khỉ không phải là căn bệnh mới và cả thế giới đang tập trung nghiên cứu công nghệ sinh học, vì đây là căn bệnh đang bùng phát tại những nước thu nhập cao. Điều này đặt ra vấn đề làm sao để đảm bảo rằng những thành tựu khoa học từ quá trình nghiên cứu này có thể được chuyển tới những cộng đồng thực sự cần như tại vùng sa mạc ở miền Nam châu Phi.
Lời kêu gọi này được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều quan ngại về những mầm bệnh đang lưu hành trong động vật có thể lây sang người.
WHO đã cảnh báo cả động vật và con người đều đang điều chỉnh hành vi, bao gồm cả thói quen tìm kiếm nguồn thức ăn để thích ứng nhanh chóng với các điều kiện thời tiết đang thay đổi do biến đổi khí hậu. Điều này cho thấy những mầm bệnh từng chỉ giới hạn ở một số khu vực địa lý này nhiều khả năng có thể lây lan xa hơn, thậm chí là có nguy cơ lây nhiễm qua lại giữa người và các loài động vật có nguy cơ cao.
Ngày 2/6, một số chuyên gia y tế đã bày tỏ quan ngại rằng đậu mùa khỉ và các bệnh truyền nhiễm khác có thể lây nhiễm sang động vật qua chất thải y tế của con người.
Các nhà khoa học thận trọng cho rằng sự cảnh giác cao độ và hợp tác toàn cầu sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc chặn đứng đợt bùng phát đậu mùa khỉ hiện nay.
Theo ông William Karesh, Chủ tịch nhóm công tác về động vật hoang dã của Tổ chức Thú y thế giới nhấn mạnh điều quan trọng là hạn chế các sự kiện lây lan. Nếu thế giới chỉ tập trung vào các phương pháp điều trị, thế giới nhiều khả năng sẽ lại đối mặt với căn bệnh mới trong tương lai.
Theo Vietnamplus