Hana Mohsin Khan, nữ phi công 32 tuổi, là một trong hơn 80 phụ nữ Hồi giáo hồi đầu tháng 7 bị đăng ảnh trên Sulli Deals, ứng dụng đấu giá giả lấy tên theo một thuật ngữ xúc phạm phụ nữ Hồi giáo thường được những người đàn ông Hindu cánh hữu sử dụng.

Trên ứng dụng này, người dùng được mời chào "mua" phụ nữ như một món hàng đấu giá. Dù không bị đấu giá thật, những phụ nữ bị đưa lên ứng dụng cảm thấy sợ hãi, tổn thương và tức giận.

"Đó là bởi tôn giáo, bởi tôi là người Hồi giáo", Khan nói.

                               Hana Mohsin Khan, nữ phi công 32 tuổi, nhà bảo vệ nữ quyền mạnh mẽ theo Hồi giáo tại Ấn Độ. Ảnh: Hana Mohsin Khan

Hai tháng sau, GitHub, một nền tảng công nghệ trụ sở tại Mỹ, đã gỡ ứng dụng, nhưng nạn nhân vẫn giận dữ vì không ai phải chịu trách nhiệm.

Họ cho rằng việc giới chức không có hành động xử lý đã làm nổi bật tình trạng phân biệt đối xử mà phụ nữ Hồi giáo phải đối mặt tại Ấn Độ, quốc gia mà đạo Hindu thống trị và những người ủng hộ nữ quyền thường bị công kích trên mạng xã hội. Các nạn nhân quyết định lên tiếng.

Khan là một trong 4 người đã nộp đơn khiếu nại lên cảnh sát Ấn Độ. Praveen Duggal, quan chức cấp cao của cảnh sát Delhi, xác nhận đơn vị an ninh mạng của Ấn Độ đang điều tra khiếu nại, nhưng không chia sẻ thêm vì "đây là vấn đề mật".

Ấn Độ đã ban hành luật trừng trị tội phạm mạng, nhưng không có luật cụ thể chống lại hành vi bắt nạt trên mạng, dù tình trạng lạm dụng phụ nữ trên không gian ảo đang gia tăng.

Khan và các nhà hoạt động nữ quyền khác cho biết họ đang bị những người đàn ông giấu mặt trên mạng xã hội tìm cách đe dọa, trong khi chính quyền Ấn Độ không hành động quyết liệt để ngăn chặn.

Ngoài tôn giáo, những phụ nữ này còn muốn chia sẻ quan điểm về quyền bình đẳng giới ở Ấn Độ. Theo báo cáo Khoảng cách giới toàn cầu năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, chưa tới 1/4 phụ nữ Ấn Độ tham gia thị trường lao động và chỉ được trả lương bằng 20% đàn ông. Tình trạng bạo lực với phụ nữ luôn là vẫn đề nan giải, với hơn 25% phụ nữ bị bạn đời bạo hành hoặc kiểm soát.

Không lời đe dọa bạo lực nào được đưa ra trên ứng dụng Sulli Deals, nhưng các nạn nhân cho rằng việc công bố tài khoản Twitter và đăng ảnh lấy từ tài khoản mạng xã hội của họ là một hành vi lạm dụng.

Khan có 15.000 người theo dõi trên Twitter và thường xuyên nhận được bình luận thù hằn, chủ yếu từ đàn ông. Số lượng này tăng lên sau khi ảnh của cô bị đưa lên ứng dụng.

"Đàn ông cảm thấy bị đe dọa bởi những người phụ nữ mạnh mẽ ở đất nước chúng tôi", cô nói. "Những phụ nữ Hồi giáo thẳng thắn, dám lên tiếng là mối đe dọa lớn nhất trong mắt họ".

6,5% trong số 580 triệu phụ nữ Ấn Độ là người Hồi giáo, theo điều tra dân số năm 2011 của chính phủ. Sau khi những hình ảnh "đấu giá" đăng lên mạng xã hội, một nạn nhân đã tạo nhóm WhatsApp thu hút 21 người tham gia để hỗ trợ lẫn nhau, bao gồm nhà thơ Nabiya Khan.

Nabiya Khan thường xuyên đăng văn thơ lên Twitter để lên tiếng vì những người bị gạt ra ngoài lề xã hội ở Ấn Độ, điều khiến cô tin rằng đã thu hút chú ý của những kẻ lập ra ứng dụng Sulli Deals.

"Đàn ông cho rằng bạo lực giới tính là hình phạt hợp pháp cho phụ nữ dám lên tiếng", Nabiya nói.

Cô đã khiếu nại với cảnh sát nhưng không nhận được phản hồi. "Tôi hy vọng đơn khiếu nại sẽ được điều tra một cách công tâm nhưng chẳng có hành động pháp lý nào được thực hiện, tôi vô cùng tức giận", cô bày tỏ.

Bạn hành trực tuyến là một vấn đề lớn ở Ấn Độ, đặc biệt với phụ nữ. Theo báo cáo năm 2019 của Tổ chức Ân xá Quốc tế, nữ chính trị gia Ấn Độ bị bạo hành trên mạng gần gấp đôi so với đồng nghiệp ở Mỹ và Anh. Báo cáo rà soát 7,1 triệu bài đăng trên Twitter đề cập tới nữ chính trị gia và phát hiện gần một triệu bài có nội dung bạo hành hoặc có vấn đề, bao gồm các bài viết mang tính thù địch và phân biệt giới tính.

Nhiều vụ không được tố cáo ở Ấn Độ, theo chuyên gia luật không gian mạng Karnika Seth. "Sau khi khi lạm dụng trên mạng, nạn nhân thường không muốn nhắc tới nữa. Nhiều vụ gia đình và nạn nhân muốn kết thúc, đặc biệt là các vụ rình rập trên mạng", Seth nói.

Trong phiên họp quốc hội ngày 8/8, Bộ trưởng Công nghệ Thông tin Ấn Độ Ashwini Vaishnaw cho hay Internet phát triển với tốc độ nhanh "khiến tội phạm mạng gia tăng trên toàn thế giới". Tuy nhiên, Ấn Độ không có luật thống nhất chống bắt nạt trên mạng và số vụ trình báo cảnh sát cũng thấp.

Ấn Độ chỉ ghi nhận 7 vụ bắt nạt trực tuyến phụ nữ và trẻ em được trình báo năm 2017. Con số này tăng lên 40 vào 2018 và 45 vào 2019, theo Cục Hồ sơ Tội phạm Quốc gia. Hiện chưa rõ bao nhiêu người phải hầu tòa và bị kết án.

Các nhà hoạt động cho rằng hệ thống tố tụng hình sự Ấn Độ rất rắc rối, nên nhiều nạn nhân không muốn nộp đơn khiếu nại. Khi khiếu nại, luật sư phải trình được bằng chứng điện tử lấy từ thiết bị của bị cáo, điều rất khó, thậm chí bất khả thi, Seth cho hay. Nếu đơn kiện đến được tòa án, thẩm phán cũng phải mất nhiều năm mới ra phán quyết.

"Có rất nhiều vụ tội phạm mạng tồn đọng", cô nói. "Cảnh sát cũng không được trang bị tốt".

Đây không phải lần đầu phụ nữ Hồi giáo Ấn Độ trở thành nạn nhân của đấu giá trực tuyến giả. Hồi tháng 5, một tài khoản YouTube Ấn Độ có tên Liberal Doge cũng tải lên một video tương tự ứng dụng này, dường như là "đấu giá" phụ nữ Hồi giáo Pakistan kèm ảnh trái phép.

Tài khoản này sau đó bị YouTube xóa do vi phạm chính sách cấm ngôn từ kích động. Theo YouTube, ba tài khoản tương tự cũng đã bị xóa. Hiện chưa rõ những tài khoản này có phải cùng một người lập hay không. Giới chức cho hay chưa ai bị bắt hoặc bị điều tra.

Chính trị gia và các nhà hoạt động kêu gọi công lý cho những phụ nữ bị rao bán trên mạng. Ngày 30/7, Priyanka Chaturvedi, chính trị gia đảng Shiv Sena đối lập, viết thư gửi Bộ trưởng Vaishnaw, kêu gọi ông hành động xử lý Sulli Deals và Liberal Doge.

                                                              Nabiya Khan, nhà thơ Ấn Độ. Ảnh: Nabiya Khan

Trong thư đăng trên Twitter, bà cho hay tình trạng "thiếu quy định pháp luật và hình phạt ngăn chặn hiệu quả" là yếu tố thúc đẩy những vụ phạm tội tương tự tiếp tục xảy ra trong tương lai.

"Ở một đất nước mà phụ nữ đang đấu tranh với định kiến giới, những vụ này làm thui chột sự bảo vệ và an toàn dành cho phụ nữ, đặc biệt ở không gian mạng", bà nói. "Tôi rất đau lòng khi thấy hầu như không có bất kỳ hành động nào xử lý những vụ này, dù chúng rất nghiêm trọng".

Văn phòng ông Vaishnaw không trả lời yêu cầu bình luận.

Hana Mohsin Khan và Nabiya Khan cho rằng việc chính quyền không hành động cho thấy Ấn Độ thiếu hỗ trợ nạn nhân bị lạm dụng trực tuyến. Nabiya tuyên bố sẽ không ngừng lên tiếng chống nạn lạm dụng và "sẽ dồn mọi sức lực bảo vệ phụ nữ bị những gã đàn ông này nhắm mục tiêu".

Theo vnexpress