Đại dịch Covid-19
Theo thống kê của Liên hợp quốc (LHQ), hơn 888 triệu trẻ em trên thế giới đối mặt với tình trạng gián đoạn giáo dục khi trường học bị đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần do Covid-19. Tổ chức Save the Children và UNICEF đang kêu gọi các chính phủ nhanh chóng mở rộng hệ thống an sinh xã hội để giảm thiểu ảnh hưởng của Covid-19 lên trẻ em.
Trẻ em Ấn Độ mồ côi vì đại dịch Covid-19
Riêng Covid-19 đã tàn phá nhiều gia đình trên khắp Ấn Độ, khiến nhiều em thành trẻ mồ côi. Tình hình dịch Covid-19 nghiêm trọng tại Ấn Độ đã khiến hàng loạt trẻ em nước này rơi vào cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ. Ước tính, hiện có khoảng 350.000 trẻ mồ côi đang được chăm sóc tại các trung tâm ở Ấn Độ.
Hàng triệu trẻ em tăng nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng trong thời gian phong tỏa, giãn cách xã hội vì đại dịch COVID-19. Trên khắp thế giới có khoảng 750.000 kẻ đang ngồi tìm kiếm các hình ảnh, video về tình dục trẻ em. Cũng có khoảng từng ấy hình ảnh lạm dụng tình dục trẻ em được đăng tải lên Internet mỗi ngày, trong đó có cả trẻ dưới 2 tuổi. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương có tỷ lệ trẻ em truy cập mạng cao nhất thế giới. UNCIEF cảnh báo rằng những thông tin sai lệch trên mạng đã làm tăng nguy cơ trẻ bị dụ dỗ, xâm hại và các hình thức bóc lột khác.
Trẻ em dễ bị bắt nạt trên mạng
Chiến tranh, xung đột
Khoảng 250 triệu trẻ em đang sống ở những khu vực có chiến tranh. Có khoảng 8.000 trẻ em tham gia các cuộc chiến tại hơn 20 quốc gia trên toàn cầu. 1 triệu trẻ em ở khu vực Gaza đang gánh chịu hậu quả của cuộc xung đột mà không có nơi ở an toàn. 68 trẻ em Gaza đã thiệt mạng trong cuộc xung đột mới nhất giữa Israel và Hamas (Palestine), 444 trẻ khác bị thương. Ước tính có khoảng 250.000 trẻ em cần được bảo vệ và hỗ trợ về sức khỏe tâm thần.
Trẻ em Gaza bị thương do không kích
Khoảng 2 triệu trẻ em đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng bạo lực bùng phát tại Cộng hòa Trung Phi từ tháng 12/2012, trong đó 1,2 triệu trẻ em đang cần cứu trợ khẩn cấp. Bạo lực đã tàn phá Cộng hòa Trung Phi và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của trẻ em ở đây. Gần 370.000 trẻ em phải tị nạn trong bối cảnh bạo lực đang diễn ra.
Trường học bị đốt phá hoặc trở thành nơi đồn trú để tiếp tục tấn công vào những mục tiêu lân cận. Không dừng lại đó, các tay súng còn tấn công học sinh và giáo viên trên đường đến trường, thậm chí ngay trong lớp học. Việc bỏ học giữa chừng sẽ khiến các em nhỏ phải đối mặt với một loạt nguy cơ như bị cưỡng ép đi lính, trở thành mục tiêu của các hành vi bạo lực, lao động cưỡng bức hay xâm hại tình dục, đặc biệt đối với trẻ em gái.
Trẻ em Trung Phi đói ăn
UNICEF còn cảnh báo đến tình trạng trẻ em gia tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng và hạn chế tiếp cận dịch vụ thiết yếu. Tuyển dụng và sử dụng lính trẻ em trong các nhóm vũ trang vẫn là hành vi vi phạm quyền trẻ em nghiêm trọng thường xuyên nhất ở Cộng hòa Trung Phi: Có 584 trong tổng số 792 trường hợp được ghi nhận vào năm 2020. Việc tuyển dụng lính trẻ em vẫn tiếp tục trong 5 tháng đầu năm 2021.
Biến đổi khí hậu
UNICEF báo động rằng, trẻ em đã và đang phải vật lộn với sự tàn phá khủng khiếp hành tinh và khủng hoảng khí hậu toàn cầu có thể làm giảm đi những tiến bộ đạt được trong lĩnh vực sống còn và phát triển của trẻ em trong 30 năm qua. Sự gia tăng của thời tiết cực đoan và ô nhiễm không khí, hạn hạn kéo dài và lũ quét chính là một phần của khủng hoảng. Những điều này đang gây ảnh hưởng không nhỏ tới những trẻ em nghèo nhất, dễ bị tổn thương nhất.
Hạn hán ảnh hưởng đến cuộc sống trẻ em Nam Á
Trong số 750 triệu trẻ em ở 45 nước có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi rủi ro khí hậu, có 210 triệu trẻ em ở các quốc gia Nam Á gồm Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh. Khoảng 490 triệu trẻ em dưới 18 tuổi ở 35 quốc gia châu Phi có nguy cơ cao nhất phải chịu tác động của biến đổi khí hậu. Trẻ em sẽ bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu lương thực, bệnh tật và các mối đe dọa về sức khỏe khác, khan hiếm nước do mực nước dâng cao. Ngày 28/5, trong 400.000 người Congo phải đi lánh nạn có gần 280.000 trẻ em do núi lửa Nyiragongo phun trào.
280.000 trẻ em Congo chạy loạn do núi lửa Nyiragongo phun trào
Còn ở các quốc gia giàu, lượng phát thải khí carbon quá mức đang đe dọa tương lai của tất cả trẻ em. Nếu nhiệt độ nóng lên của trái đất vượt 4°C vào năm 2100 sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với trẻ em. Do nước biển dâng, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài, sự lây lan của bệnh dịch như sốt rét và sốt xuất huyết sẽ rộng khắp. Thiếu lương thực dẫn đến nhiều trẻ em bị suy dinh dưỡng.
Trẻ em kêu gọi bảo vệ trái đất, làm sạch đại dương
UNICEF đang tăng cường các hoạt động bảo vệ trẻ em trên thế giới. Những nỗ lực này bao gồm việc triển khai các đội bảo vệ trẻ em lưu động, những người có thể tiếp cận trẻ em dễ bị tổn thương, bao gồm cả những trẻ em ở vùng sâu vùng xa. UNICEF và các đối tác cũng đang nỗ lực cung cấp cho trẻ em các hoạt động sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội thông qua các không gian thân thiện với trẻ em và các can thiệp dựa vào cộng đồng khác.
Nhu Thụy (Nguồn: UNICEF, UN)