Kiều bào đến từ 22 nước chụp ảnh chung tại cột mốc chủ quyền trên đảo Hoàng Sa. (Ảnh: Tuấn Anh/Vietnam+)
Nhân kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã trả lời phỏng vấn báo chí về công tác đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc; khẳng định cơ sở của sự đoàn kết là lòng yêu nước, ý thức và niềm tự hào dân tộc, mục tiêu chung là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
- Xin Thứ trưởng nhận định về công tác đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc trong thời gian qua, đặc biệt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài?
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu: Với sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc tích cực của các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị-xã hội, địa phương, sự hưởng ứng của nhân dân trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài, công tác đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc thời gian qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng.
Một trong những kết quả quan trọng nhất là nhận thức, ý thức trách nhiệm trong triển khai công tác này từ cả phía các cơ quan trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đều có những chuyển biến tích cực.
“Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”; công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài “là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị và của toàn dân,” “thể hiện đầy đủ truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc.”
Những quan điểm nhất quán và xuyên suốt này được khẳng định ngay từ Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 29/11/1993 của Bộ Chính trị về chính sách và công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài; sau đó luôn được thể hiện xuyên suốt trong các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị như Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW và gần đây nhất Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Kết luận số 12-KL/TW là “tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện có hiệu quả chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc,” từ đó “phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khuyến khích và tạo điều kiện để đồng bào Việt Nam ở nước ngoài đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”
Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài đã đạt được nhiều kết quả thực chất, ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả, trong đó nổi bật là công tác đại đoàn kết và thu hút nguồn lực. Các nội dung trọng tâm của công tác người Việt Nam ở nước ngoài bao gồm xây dựng cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến kiều bào, vận động và hỗ trợ kiều bào đều được triển khai đồng bộ, hiệu quả, mang lại chuyển biến rõ rệt trong cộng đồng.
Bộ Ngoại giao tích cực, chủ động phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, tổ chức chính trị-xã hội kiên trì triển khai công tác đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc thông qua các hoạt động thường niên gắn với những ngày lễ lớn của đất nước, nhằm hỗ trợ, khuyến khích bà con ta ở nước ngoài hướng về quê hương.
Các sự kiện, chương trình tiêu biểu có thể kể tới như Xuân Quê hương, Đoàn kiều bào tham dự Giỗ Tổ Hùng Vương, Kiều bào thăm quân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, Trại hè dành cho thanh niên, sinh viên kiều bào… đã thu hút sự tham gia của đông đảo kiều bào, trong đó có cả những người trước đây từng có quan điểm khác biệt, giới báo chí, phóng viên hải ngoại… góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của kiều bào.
Chúng ta đã từng bước phát huy được vai trò của các kênh truyền thông kiều bào trong việc cung cấp thông tin chính xác, khách quan về tình hình đất nước tới bà con ở nước ngoài, góp phần đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch.
Với những nỗ lực trên, cùng với cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, niềm tin, lòng tự hào dân tộc của mỗi kiều bào không ngừng được củng cố.
Tuy nhiên, công tác đại đoàn kết dân tộc mang tính lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ, không thể nóng vội. Sự chuyển biến về nhận thức, tư tưởng không thể diễn ra trong một sớm một chiều, đòi hỏi có thời gian để sự vận động, thuyết phục có thể phát huy hiệu quả.
Những kết quả đạt được là to lớn nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận rằng còn nhiều điều cần phải làm để công tác đại đoàn kết đối với người Việt Nam ở nước ngoài xứng đáng với yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong tình hình mới cũng như kỳ vọng của đồng bào ta ở nước ngoài.
- Song song với công tác quy tụ kiều bào khắp thế giới, không thể không kể đến công tác hòa hợp dân tộc, Thứ trưởng có thể chia sẻ một số khó khăn, thuận lợi trong công tác này?
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu: Công tác đại đoàn kết, vận động đồng bào Việt Nam ở nước ngoài hướng về quê hương luôn là nhiệm vụ trọng tâm của công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
Công tác này có thuận lợi to lớn là luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Trong những chuyến công tác nước ngoài hoặc những dịp kiều bào về nước, lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn dành thời gian, gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của bà con và chỉ đạo các cơ quan trong nước kịp thời giải quyết những nguyện vọng chính đáng của bà con.
Bên cạnh đó, nhận thức của các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị-xã hội, địa phương về công tác đại đoàn kết dân tộc ngày càng được nâng cao. Nhiều chủ trương, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho kiều bào về nước làm việc, đầu tư, kinh doanh đã được xây dựng và triển khai. Nhiều hoạt động về nguồn nhằm gắn kết kiều bào với quê hương đã được tổ chức thường xuyên.
Những nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng, phát triển, bảo vệ đất nước và những thành tựu lớn lao chúng ta đạt được trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… cũng là những nền tảng quan trọng cho công tác hòa hợp dân tộc, tạo sự chuyển biến về nhận thức trong cộng đồng, phản bác lại các luận điệu xuyên tạc, thù địch.
Ngoài ra, những chuyển biến trong tình hình cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng là những nhân tố thuận lợi, giúp cho công tác đại đoàn kết, quy tụ kiều bào hướng về quê hương đạt được những thành quả quan trọng. Cộng đồng tăng mạnh về số lượng và mở rộng hơn về địa bàn. Hiện có hơn 5,3 triệu người Việt sinh sống, làm việc, học tập ở trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thành phần cộng đồng ngày càng được mở rộng và đa dạng hơn. Thế hệ kiều bào trẻ - những người sinh ra sau chiến tranh, có tư tưởng cởi mở hơn đã và đang trở thành lực lượng chủ yếu, tác động đến nhận thức, thái độ của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, vai trò, vị thế và uy tín của cộng đồng trong xã hội sở tại ngày càng được nâng cao; kiều bào thực sự trở thành nguồn lực quan trọng đóng góp cho quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Một số kiều bào đóng vai trò nòng cốt, có sức ảnh hưởng, quy tụ lớn trong việc tập hợp, đoàn kết cộng đồng hướng về quê hương.
Các kiều bào tặng sách trên đảo Trường Sa. (Ảnh: T.G/Vietnam+)
Các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được củng cố và phát triển, góp phần tăng cường đoàn kết trong cộng đồng, gìn giữ và lan tỏa bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc Việt Nam ở nước ngoài. Tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, gắn bó với quê hương trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng được khơi dậy và tăng cường.
Tuy nhiên, trong triển khai, công tác này vẫn còn một số khó khăn. Về phía các cơ quan trong nước, nhận thức của các cấp, ngành, địa phương về người Việt Nam ở nước ngoài và công tác này có lúc, có nơi chưa thực sự đầy đủ và thống nhất; vẫn còn tồn tại thành kiến với kiều bào.
Về phía kiều bào, một bộ phận còn định kiến, nhận thức và hành động không phù hợp lợi ích quốc gia-dân tộc; cá biệt một số người có thái độ chống phá quyết liệt; còn có một bộ phận trung dung giữ thái độ im lặng. Thế hệ kiều bào trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài do ảnh hưởng từ thế hệ đi trước, rào cản về ngôn ngữ, văn hóa nên có người còn thờ ơ, không quan tâm đến tình hình đất nước.
Các thế lực thù địch và các lực lượng người Việt cực đoan thường xuyên thay đổi hình thức chống phá, ngày càng tinh vi hơn; tăng cường lợi dụng những vấn đề “nóng, bất cập” ở trong nước để lôi kéo, kích động bà con.
- Trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng, theo Thứ trưởng, công tác hòa hợp dân tộc trong thời gian tới cần làm gì để phù hợp với tình hình mới?
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu: Thời gian tới, để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác đại đoàn kết đối với người Việt Nam ở nước ngoài, cần quán triệt sâu sắc hơn nữa những quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác người Việt Nam ở nước ngoài nêu trong văn kiện Đại hội Đảng XIII cũng như các Nghị quyết, Chỉ thị và Kết luận của Bộ Chính trị.
Công tác người Việt Nam ở nước ngoài cần thể hiện đầy đủ và phát huy hơn nữa truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc. Cơ sở của sự đoàn kết là ý thức dân tộc và lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và mục tiêu chung của mọi người Việt Nam là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, làm cho dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung…; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai; xóa bỏ mặc cảm, định kiến; chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc.
Mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Bộ Ngoại giao sẽ chủ động, tích cực phối hợp với các ban, bộ ngành, địa phương, tổ chức chính trị-xã hội để tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện hiệu quả chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng, Nhà nước đối với kiều bào.
Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, linh hoạt trong triển khai vận động người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là thế hệ trẻ, gắn bó và hướng về quê hương, đất nước. Kiên trì vận động những kiều bào còn định kiến để củng cố niềm tin, yên tâm hướng về Tổ quốc, nhận thức và hành động phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc.
Tiếp tục coi trọng, quan tâm hỗ trợ và phát huy vai trò của các lực lượng nòng cốt, những người có uy tín, ảnh hưởng trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trên cơ sở phù hợp pháp luật của nước sở tại và Việt Nam.
Kịp thời tôn vinh, động viên, khích lệ đồng bào ta ở nước ngoài có đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngoài ra, cần tiếp tục quan tâm giải quyết các vấn đề do lịch sử để lại trên tinh thần đối thoại, lắng nghe, cởi mở, chân thành, khoan dung, sẵn sàng chấp nhận khác biệt.
- Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của Thứ trưởng./.
Theo TTXVN/Vietnam+