Nobel 2023: Giải Nobel Y sinh vinh danh hai nhà khoa học Hungary và Mỹ
Cập nhật lúc 23:52, Thứ ba, 03/10/2023 (GMT+7)
Giải Nobel 2023 Y sinh thuộc về nhà khoa học người Hungary Katalin Kariko và nhà khoa học người Mỹ Drew Weissman với phát hiện về việc biến đổi cơ sở nucleoside để phát triển vaccine công nghệ mRNA hiệu quả trong phòng ngừa Covid-19.
|
|
Giải Nobel 2023 Y sinh vinh danh 2 nhà khoa học Katalin Kariko và Drew Weissman. (Nguồn: Reuters) |
Chiều 2/10, tại thủ đô Stockholm, Thụy Điển, Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska đã công bố giải Nobel 2023 Y sinh. Tuyên bố của Hội đồng Nobel nhấn mạnh công trình nghiên cứu của 2 nhà khoa học trên đã góp phần thúc đẩy sản xuất vaccine với tốc độ nhanh chưa từng thấy trong suốt thời gian đại dịch Covid-19, 1 trong những mối đe dọa lớn nhất đối với con người trong lịch sử hiện đại.
Theo kế hoạch, 2 nhà khoa học Kariko và Weissman sẽ tham dự lễ trao giải Nobel chính thức vào ngày 10/12 tới tại Stockholm và nhận phần thưởng trị giá 11 triệu Crown Thụy Điển (986.000 USD), tăng 1 triệu Crown Thụy Điển so với năm ngoái.
Theo thông cáo báo chí của Hội đồng Nobel, nữ giáo sư Kariko đã tìm ra phương pháp giúp ngăn chặn phản ứng của hệ miễn dịch đối với vaccine công nghệ mRNA được sản xuất trong phòng thí nghiệm - vốn là trở ngại lớn nhất đối với mọi liệu pháp điều trị sử dụng công nghệ mRNA.
Năm 2005, bà đã cùng nhà khoa học Weissman phát hiện ra cách điều chỉnh nucleoside, vốn là các khối phân tử cấu tạo nên mRNA, tạo ra mRNA lai có thể xâm nhập vào tế bào mà không cần cảnh báo cho hệ phòng thủ của cơ thể.
Thông cáo còn đề cao những phát hiện mang tính đột phá của 2 nhà khoa học Kariko và Weissman, nhấn mạnh công trình của họ đã thay đổi sự hiểu biết căn bản về cách mRNA tương tác với hệ miễn dịch của con người.
Công nghệ này cũng cho thấy những kết quả đầy hứa hẹn để chống lại các bệnh khác như HIV, ung thư và bệnh di truyền.
Nhà khoa học Kariko từng là Phó chủ tịch cấp cao tại công ty dược phẩm BioNTech (Đức) cho đến năm 2022 và từ đó đến nay đảm nhận cương vị cố vấn cho hãng này. Bà cũng tham gia giảng dạy tại Đại học Szeged ở Hungary và là giáo viên trợ giảng tại Trường Y khoa Perelman tại Đại học Pennsylvania.
Bà đã được vinh danh với Giải thưởng Princess of Asturias, Giải thưởng Vilcek cho Sự xuất sắc trong Công nghệ sinh học, Giải thưởng Breakthrough trong Khoa học Đời sống…
Trong khi đó, nhà khoa học Weissman là giáo sư chuyên ngành nghiên cứu vacicne tại Trường Y khoa Perelman.
Bà Kariko và ông Weissman là 2 trong số 3 nhà khoa học được trao Giải thưởng khoa học công nghệ toàn cầu VinFuture tại Hà Nội tháng 1/2022 cũng với công trình nghiên cứu về mRNA giúp cứu sống hàng triệu người.
Giải Nobel Y sinh đã được trao 113 lần từ năm 1901 đến nay, trong đó có 12 phụ nữ từng được nhận giải này.
Trong năm 2022, giải thưởng danh giá này đã thuộc về nhà nghiên cứu di truyền học Svante Pääbo, người Thụy Điển, nhằm tôn vinh những phát hiện của ông liên quan chuỗi ADN của loài vượn người và quá trình tiến hóa của loài người.
Đáng chú ý ông Svante Pääbo chính là con trai của nhà khoa học Sune Bergström, người từng được trao giải Giải Nobel Y sinh hồi năm 1982.
Trong lịch sử, chủ nhân trẻ tuổi nhất của giải Nobel Y sinh là nhà khoa học người Canada Frederick G. Banting, nhận giải năm 1923 khi mới 32 tuổi, với công trình khám phá ra hormone tuyến tụy insulin điều trị bệnh tiểu đường.
Chủ nhân lớn tuổi nhất của giải thưởng này là bác sĩ Mỹ Peyton Rous, nhận giải năm 1966 khi ông 87 tuổi, với công trình nghiên cứu phát hiện một số virus có thể gây ra ung thư.
Giải thưởng Y sinh là giải khai màn tuần lễ Nobel 2023. Các giải thưởng tiếp theo được công bố gồm giải Nobel Vật lý (ngày 3/10), giải Nobel Hóa học (ngày 4/10) và giải Nobel Văn học (ngày 5/10).
Giải Nobel Hòa bình là giải thưởng duy nhất được công bố ở Oslo (Na Uy) ngày 6/10. Trong khi đó, giải Nobel Kinh tế sẽ khép lại tuần lễ Nobel 2023 vào ngày 9/10.
Theo baoquocte