leftcenterrightdel
Thay vì gắn bó với chỉ một công ty, những lao động có chuyên môn cao lựa chọn công việc tự do. Ảnh: AFP. 

Trong một báo cáo vào tháng 12/2021, Viện Nghiên cứu và Chính sách Phần mềm Hàn Quốc định nghĩa các "super freelancer" (siêu freelancer) là "những người thực hiện công việc theo từng dự án và tìm kiếm công việc dựa trên danh tiếng của ngành".

Các super freelancer cũng trái ngược với freelancer - những người thường bị đối xử tệ trong các ngành công nghiệp và thường có kỹ năng kém hơn các nhân viên toàn thời gian, theo Korea JoongAng Daily.

Một số người trong số họ, chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ và tiếp thị, đang làm việc cho một công ty nhưng nhận công việc phụ thông qua các nền tảng tự do.

Theo nền tảng Kmong, có hơn 300 nhân viên làm việc cho 7 công ty - Naver, Kakao, Line, Coupang, Baedal Minjok, Carrot Market và Toss - đã đăng ký tìm công việc phụ trên Kmong. Nền tảng Wishket cũng cho biết những người "làm những gì họ muốn, vào lúc họ thích, ở nơi họ lựa chọn" đang ngày càng gia tăng về số lượng.

"Điều mà các super freelancer sợ nhất là không còn theo kịp công nghệ. Nếu không vượt qua được điều đó, họ sẽ bị đào thải khỏi thị trường", Lee Jong-ju, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu và Chính sách Phần mềm, cho biết.

Cơ hội việc làm

Ngày càng nhiều công ty tìm kiếm super freelancer để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án.

Nếu trong quá khứ, các chuyên gia được đánh giá cao nhờ bằng cấp thì các super freelancer hiện chứng minh giá trị của mình qua công việc và kỹ năng bản thân tích lũy được. Phần lớn trong số họ từng làm việc cho một công ty, xây dựng sự nghiệp của mình sau đó chuyển sang làm tự do.

Những super freelancer đầu tiên là các nhà phát triển công nghệ thông tin. Tuy nhiên trong 2 năm qua, các lĩnh vực có sự xuất hiện của nhóm lao động này ngày càng nhiều.

"Nhu cầu về nhóm nhân lực này đang tăng lên trong tất cả lĩnh vực cần chuyên môn, ví dụ như phát triển công việc kinh doanh mới, chiến lược quản lý, tiếp thị và phát triển thị trường", một lãnh đạo của Talentbank, nền tảng kết nối công ty - nhân viên, cho biết.

Kim Tae-hun, phó chủ tịch Kmong, cho biết: “Xu hướng sử dụng các super freelancer trong những lĩnh vực như thuế, các vấn đề pháp lý và lao động ngày càng tăng. Nhóm này được coi là đã kiếm hơn 100 triệu won (76.900 USD) mỗi năm và số lượng đã tăng hơn 20% so với năm ngoái".

leftcenterrightdel
 Nhiều freelancer từng làm việc cho một công ty, xây dựng sự nghiệp của mình sau đó chuyển sang làm tự do. Ảnh: Yonhap.

Những thay đổi trong chu kỳ làm việc ở các công việc thường xuyên cũng là một yếu tố khiến lượng super freelancer gia tăng.

Số người có nhiều công việc phụ ngày càng tăng do bắt đầu các chương trình làm việc 4 ngày/tuần hoặc 40 tiếng/tuần, khiến họ có nhiều thời gian rảnh ngoài giờ làm việc hơn.

Theo Statistics Korea, số người có công việc phụ ở Hàn Quốc là 566.000 vào năm 2021, cao nhất từ trước đến nay.

Trong quá khứ, các freelancer tìm việc chủ yếu qua truyền miệng. Hiện, nhiều nền tảng trực tuyến đóng vai trò là kênh kết nối. Tại Hàn Quốc, WantedGigs, Wishket, Talentbank và Kmong là một số nền tảng thường được tìm đến.

Các nền tảng này thông báo cho freelancer mức thu nhập phù hợp với công việc của họ.

"Những người là super freelancer thường kiếm được nhiều hơn khoảng 20% so với các lao động có cùng số năm kinh nghiệm và kỹ năng làm việc", một lãnh đạo WantedGigs cho biết.

Tìm việc phù hợp

 Khi các yêu cầu dự án của công ty ngày càng trở nên phức tạp còn các super freelancer thì nhỏ lẻ, việc kết nối hai bên với nhau cũng cần sự tính toán thông minh. Các nền tảng kết nối công việc cho freelancer đang sử dụng các công nghệ tiên tiến, ví dụ như phân tích dữ liệu, để đưa ra kết quả phù hợp nhất.

"Phải mất khoảng 1 tuần kể từ khi nhận được yêu cầu đến khi vụ kết nối hoàn tất", Lee Dong-hoon, trưởng nhóm tại WantedGigs, cho biết.

Theo nền tảng Upwork có trụ sở tại San Francisco, tỷ lệ freelancer nền tảng này kết nối với công việc chuyên môn chuyên nghiệp ở Mỹ tiếp tục tăng từ 45% năm 2019 lên 50% vào năm 2020 và 53% vào năm 2021. Tỷ lệ người làm nghề tự do có bằng thạc sĩ là 51%. Ngoài ra, các nền tảng như Fiverr và Guru cũng đang phát triển nhanh chóng.

leftcenterrightdel
Có thu nhập hấp dẫn song super freelancer cũng đối mặt nhiều rủi ro trong công việc. Ảnh minh họa: Phim Vincenzo. 

Đối với các công ty, điều quan trọng là chọn được đúng chuyên gia và giao phó công việc cho họ.

"Gần đây, các nền tảng kết nối đã bắt đầu xác minh kỹ năng của super freelancer dưới nhiều hình thức khác nhau, như xếp hạng sau khi hoàn thành dự án, song không dễ vì không có nhiều dữ liệu tích lũy", lãnh đạo từ một công ty cho biết.

Đối với các freelancer, nhiều người cho rằng vẫn còn thiếu những quy định để ngăn các công ty trì hoãn việc trả tiền hoặc yêu cầu họ làm thêm nhiệm vụ, khác với yêu cầu tại thời điểm ký hợp đồng.

Một số người lại lo ngại rằng thu nhập của các super freelancer khó theo dõi. Theo Park Ji-soon, giáo sư luật tại Đại học Luật Hàn Quốc, "cần chuẩn bị một nền tảng thuế thống nhất cho các super freelancer".

Còn một vấn đề khác là bảo hiểm tai nạn lao động không áp dụng cho những người làm việc tự do như nhóm này. Vào tháng 5, khi việc sửa đổi Đạo luật Quan hệ Lao động được Quốc hội Hàn Quốc thông qua, một số lao động đặc biệt, ví dụ như nhân viên giao hàng, có thể đăng ký bảo hiểm tai nạn lao động. Lần sửa đổi này không bao gồm nhóm freelancer.

"Trước khi ban hành luật, nếu tạo ra và thực hiện được các quy tắc tự quản cho từng ngành hoặc chức danh công việc cũng sẽ đem lại hiệu quả", giáo sư Park nói.

Theo zingnews