Theo Polygon, ngày 18/11, Nintendo trình đơn kiện lên tòa án Seattle, Mỹ, cáo buộc nhà bán lẻ người Việt Lê Hoàng Minh buôn bán thiết bị can thiệp trái phép vào trò chơi của hãng.
Cụ thể, thiết bị được nói đến là RCM Loader hoạt động qua đầu nối USB cắm trực tiếp vào Nintendo Switch, giúp người dùng chơi trái phép hầu hết game Switch hiện tại mà không cần phải mua.
Theo Nintendo, hãng này đã gửi thông báo vi phạm bản quyền cho tài khoản Amazon của Lê Hoàng Minh, song nhận lại yêu cầu phản tố. Do đó, công ty đã khởi kiện và yêu cầu sự can thiệp từ tòa án.
Trong đơn kiện, Nintendo nhận định vi phạm bản quyền là vấn đề mang tính quốc tế và ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.
|
RCM Loader được rao bán công khai trên các trang thương mại điện tử tại Việt Nam với mức giá rất đa dạng. Ảnh:CSHawk. |
Công ty yêu cầu tòa án đưa ra phán quyết dừng việc buôn bán thiết bị can thiệp trái phép như trên, cùng khoản bồi thường 2.500 USD cho mỗi vi phạm.
Tháng 5 năm nay, Nintendo cũng khởi kiện hai vụ tương tự, nhận được khoản bồi thường lên đến 2 triệu USD. Các đại lý vi phạm phải chịu lệnh cấm bán vĩnh viễn.
Ở hai vụ trên, các đại lý bị khởi kiện vì tội buôn bán công cụ bẻ khóa phần cứng lẫn phần mềm do nhóm hack “Team Xecuter” tạo ra. Hai thành viên nhóm này gồm Gary Bowser và Max Louarn bị bắt hồi đầu năm với 11 tội danh khác nhau.
Theo Ars Technica, hoạt động của tổ chức này gây tranh cãi ngay trong cộng đồng hacker thuộc nền tảng Switch. Nhiều thành viên nhận định việc làm của Team Xecuter là phi đạo đức khi tạo cơ hội cho kẻ gian lợi dụng lỗ hổng bảo mật, đi ngược lại tinh thần trao đổi kiến thức của cộng đồng này.
Nintendo không đề cập cụ thể trong đơn kiện Lê Hoàng Minh bán sản phẩm của Team Xecuter, nhưng chỉ ra người này phân phối RCM, SX OS (phần mềm của Team Xecuter) và các chương trình tương tự khác. Hiện người dùng có thể tìm kiếm RCM Loader trên Amazon, nhưng danh sách các sản phẩm cụ thể bị Nintendo khởi kiện đã bị xóa.
Ở Việt Nam, những công cụ bẻ khóa như RCM Loader được rao bán công khai trên các trang thương mại điện tử với mức giá rất đa dạng, dao động từ 40.000-2.500.000 đồng và chưa bao gồm phí hàn mạch.
Theo Zing