Một loạt trường hợp của những người được giải cứu sau khi bị gia đình nhốt trong nhiều năm đã khiến người dân Nigeria bị sốc. Một số người lớn, được cho là bị bệnh tâm thần, bị xích sắt quấn quanh mắt cá chân, bị buộc phải ăn, ngủ và đi vệ sinh trong cùng một nơi giam giữ. Điển hình là trường hợp một người đàn ông 32 tuổi bị xích ít nhất 7 năm trong garage của cha mẹ anh ta ở bang Kano, phía tây bắc Nigeria.
Cũng có báo cáo về việc trẻ em bị đối xử bạo lực khi được mẹ kế hoặc họ hàng chăm sóc. Trường hợp gần đây nhất là vào tháng 9/2020, mẹ kế của một bé trai 7 tuổi đã bị bắt sau khi cậu bé có thể đã bị nghi phạm đánh đập đến chết tại nhà riêng ở Kano, bang lớn nhất ở miền bắc Nigeria. Điều đáng nói là cho đến nay, bà mẹ kế ác độc này vẫn chưa bị buộc tội trước tòa.
Câu chuyện về cậu bé bị nhốt trong chuồng gà
Những trường hợp trẻ em bị ngược đãi đã trở nên phổ biến trên khắp đất nước Nigeria trong thời gian gần đây, nhất là ở các tỉnh miền Bắc của quốc gia có hơn 193 triệu dân này.
Tháng 8 vừa qua, người dân Nigeria xôn xao về chuyện một cậu bé 11 tuổi bị nhốt trong chuồng gà ở bang Kebbi, trong khi cha cậu và các bà mẹ kế (hiện đã bị buộc tội ra tòa) sống thoải mái trong nhà. Mọi người rất phẫn nộ trước hình ảnh một đứa trẻ ngồi xổm bên cạnh một con gà mái và một con gà tây với tâm trạng ủ dột, buồn bã.
Những trường hợp trẻ em bị ngược đãi đã trở nên phổ biến trên khắp đất nước Nigeria trong thời gian gần đây
Ông Haruna Ayagi, người đứng đầu Mạng lưới Nhân quyền (HRN), một tổ chức phi chính phủ tại Nigeria, cho biết, chỉ tính riêng trong tháng 8, ở bang Kano, tổ chức này đã tham gia vào việc giải cứu 12 người bị bạo hành, trong đó có 7 trẻ em. Có một điểm chung là những đứa trẻ bị bạo hành không sống với mẹ đẻ của chúng.
Tại Thủ đô Abuja, hai đứa trẻ khác đã được giải cứu khỏi một nhà vệ sinh, nơi chúng được cho là bị mẹ kế nhốt cả ngày cho đến khi bà này đi làm về.
Những đứa trẻ bị đánh đập, bị đốt và bị bỏ đói
Một số hình ảnh về những đứa trẻ bị ngược đãi trông giống như hình ảnh trong một bộ phim của Nollywood (ngành công nghiệp điện ảnh Nigeria), nơi nhân vật bà mẹ kế độc ác đã trở thành khuôn mẫu mà hầu hết người dân Nigeria đều quen thuộc. Tất nhiên, vẫn có những bà mẹ kế chăm sóc rất kỹ, yêu thương những đứa con không phải ruột thịt của mình, nhưng những trường hợp này không nhiều.
Theo nhà chức trách, ở Kano, một bé gái 7 tuổi đã bị mẹ kế đánh đập, bị đốt và bỏ đói. Cô bé khốn khổ này và những đứa trẻ khác đã được giải cứu ở Kano và đang ở nhà chăm sóc của chính phủ, được điều trị, tư vấn, trong khi một số cha mẹ và người giám hộ đã bị bắt nhưng họ vẫn chưa bị buộc tội trước tòa.
Tại Nigeria, Luật liên bang năm 2003 bảo vệ quyền trẻ em quy định rằng, các tiểu bang được phép giải cứu trẻ em khi bị nghi ngờ là "bị bỏ rơi hoặc bị bệnh". Mặc dù vậy, 11 bang phía Bắc, bao gồm cả Kano, vẫn chưa thông qua luật này vì những bất đồng liên quan đến chuyện xác định thế nào là trẻ em.
Chính quyền Nigeria thì coi những người dưới 18 tuổi là trẻ em và không được phép kết hôn. Trong khi đó, rất nhiều người theo đạo Hồi ở quốc gia này lại tin rằng, khi con trai hoặc con gái đến tuổi dậy thì, tức là chúng đã trưởng thành và có thể kết hôn.
Tranh cãi này đã ngăn cản việc thông qua luật ở 11 bang, khiến các bang này khó can thiệp vào những trường hợp nghi ngờ có hành vi đối xử tệ bạc hoặc bị bỏ rơi.
Chính phủ đã gặp khó khăn khi thực thi luật cấm trẻ em bán hàng rong ở Nigeria. Ảnh: Getty Images
Ngoài ra, chế độ đa thê ở miền Bắc Nigeria và sự dễ dàng mà người chồng có thể giải tán cuộc hôn nhân Hồi giáo của mình (anh ta chỉ cần nói với vợ mình "Anh ly hôn với em") đã khiến nhiều trẻ em không được sống với mẹ ruột của mình. Và khi trẻ em sống chung với mẹ kế, chúng sẽ đối mặt với nguy cơ bị ngược đãi.
Bà Imaobong Ladipo Sanusi, người đứng đầu Wotclef, một tổ chức vận động cho quyền của phụ nữ và trẻ em ở Nigeria, cho biết: "Nạn bạo hành trẻ em ở Nigeria đang bị bình thường hóa. Nguyên nhân chủ yếu là do sự thiếu hiểu biết về các quyền cơ bản của con người". Bà Sanusi muốn đẩy mạnh các chiến dịch nâng cao nhận thức về các quyền bình đẳng của con người, nhưng đó không phải là việc dễ dàng ở một quốc gia còn nhiều những vấn đề bất cập như Nigeria.
Sự kỳ thị đối với bệnh tâm thần
Mới đây, một người đàn ông 30 tuổi đã được giải cứu khỏi garage của cha mẹ anh ta ở Kano. Những người hàng xóm cho biết, anh ta đã bị nhốt trong 7 năm qua vì bị cho là mắc bệnh tâm thần. Khi được tìm thấy, người đàn ông khốn khổ này hầu như không thể đi lại được. Đôi chân của anh ta bị teo, đầu gối bị chai sần và quá yếu để có thể nâng cơ thể tiều tụy nghiêm trọng của mình.
Trong một trường hợp khác ở Kano, một người đàn ông 55 tuổi, đã được tìm thấy khi bị nhốt trong một căn phòng không có cửa ra vào hay cửa sổ. Một bàn chân của anh ta bị gắn vào một khúc gỗ lớn bằng một thanh kim loại.
Người đàn ông này đã bị gia đình nhốt trong 30 năm vì mắc bệnh tâm thần và đến tận bây giờ, anh ta mới được đưa đến bệnh viện đa khoa Rogo. Bác sĩ Luis Nweke cho biết, anh này bị "hành vi phi lý trí và rối loạn tâm thần".
Lực lượng cứu hộ phải cưa xích để giải cứu một người đàn ông ở Kano. Ảnh: HRN
Trong nhiều năm qua, Nigeria gặp rất nhiều khó khăn trong việc chăm sóc những người bị bệnh tâm thần, một phần vì sự kỳ thị liên quan đến các bệnh nhân.
Ở một số cộng đồng, bệnh tâm thần bị coi là điều cấm kỵ, bị kỳ thị và người bệnh tâm thần bị coi là "người điên". Họ bị gia đình, người thân bắt đi lang thang trên đường phố trong bộ quần áo rách nát và phải tìm thức ăn ở các bãi rác.
Chia sẻ với hãng BBC, một bác sĩ thuộc Hiệp hội bác sĩ tâm thần Nigeria cho biết: "Các trường hợp người tâm thần đối xử không ra gì ở khu vực phía Bắc đã phản ánh những gì đang xảy ra ở Nigeria. Vấn đề nhốt những người bị bệnh tâm thần và ngược đãi họ là chuyện phổ biến trên toàn quốc".
Cho đến nay, dữ liệu cập nhật về số người tâm thần ở Nigeria vẫn chưa có. Nhưng ở một quốc gia có dân số gần 200 triệu người mà chỉ có khoảng 300 bác sĩ tâm thần thì cơ hội chữa bệnh cho những bệnh nhân tâm thần Nigeria tại các bệnh viện là không cao. Chính vì thế, các gia đình của họ thường tìm đến các trung tâm chữa bệnh truyền thống và các cơ sở dựa trên tín ngưỡng gồm Cơ đốc giáo và Hồi giáo.
Tiến sĩ Oluseun Ogunnubi, một bác sĩ tâm lý tư vấn, cho biết: "Bởi vì hầu hết mọi người coi bệnh tâm thần là một vấn đề tâm linh, họ tìm kiếm sự giúp đỡ từ những thầy cúng và những người chữa bệnh truyền thống với hy vọng có thể xua đuổi linh hồn ma quỷ. Với kiểu chữa bệnh này, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân chỉ có thể nặng thêm".
N.A (Nguồn: BBC)