“Cả người tôi dính đầy máu người thân”
Ngày 8/11, Bộ Y tế Palestine cho biết, số người thiệt mạng ở Gaza kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu (vào ngày 7/10) đã tăng lên 10.560, trong đó có 4.324 trẻ em, 26.457 người bị thương. Nhiều gia đình đã thiệt mạng toàn bộ.
Một số người may mắn thoát chết, nhưng giờ đây, điều đau đớn là khi đối diện với thực tế phũ phàng còn rất ít hoặc không còn ai là người thân bên cạnh, họ lại muốn được chết.
Trước khi cuộc xung đột xảy ra, đại gia đình chị Rushdiyya Toutah (43 tuổi) sống ở TP Gaza, phía bắc dải Gaza. Cũng như nhiều gia đình Palestine khác, gia đình chị Toutah sống chung nhiều thế hệ, tổng cộng hơn 40 người. Toutah và em gái bị khuyết tật, phải ngồi xe lăn và thường được gia đình giúp đỡ trong cuộc sống. Sau 10 ngày xảy ra xung đột, gia đình Toutah đã tan tác.
|
|
Dima al-Lamdani đau buồn và suy sụp khi đã mất hầu hết các thành viên trong gia đình - Nguồn ảnh: The Guardian |
“Thời điểm đó, gia đình tôi tìm đến Bệnh viện Ả Rập al-Ahli để ẩn náu. Chúng tôi dựng lều trong sân bệnh viện. Nhưng rồi một vụ nổ xảy ra đã giết chết gần 500 người, trong đó có nhiều người thân của tôi. Khi tôi tỉnh dậy, cả người tôi đầy máu và đó là máu của người thân” - chị Toutah kể trong nước mắt.
Sau vụ nổ, cha mẹ của Toutah, vợ chồng 2 anh trai và cô em gái khuyết tật của cô đều thiệt mạng. Trong số hơn chục đứa cháu trong gia đình, chỉ có duy nhất cháu trai tên Yamen sống sót. “Khi tỉnh dậy, tôi cảm thấy đau khắp cơ thể và gần như không thể nhìn thấy gì vì lửa đã làm phỏng cả người và mắt tôi. Nhưng giờ đây, khi còn sống chỉ có một mình, tôi lại muốn được chết. Tại sao tôi lại ở đây? Tôi cần phải đi chung với cả nhà tôi. Chúng tôi luôn ở bên nhau, tại sao chúng tôi không chết cùng nhau?” - Toutah gào khóc.
Vì bị thương nặng và không thể tự đi được nên Toutah vẫn còn ở bệnh viện. Trong khi đó, cháu trai Yamen được gửi đến gia đình chị gái ở thành phố khác chăm sóc.
Dima al-Lamdani (18 tuổi) mơ ước trở thành một nữ doanh nhân thành đạt. Khi quân đội Israel cảnh báo vào ngày 13/10 rằng mọi người ở phía bắc Gaza nên sơ tán về phía nam, cha của Lamdani đã gọi điện cho cả gia đình và quyết định đến xin tạm trú tại nhà của một người thân.
2 ngày sau, vào lúc bình minh, tai họa ập tới. Điều tiếp theo Lamdani nhớ là mình bị bao phủ trong đống đổ nát với âm thanh la hét, gào khóc của mọi người xung quanh. Gần 50 người có mặt trong tòa nhà dân cư, trong đó có 17 thành viên trong gia đình Lamdani đều bị chôn vùi trong đống đổ nát. Lamdani, anh trai cô là một trong số những người may mắn sống sót được kéo ra khỏi đống đổ nát. “Thời gian tôi chờ đợi được tìm thấy là những khoảnh khắc kinh hoàng nhất. Tôi đã hét lên và khóc khi họ tìm thấy tôi” - Lamdani nhớ lại.
Lamdani sau đó được đưa đến một nhà xác để nhận dạng thi thể người thân. “Tôi không thể nhận ra họ, vì những khuôn mặt bị biến dạng. Bây giờ tôi sụp đổ. Không ước mơ, không hy vọng. Tôi không thể tưởng tượng cuộc sống của mình sẽ ra sao khi không có cha mẹ, chị gái. Tương lai là gì tôi không biết nữa. Ai sẽ trả lại gia đình cho tôi đây?” - cô gái nức nở.
Những đứa trẻ sẽ sống ra sao?
Những ngày qua, bà Samah Aladini đau buồn khi cả gia đình con gái bà thiệt mạng, duy nhất chỉ còn đứa cháu Nai’emah còn sống. “Ngoài con gái tôi, gia đình nó gồm chồng, ba mẹ chồng và 3 đứa cháu nữa đã thiệt mạng sau cuộc không kích vào ngày 24/10. Tôi rất nhớ con tôi, càng đau lòng hơn khi nhìn bé Nai’emah. Đứa nhỏ này làm sao có thể sống được khi không có ba mẹ?” - bà Aladini khóc nói.
Bà Aladini cho biết, dù may mắn sống sót, Nai’emah đang bị sang chấn tâm lý trầm trọng. Em không ăn, không ngủ. “Tôi muốn đưa cháu đi chữa trị. Nếu cứ tiếp tục như thế, không biết nó có trụ nổi không. Nhưng chúng tôi sẽ phải đợi đến khi cuộc xung đột kết thúc. Nếu chúng tôi sống sót thì mới chữa trị cho con bé được” - bà nói thêm.
Cũng giống như bé Nai’emah, hàng ngàn trẻ em sống sót ở dải Gaza đang đối mặt với nhiều căng thẳng, gặp khó khăn về thể chất và tâm lý. Toby Fricker -người phát ngôn của UNICEF - cho biết, có một bé gái 4 tuổi, con của một nhân viên Liên hiệp quốc, đang gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần. Bé đã bứt tóc và gãi chân cho đến khi chảy máu vì căng thẳng quá lớn khi phải sống qua chuyện chết chóc đau thương hằng ngày.
“Tình hình thật thảm khốc đối với trẻ em trên khắp dải Gaza và trẻ em cần được chăm sóc tâm lý sau chiến tranh” - bác sĩ Hussam Abu Safiya - Giám đốc bệnh viện nhi tại Khu liên hợp y tế Kamal Adwan ở phía bắc dải Gaza - cho biết. Ông nói, trẻ em chiếm 70% số nạn nhân trong vụ đánh bom của Israel, nhiều em thi thể không còn lành lặn. Bác sĩ Abu Safiya nhấn mạnh: trẻ em sống sót cần được chăm sóc tâm lý sau khi xung đột kết thúc, đặc biệt là những trẻ đã mất gia đình.
Theo phụ nữ TPHCM